"Cho dù có ai muốn đàn áp chúng tôi, ý chí của chúng tôi, ý thức của chúng tôi đến mức nào đi nữa, chưa có ai trong lịch sử từng thành công, họ chưa thành công bây giờ và họ sẽ không bao giờ thành công", Tổng thống Vladimir Putin nói với những người ủng hộ ở Moscow vào cuối ngày 17/3.
Ông Putin nhấn mạnh, tất cả "và trong một số lĩnh vực, kế hoạch hoành tráng" mà ông đặt ra trước cuộc bầu cử "chắc chắn sẽ đạt được".
Ông Putin tự phá kỷ lục của chính mình
Theo Bloomberg, ông Putin phát biểu sau khi kết quả sơ bộ cho thấy ông đã giành được 87,2% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử kết thúc hôm qua. Kết quả lần này vượt xa kỷ lục 77% trước đó của ông trong cuộc bầu cử năm 2018.
Ông Putin (71 tuổi) - nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Nga kể từ thời kỳ của nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin - đang kéo dài thời gian cầm quyền gần một phần tư thế kỷ của mình sang nhiệm kỳ thứ năm vào thời điểm quân đội Nga đang giao tranh ở Ukraine.
Nga đang tận dụng lợi thế của mình trong năm thứ ba của cuộc chiến, vốn đã trở thành cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai khi Ukraine gặp khó khăn về nguồn cung vũ khí trong bối cảnh viện trợ quân sự từ Mỹ và các đồng minh châu Âu bị chậm trễ.
Ông Putin cho biết, bất kỳ cuộc xung đột trực tiếp nào giữa Nga và liên minh NATO do Mỹ đứng đầu sẽ "chỉ cách một bước chân tới một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba toàn diện".
Bloomberg đưa tin, tỷ lệ cử tri Nga đi bỏ phiếu sau ba ngày bầu cử là 74,2%. Đó là mức cao nhất kể từ khi ông Boris Yeltsin trở thành Tổng thống Nga vào năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, và cao hơn nhiều so với tỷ lệ 67,5% cử tri đi bỏ phiếu được ghi nhận vào năm 2018. Ít nhất sáu khu vực của Nga tuyên bố tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này là trên 90%.
Theo dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC), trong 3 đối thủ của ông Putin, ứng cử viên của Đảng Cộng sản Liên bang Nga Nikolai Kharitonov giành được 4,2% phiếu bầu, Vladislav Davankov từ Đảng Những Người Mới - một đảng được thành lập vào năm 2020 - chiếm 4%, và Leonid Slutsky - lãnh đạo Đảng cánh hữu Dân chủ Tự do Nga - xếp cuối với 3,2%.
Trong bài phát biểu vào ngày 17/3, Tổng thống Putin cũng cho biết, các cuộc biểu tình phản đối bầu cử không có tác dụng và những người làm hỏng phiếu bầu sẽ phải đối mặt với cuộc điều tra và xử lý hình sự.
Ông Putin còn xác nhận với các phóng viên rằng, ông đã đồng ý đổi thi thể của nhân vật đối lập Alexei Navalny mới qua đời lấy những người không rõ danh tính bị giam trong các nhà tù phương Tây.
"Cuộc sống là thế", ông Putin nói, gọi cái chết của Navalny là một "sự kiện đáng buồn". Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm ông Putin mới nhắc đến cái tên Navalny.
Pavel Danilin - người đứng đầu Trung tâm Phân tích Chính trị có trụ sở tại Moscow, đơn vị cố vấn cho Điện Kremlin - cho biết, kết quả bầu cử "mang lại cho ông Putin mọi cơ hội để thực hiện bất kỳ kịch bản nào, thậm chí là khó khăn nhất ở Ukraine".
"Kết quả cao nhất lịch sử là sự đảm bảo rằng phần lớn người dân ủng hộ Putin", Danilin nói.
Điện Kremlin đã 'thích ứng với tình trạng chiến tranh thường trực'
Bloomberg dẫn lời 5 người am hiểu tình hình giấu tên cho biết, Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với phương Tây.
Bloomberg đưa tin, Điện Kremlin đang gây áp lực lên các quốc gia như Moldova, các quốc gia vùng Baltic và các quốc gia ở khu vực Kavkaz dưới danh nghĩa bảo vệ người thiểu số Nga.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng từng cảnh báo công khai về nguy cơ Nga tấn công một quốc gia thành viên NATO và lo ngại Mỹ có thể bỏ rơi họ nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Theo Bloomberg, nền kinh tế Nga cơ bản đã vượt qua cú sốc từ các lệnh trừng phạt quốc tế chưa từng có kể từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, nhờ nguồn thu từ năng lượng và khoản chi tiêu lớn của chính phủ Nga để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng và bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Thương mại với Trung Quốc đang bùng nổ khi Nga định hướng lại nền kinh tế của mình khỏi các thị trường ở châu Âu.
Nga đã tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine và cho biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vượt xa 80%, ngay cả khi hàng triệu người đã chạy trốn khỏi các khu vực kể từ khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố, "các cuộc bầu cử giả" là bất hợp pháp.
Ukraine đã tiến hành một chiến dịch tấn công tăng cường bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, bao gồm các nhà máy lọc dầu trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Nga.
Các nhà chức trách Nga đã hạn chế hoạt động trong thời gian ngắn tại ba sân bay của Moscow vào ngày 17/3 sau khi một máy bay không người lái bị bắn rơi gần khu vực Domodedovo của thủ đô Moscow.
Theo Bloomberg, Nga đã chiếm khoảng 1/5 diện tích Ukraine, bao gồm cả Crimea - nơi Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Năm 2022, Tổng thống Putin tuyên bố 4 khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine là một phần "mãi mãi" của Nga, ngay cả khi lực lượng của ông không hoàn toàn kiểm soát chúng.
Tổng thống Putin cũng bác bỏ triển vọng tạm dừng chiến sự trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tuần trước, nói rằng ông không quan tâm đến việc "tạm dừng" vì điều đó sẽ cho phép Ukraine tái vũ trang. Ông Putin nói, Nga muốn có những đảm bảo an ninh bằng văn bản để chấm dứt giao tranh và "tình hình thực địa" phải là cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Andrei Kolesnikov - thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở tại Mỹ - cho biết: "Trong hai năm qua, chính quyền của Tổng thống Putin đã tạo dựng lại mọi điều kiện của chính mình để thích ứng với tình trạng chiến tranh thường trực".