Tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng
Từng là người không có nổi cục đất "chọi chim", thế nhưng qua mấy mươi năm, bằng ý chí và nghị lực của mình, với mô hình nuôi nghêu thịt, nuôi nghêu giống, ông Huỳnh Mừng Em (52 tuổi, ngụ ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) đã vươn lên trở thành tỷ phú ở vùng đất ven biển Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu – và cùng là người đỡ đầu cho hàng trăm hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc ở địa phương vươn lên làm giàu.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Mừng Em cho biết: "Để có được như ngày hôm nay, tôi đã trải qua những năm tháng vô cùng bi cực. Nhưng cũng chính vì sự khó khăn ấy đã giúp cho tôi có thêm động lực để lao động và vươn lên".
Ông Mừng Em kể, ông sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 9 anh em. Năm lên 2 tuổi, người cha qua đời, cuộc sống của ông Mừng Em và những anh em khác đều dựa vào sự bảo bọc của người mẹ.
Ông bảo, dù cuộc sống rất khó khăn nhưng bản thân ông và các anh em vẫn được mẹ lo cho học ăn học; riêng ông được học hết chương trình 12 thì phải rời ghế nhà trường. "Năm đó tôi 19 tuổi, sau khi nghỉ học, tôi và mẹ đến ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình tìm kế sinh nhai", ông Mừng Em nhớ lại.
Những năm 1989 – 1990, chính quyền huyện Hòa Bình cho xây dựng chợ Cái Cùng ở ấp Vĩnh Lạc bằng cây lá địa phương. Hai mẹ con ông Mừng Em xin thuê lại một căn phòng nhỏ trong nhà lồng chợ để ở và buôn bán hàng hóa sinh sống.
Đến năm 1994, ông Mừng Em gặp và kết duyên với bà Lý Kim Vũ – một cô gái bản địa. Sau ngày cưới, gia đình ông được cha mẹ vợ cho mượn mấy chục m2 đất ở ấp Vĩnh Lạc, rồi hàng xóm người cho cây, người cho lá, và họ đã giúp vợ chồng ông dựng lên một căn nhà nhỏ làm nơi trú ngụ. Năm 1996 và năm 2000, hai người con trai của vợ chồng ông lần lượt chào đời.
May mắn đến với vợ chồng ông Mừng Em vào đầu năm 2000 khi ông được một thương lái cũng là bạn bè kêu đi tìm mối thu gom nghêu giống để hưởng hoa hồng.
Ông Mừng Em kể, vùng đất ven biển Cái Cùng – Đông Hải, hay Bạc Liêu – Gành Hào ngày ấy khi vào mùa, nghêu giống xuất hiện rất nhiều, và nó cũng là nguồn lợi trời ban cho hàng nghìn hộ dân bản xứ có điều kiện để sinh sống.
"Do không có tiền nên khi thu gom được nghêu giống từ người dân, tôi liên hệ với bạn đến mua. Mỗi kg nghêu giống, tôi được bạn trả công 1 nghìn đồng", ông Mừng Em nói và cho biết, do nguồn lợi thủy sản loài nghêu thời điểm đó rất nhiều, nên quân bình một ngày, ông có thể gom được từ 3 đến 5 tấn.
Sau vụ mùa nghêu giống năm 2000, vợ chồng ông Mừng Em tích lũy được hơn 100 triệu đồng.
"Số tiền tích lũy được trong mua nghêu giống năm đó, tôi mua một chiếc xe máy để chạy xe ôm trong thời gian chờ đến vụ nghêu giống năm sau. Cũng từ số tiền tích lũy được nên ở những năm sau đó, tôi đã có tiền để thu mua nghêu giống về trực tiếp bán lại cho thương lái ở các tỉnh phía Bắc. Đây cũng là mốc thời gian đánh dấu cuộc sống gia đình tôi bước sang trang mới", ông Mừng Em nói.
Nhờ chủ động được đồng vốn nên sau mỗi vụ thu mua nghêu giống, gia đình ông tích lũy được hàng trăm triệu đồng.
Để tăng thu nhập thêm cho gia đình, ông Mừng Em lặn lội đến nhiều tỉnh thành trong cả nước tìm đầu ra cho các loại giống thủy sản khác như: cua biển giống, sò huyết giống…, công việc này cũng đem về nguồn thu hơn 500 triệu đồng cho gia đình ông đều đặn từ năm 2002 đến năm 2010.
Khi có tiền trong tay, ông Mừng Em bắt đầu mua đất, mua nền để làm phương tiện sản xuất. Theo ông, nhờ cách tích lũy như thế nên đến nay ông đã sở hữu nhiều ha đất nuôi sò huyết, nuôi cua biển thương phẩm…, hàng năm đem về nguồn thu trên dưới 3 tỷ đồng.
