Ông Putin chỉ trích lo ngại của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về Trung Quốc: “Đó là bóp méo sự thật”

Minh Hằng |

Ông Putin mới đây chia sẻ về phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ giới truyền thông tại Moscow vào rạng sáng ngày 18/3/2024. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ giới truyền thông tại Moscow vào rạng sáng ngày 18/3/2024. Ảnh: AFP

Mới đây, trong ngày 28/5, sau khi kết thúc chuyến thăm kéo dài hai ngày ở Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời phỏng vấn báo chí.

Ngoài những vấn đề về quân sự có liên quan đến Ukraine và NATO, ông Putin còn chia sẻ về những lo ngại của Mỹ đối với ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc là "sự thật bị bóp méo".

Theo thông tin công bố trên website của Điện Kremlin, ông Putin đã đề cập đến chuyến công du của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Trung Quốc cách đây không lâu (từ ngày 5/4 đến 8/4). Khi đó, bà Janet Yellen bày tỏ rằng có lo ngại đang gia tăng về năng lực sản xuất dư thừa của quốc gia tỷ dân có thể ảnh hưởng đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ được hưởng lợi khi giảm năng suất công nghiệp dư thừa và điều này đang gây áp lực lên những nền kinh tế khác.

Ông Putin chỉ trích lo ngại của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về Trung Quốc: “Đó là bóp méo sự thật”- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), ngày 5/4 /2024. Ảnh: Reuters

Cùng với nhiều quan chức Mỹ khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ bày tỏ lo ngại rằng việc Trung Quốc sản xuất quá nhiều xe điện, tấm pin mặt trời, chất bán dẫn và nhiều mặt hàng khác. Trên thực tế, những hàng hóa này của Trung Quốc đang tràn vào thị trường trên toàn cầu, trong khi nhu cầu ở thị trường nội địa lại sụt giảm.

Ông Putin chỉ trích lo ngại của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về Trung Quốc: “Đó là bóp méo sự thật”- Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn của giới truyền thông sau khi kết thúc chuyến thăm kéo dài hai ngày ở Uzbekistan, ngày 28/5. Ảnh: AFP

Chia sẻ về vấn đề này, trong cuộc họp báo ngày 28/5, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong điều kiện thị trường, nếu mọi người vẫn mua sản phẩm và chúng được sản xuất ra có lãi thì sẽ không có tình trạng sản xuất dư thừa. Tổng thống Nga cũng đặt vấn đề rằng một quốc gia lấy quyền gì để buộc một quốc gia khác ngừng sản xuất các loại hàng hóa khác nhau?

Theo ông Putin, cái gọi là các lệnh trừng phạt hay "thổi phồng" về năng lực sản xuất dư thừa thực ra là một trong những biến thể của việc sử dụng vũ lực và đây là cách mà Mỹ đang cố gắng hành động trên toàn thế giới.

Phía Trung Quốc nói gì?

Ông Putin chỉ trích lo ngại của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về Trung Quốc: “Đó là bóp méo sự thật”- Ảnh 4.

Tấm pin năng lượng mặt trời chính là một trong những mặt hàng của Trung Quốc đang được xuất khẩu ồ ạt ra thị trường thế giới. Ảnh: Bloomberg

Trước đó, trong tháng 4/2024, truyền thông Trung Quốc cũng phản bác lại phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về nguy cơ dư thừa năng suất công nghiệp của nước này và cho rằng đây là một ví dụ về tiêu chuẩn kép.

Tờ China Daily khi đó nhận định rằng: "Cơ bản về mặt kinh tế, những sản phẩm dư thừa sẽ tự nhiên tìm đến những thị trường khác khi mà nhu cầu ở trong nước đã được đáp ứng. Các quốc gia phương Tây đã làm điều này trông hàng thế kỷ. Tuy nhiên, khi đến lượt Trung Quốc, nó lại trở thành vấn đề dư thừa năng suất đe dọa thế giới".

Ngày 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, sự phát triển của ngành năng lượng mới ở Trung Quốc là kết quả của sự tích lũy công nghệ lâu dài cũng như sự cạnh tranh cởi mở của các doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Wang Wenbin nhấn mạnh, năng lực sản xuất năng lượng mới của Trung Quốc là năng lực sản xuất tiên tiến đang rất cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế thế giới, chứ không phải cái gọi là năng lực sản xuất dư thừa.

Ông Wang Wenbin cho rằng Mỹ đang thổi phồng tình trạng dư thừa trong ngành năng lượng mới của Trung Quốc, hoàn toàn đi chệch khỏi thực tế khách quan và quy luật kinh tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Mỹ không thể một tay "giương cao ngọn cờ" giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc này, nhưng mặt khác lại sử dụng lệnh cấm để cản trở các sản phẩm xanh của Trung Quốc mang lại lợi ích cho thế giới.

Ngoài ra, ông Wang Wenbin cũng chia sẻ, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác sâu rộng vào các chuỗi cung ứng và sản xuất năng lượng mới với các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp. Do đó, Trung Quốc hy vọng các quốc gia tuân thủ hợp tác cởi mở và phấn đấu đạt kết quả đôi bên cùng có lợi, tránh nhiều tổn thất.

Ngày 14/5 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã công bố đánh thuế nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ tăng thuế xe điện Trung Quốc lên 102,5%. Điều này làm dấy lên khả năng tái diễn xung đột thương mại với Bắc Kinh. Về phía Trung Quốc, quốc gia này cũng ngay lập tức cảnh báo sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, trong ngắn hạn, đợt tăng thuế nhập khẩu mới nhất của phía Mỹ có thể sẽ tác động hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ. Nhưng, khi xét tại phương diện rộng hơn, đợt tăng thuế mới này có thể báo hiệu trước về xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài.

Bài tham khảo nguồn: Kremlin, Chinanews, China Daily, Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại