Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tối hôm qua (27/4), trước các nhà lập pháp ở Moscow, ông Putin nói "nếu ai đó quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra từ bên ngoài và tạo ra các mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, thì họ nên biết rằng phản ứng của chúng tôi đối với những đòn tấn công sắp tới đó sẽ nhanh như chớp".
"Chúng tôi có tất cả các công cụ để làm điều này. Công cụ mà không ai ngoại trừ chúng tôi có thể khoe ra. Nhưng chúng tôi sẽ không khoe khoang. Chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần" – Tổng thống Nga nói thêm nhưng không nêu rõ công cụ nào có thể được triển khai.
Theo ông Putin, nhà chức trách Nga đã đưa ra tất cả các quyết định cần thiết để chuẩn bị cho một phản ứng như vậy.
Tuần trước, Moscow phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat tối tân của mình. Loại vũ khí với khả năng hạt nhân mới này có thể mang theo một số đầu đạn siêu thanh Avangard, được cho là có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không nào do sở hữu tốc độ cực cao và khả năng cơ động liên tục trong suốt chuyến bay của chúng.
Không giống như Nga, Mỹ và các đồng minh NATO hiện không có vũ khí siêu thanh trong biên chế, ít nhất là cho tới hiện tại.
Các nước phương Tây đã tích cực cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không, xe bọc thép và pháo kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra. Họ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhằm làm giảm khả năng của Nga trong việc tài trợ cho chiến dịch quân sự của mình.
Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn loại trừ việc NATO tiếp cận mặt đất hoặc vùng cấm bay ở Ukraine vì lo ngại một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Moscow đã nhiều lần lên án việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, cho rằng chúng chỉ làm mất ổn định tình hình và cản trở triển vọng hòa bình. Hôm thứ 3, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cáo buộc NATO "về cơ bản gây chiến với Nga thông qua một ủy nhiệm và trang bị cho ủy nhiệm đó".
Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2 vì cho rằng Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Nga đã công nhận 2 nước cộng hòa ly khai Donestk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai địa vị đặc biệt ở Ukraine.
Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.