Vợ chồng ông Vương (Trung Quốc) sinh được một cô con gái, đi làm và kết hôn rồi định cư ở thành phố lớn.
Không lâu sau, con trai Kỳ Kỳ của cô chào đời, được gửi về cho ông bà nuôi. Cậu bé mũm mĩm rất dễ thương. Với số tiền hưu không nhiều, vợ chồng ông Vương vẫn chăm sóc cho cháu chu đáo. Cháu muốn gì ông bà cũng lo, đồ chơi chất đầy nhà, không thiếu một món gì.
Cứ cuối tháng, con gái và con rể lại về quê thăm con, đôi khi còn kéo theo cả họ hàng bên chồng hay bạn bè trên thành phố. Những lúc đó, ông bà lại tốn thêm đủ chi phí ăn uống cho cả đại gia đình.
Có lần, ông Vương ngồi trên ghế sofa, giả vờ tức giận, hỏi cháu trai: "Con không thấy xấu hổ vì nhà con suốt ngày ăn uống ở nhà ông sao?".
Không ngờ Kỳ Kỳ lại nói: "Không, ông nội! Ông chỉ có một người con gái là mẹ con. Về sau nhà cửa và tài sản của ông sẽ thuộc con. Bây giờ cả nhà có thể ăn ở ở đây, không có vấn đề gì cả!".
Ông Vương không ngờ rằng Kỳ Kỳ mới 6 tuổi lại trả lời như vậy, có chút tức giận: "Ai dạy con điều này?".
Đứa trẻ giải thích: "Cha và bà nội đều nói dù sao ông cũng chỉ có một cô con gái, tất cả những gì ông có cuối cùng đều sẽ thuộc về cha mẹ con, vì vậy con cứ coi nơi này như nhà của mình và sống yên bình. Con không cần làm gì sau này cũng có nhà cửa để ở!". Những lời đứa trẻ nói ra như từng mũi kim đâm vào tim vợ chồng ông Vương.
Dù sau này tài sản của ông bà có thể thuộc về con cái đi chăng nữa nhưng là người lớn, cha mẹ Kỳ Kỳ lẽ ra không thể để con nghĩ rằng "sự đóng góp của ông bà là điều hiển nhiên". Chúng ta phải dạy con cái biết ơn, không chỉ chăm chăm vào tài sản của thế hệ đi trước mà hãy tự mình làm việc chăm chỉ.
Cha mẹ phải hướng dẫn con cái nhận thức rằng dù là sự chăm sóc của gia đình hay những hình thức giúp đỡ khác thì đều đáng trân trọng và biết ơn.
Để rèn luyện trẻ biết ơn, có một số tình huống cần tránh, cha mẹ phải lưu ý:
Cha mẹ nên biết ơn khi người già giúp đỡ chăm sóc con cái
Ông bà làm việc rất vất vả, tự mình nuôi dạy con cái rồi còn chăm cháu. Việc cha mẹ có biết ơn hay không đều có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Nếu chúng ta luôn đòi hỏi quá nhiều từ cha mẹ, con cái chúng ta sẽ học điều tương tự sau này.
Vì vậy, chúng ta có thể nhờ người lớn tuổi giúp đỡ việc chăm sóc con cái, nhưng phải biết biết ơn, hiểu những khó khăn của cha mẹ và dạy con cái biết quan tâm hơn đến công lao của ông bà. Khi trẻ có khả năng vận động nhất định, chúng ta nên hướng dẫn trẻ làm điều gì đó để đền đáp ông bà. Ví dụ như việc chăm sóc ông bà ốm đau và chọn quà tặng ông bà nhân dịp sinh nhật.
Đừng quá cưng chiều con cái mà hãy trau dồi khả năng sống tự lập cho con
Không có khả năng sống tự lập, không có tinh thần trách nhiệm là hậu quả của việc trẻ được chiều chuộng. Trẻ em đã quen với việc đạt được mọi thứ một cách dễ dàng, khi cần sự nỗ lực sẽ rất khó khăn. Khả năng sống tự lập của trẻ càng mạnh thì trẻ càng có thể gánh vác trách nhiệm chăm sóc bản thân, chăm sóc cha mẹ, ông bà.
Trẻ em là thành viên trong gia đình, chúng ta yêu quý chúng nhưng không thể cho phép chúng được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt. Chúng ta phải nuôi dạy con cái theo điều kiện thực tế của chúng, có đồ ăn ngon thì phải chia sẻ với cả nhà và nếu có tiền thì phải phân bổ một cách có kế hoạch.
Cha mẹ, người già và con cái đều phải có địa vị bình đẳng, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, để con cái nuôi dưỡng những giá trị, quan điểm sống đúng đắn và trở thành người ngay thẳng, nhân hậu, độc lập.