Đỡ đầu cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo
Khi cuộc sống gia đình đã ổn định, các con ăn học thành tài, ông Mừng Em đã nhận lời mời của Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện Hòa Bình về làm giám đốc HTX Đồng Tiến vào năm 2014.
Ông Mừng Em cho biết, khi ông về nhận nhiệm vụ làm giám đốc HTX Đồng Tiến vào năm 2014, khi ấy vốn điều lệ của đơn vị chỉ có 22 triệu đồng, với mấy chục thành viên.
Báo Nông Nghiệp Việt Nam thông tin, lúc đầu HTX Đồng Tiến được giao diện tích bãi 1.800 ha nhưng không quản lý được vì quá rộng. Ông Mừng nghĩ nếu cứ ôm hết vào là chết, vả lại còn phải chừa một phần để tạo sinh kế cho dân nên mới quyết định trả lại cho xã 900 ha để làm bãi đánh bắt tự nhiên, chỉ còn 900 ha của HTX.
Phần 900 ha còn lại năm đầu tiên ông Mừng "trải thảm đỏ" kêu gọi nhà đầu tư vào với cam kết lời thì bên có giống được 75%, bên có bãi được 25%. Vụ đầu tiên, một nhà đầu tư đã bỏ 6 tỷ mua 600 triệu con giống thả xuống bãi. Sau hơn 1 năm thu lời 4 tỷ, nhà đầu tư được 3 tỷ, HTX được 1 tỷ và trả cổ tức theo mức 50%/vốn góp.
Qua năm sau, HTX đã có vốn, còn người dân đã thấy hiệu quả của việc nuôi nghêu nên ào ào xin vào tới 265 hộ thành viên, trong đó khoảng 75% là hộ nghèo hay đồng bào dân tộc và 25% là cán bộ xã nhưng kinh tế cũng rất khó khăn. Thêm một nhà đầu tư nữa tham gia nên tổng vốn vụ thứ hai lên 10 tỷ đồng, thả được 1,5 tỷ con giống. Chẳng may năm đó dịch bệnh, nghêu trên bãi bị hao hụt tới 95%, cuối vụ chỉ thu được 6 tỷ, lỗ 4 tỷ. Sau cú thất bát một nhà đầu tư đã ra đi.
Điều an ủi là các thành viên không ai rút lui cả vì thực sự HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho mấy trăm hộ thành viên.
Trở lại vụ nghêu thứ ba, khi một nhà đầu tư rút lui, HTX đã nghĩ ra cách tận dụng vốn hỗ trợ hộ nghèo của các thành viên, mỗi nhà được 4 triệu để góp cổ phần. Ngoài ra, đơn vị còn vay thêm vốn của Liên minh HTX tỉnh, được thêm 2 tỷ nữa để vụ đó có 3,4 tỷ thả nửa bãi, nhà đầu tư trung thành góp 4 tỷ thả nửa bãi còn lại, tổng cộng 1,8 tỷ con giống. Cuối vụ, lời được 6 tỷ, sau khi trừ lại một phần để tái sản xuất, HTX chia cổ tức ở mức 100%.
Vụ thứ tư, HTX trả cổ tức kỷ lục ở mức 180%. Vụ thứ năm, số thành viên đã tăng lên tới trên 500 hộ, được lời trên 9 tỷ, HTX trả cổ tức ở mức 100%.
Sau 10 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã có nguồn vốn điều lệ lên đến 6 tỷ đồng, vốn hoạt động của đơn vị tăng lên 20 tỷ đồng, với 552 thành viên.
"552 thành viên của HTX Đồng Tiến trước đây đều là hộ nghèo, gia đình chính sách, hay hộ đồng bào dân tộc. Nhưng ở thời điểm hiện tại không còn hộ nào thuộc diện nghèo, với nguồn thu nhập bình quân trên dưới 1 triệu đồng/ngày/hộ", ông Mừng Em vui mừng cho biết.
Để tăng thêm thu nhập cho các thành viên trong HTX, mới đây, ông Hùng Em còn cho thành lập dịch vụ kinh doanh ăn uống, vui chơi, kết hợp với nuôi cá kèo thương phẩm trên diện tích 3ha đất của HTX ở ấp Vĩnh Lạc. Mô hình nuôi cá đặc sản này đã đem về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng cho đơn vị trong năm 2023.
Vinh dự hơn khi vào năm 2023, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, ông Mừng Em được bầu vào Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam; và trong năm nay, ông được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".