Tổng thống Putin cảnh báo NATO
Hãng thông tấn Al Jazeera đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/6 đã cảnh báo liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Nga sẽ đáp trả nếu NATO triển khai quân đội và hạ tầng quân sự tại Phần Lan và Thụy Điển sau khi hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh quân sự.
Bình luận trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đổi ý chuyển sang ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh sau khi 3 quốc gia đồng ý bảo vệ an ninh của nhau.
Việc Helsinki và Stockholm gia nhập NATO sẽ đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất về an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Trả lời báo giới hôm 29/6 trong chuyến công du tại Turmenistan, Tổng thống Putin cho biết: "Với Thụy Điển và Phần Lan, chúng tôi không có những vấn đề như với Ukraine. Nếu họ muốn gia nhập NATO, thì họ cứ việc làm điều đó".
"Nhưng họ cần hiểu một điều rằng nếu như trước đây không có mối đe dọa nào với Nga, thì giờ đây, giả sử NATO triển khai lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự ở đó [Phần Lan và Thụy Điển], Nga sẽ buộc phải đáp trả và đe dọa tương xứng dành cho những vùng lãnh thổ tạo ra mối đe dọa đối với chúng tôi", vị Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Ông Putin cũng dự đoán rằng mối quan hệ giữa Moskva với Helsinki và Stockholm sẽ trở nên căng thẳng hơn rõ rệt nếu hai nước này quyết định gia nhập NATO.
"Quan hệ giữa chúng tôi từng rất ổn, nhưng giờ đây chắc chắn sẽ có một số căng thẳng", ông Putin nói. "Đó là điều không thể tránh khỏi nếu chúng tôi bị đe dọa".
Nhận định về phát biểu của Tổng thư ký NATO rằng khối liên minh này đã "sẵn sàng cho một cuộc xung đột kể từ năm 2014", ông Putin cho biết điều đó "không có gì mới" đối với Moskva:
"Điều này một lần nữa khẳng định những gì chúng ta đã nói từ trước đến nay: Rằng NATO là một di tích của thời Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi luôn được thông báo rằng NATO đã thay đổi, rằng giờ đây nó là một liên minh chính trị, nhưng mọi người đều đang tìm kiếm cơ hội và lý do để tạo cho nó một động lực mới với tư cách là một tổ chức quân sự. Và quả thật là họ đã làm điều đó", ông Putin nói.
Đài RT cho biết, trong chuyến công du Turmenistan, Tổng thống Putin cũng đã bình luận về cuộc xung đột tại Ukraine rằng mục tiêu của Nga về Donbass "không có gì thay đổi".
Ông Putin nói thêm rằng trong khi các mục tiêu không thay đổi, thì các chiến thuật được sử dụng để đạt được các mục tiêu này có thể được điều chỉnh theo những gì quân đội cho là phù hợp. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng "mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch."
Tổng thống Putin trả lời báo giới trong chuyến công du Turmenistan
Thượng đỉnh NATO 2022: Có điều gì mới?
Tuyên bố của Tổng thống Putin được đưa ra vào cùng ngày NATO gọi Nga là "mối đe dọa trực tiếp" lớn nhất đối với an ninh của phương Tây kể từ sau Thế chiến II. Liên minh quân sự này cũng đã nhất trí về các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vụ trang của Ukraine.
Sau đây là những điểm chính được NATO thảo luận và kết luận trong ngày 29/6 do đài RT tổng hợp:
1. Chiến lược mới
Các nhà lãnh đạo NATO hôm 29/6 đã nhất trí thông qua một phiên bản Khái niệm Chiến lược mới. Tài liệu này đóng vai trò định hướng chính sách và lập trường của khối liên minh đối với các quốc gia không phải là thành viên, cũng như đối tác và đối thủ của NATO. Lần gần đây nhất tài liệu này được cập nhật là năm 2010.
Theo đó, phiên bản mới đã gọi tên Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất" của NATO.
Bản tài liệu không hứa hẹn cấp cho Ukraine tư cách thành viên chính thức, nhưng tuyên bố rằng NATO sẽ tiếp tục "phát triển quan hệ đối tác" với cả Ukraine và Gruzia.
Khái niệm Chiến lược mới của NATO cũng khẳng định rằng "NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào đối với Liên bang Nga."
2. Thành viên mới
Sau nhiều tuần tranh luận căng thẳng giữa các thành viên, NATO tuyên bố rằng liên minh này đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bình luận rằng quá trình gia nhập nhanh chóng như vậy là điều "chưa từng có tiền lệ".
"Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ giúp họ an toàn hơn, giúp NATO mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu-Đại Tây Dương thêm an toàn", theo tuyên bố của ông Stoltenberg.
Quyết định kết nạp hai thành viên mới sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội 30 nước thành viên NATO, và ông Stoltenberg nhận định rằng quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn bình thường.
3. Ukraine muốn nhiều viện trợ hơn
Theo RT, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị NATO viện trợ nhiều hơn cả về quân sự và tài chính. Ông nói rằng Ukraine cần 5 tỷ USD mỗi tháng để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Đến nay, Mỹ đã phê duyệt viện trợ cho Ukraine hơn 55 tỷ USD cả về quân sự và kinh tế, trong khi Anh viện trợ hơn 3,2 tỷ USD. EU đã đóng góp khoảng 5,8 tỷ USD.
4. Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu
Phát biểu tại hội nghị hôm 29/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố về kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu của Mỹ, bao gồm thiết lập một căn cứ thường trực ở Ba Lan, cử thêm hai phi đội máy bay phản lực F-35 đến Anh và điều động 5.000 binh sĩ đồn trú ở Romania.
Ông Biden cho biết Mỹ sẽ đưa hệ thống phòng không và các khí tài khác tới Đức và Italy, tăng số tàu khu trục đồn trú tại Tây Ban Nha từ 4 lên 6 chiếc.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, việc tăng cường hiện diện quân sự sẽ nâng tổng số lính Mỹ được triển khai ở châu Âu lên 100.000 người./.