Ông Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM còn mắc nợ Trung ương

Huy Thịnh |

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM vẫn giữ vai trò đầu tàu cả nước nhưng vẫn còn nợ Trung ương lời hứa đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao trở lại như thời kỳ trước.

Chiều 19/1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề “Xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam”.

Là diễn giả của hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI đã nhận định TPHCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. TPHCM chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động nhưng nhờ năng suất cao mà đã đóng góp hơn 22% kinh tế cả nước. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 2019 là 7,7%/năm.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra TPHCM vẫn luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất (chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia); là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất (chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp, 33% dịch vụ cả nước). Tuy nhiên, vấn đề cơ bản đặt ra với phát triển kinh tế TPHCM là tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với cả nước đã giảm mạnh mà chưa có giải pháp khắc phục hậu quả.

Cụ thể, bình quân giai đoạn 2001 – 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước 1,65 lần. Song đến năm 2011, tốc độ này đã giảm, chỉ còn 1,17 lần.

“Vì vậy, Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa bình quân giai đoạn 2011 – 2020 của thành phố cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng kinh tế TPHCM giai đoạn 2011 – 2019 chỉ cao hơn bình quân cả nước 1,2 lần. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 cũng không đạt. Chúng ta đang mắc nợ Trung ương về việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16 đưa tăng trưởng kinh tế TPHCM đạt 1,5 lần mức bình quân cả nước”, ông Nhân nói.

Nói về lý do kiến nghị Trung ương thành lập TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết nhiều chuyên gia đã chỉ ra năng suất lao động quyết định đến tăng trưởng kinh tế. Năng suất lao động tăng với tỷ lệ bao nhiêu thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ tăng tương ứng.

Quận Thủ Đức có Đại học Quốc Gia TPHCM, có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực. Quận 9 có khu Công nghệ cao là nơi có năng suất lao động rất cao và sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Trong khi đó quận 2 có Thủ Thiêm là trung tâm tài chính năng động.

“Nếu không có sự liên kết, tương tác cao giữa các khu vực, ai đào tạo cứ đào tạo; sản xuất cứ sản xuất… thì sẽ không phát triển được”, ông Nhân giải thích.

Nói về năng suất lao động của Khu Công nghệ cao, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Khu công nghệ cao chỉ sau 10 năm thành lập đã thu hút hơn 100 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD với hơn 42 nghìn lao động. Suất đầu tư đạt 143.800 USD/người.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM còn mắc nợ Trung ương - Ảnh 2.

Khu công nghệ cao TPHCM

“Trong 2 năm gần đây, nếu lấy tổng giá trị sản phẩm trừ chi phí đầu vào thì sản phẩm sản xuất ở khu công nghệ cao đạt 20% doanh thu, tức giá trị gia tăng tạo ra là 20%. Năm 2019, xuất khẩu của các doanh nghiệp từ khu công nghệ cao đạt hơn 16 tỷ USD, tức đã tạo ra giá trị gia tăng 3,3 tỷ USD. Với hơn 42 nghìn lao động, năng suất lao động bình quân ở khu công nghệ cao đạt hơn 1,8 tỷ đồng/người, gấp hơn 16,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước và gấp 6,6 lần năng suất lao động chung của TPHCM”, ông Nhân cho hay.

Bí thư Thành ủy TPHCM khóa X cho biết theo quy hoạch, TP Thủ Đức sẽ tiếp tục triển khai các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới. Đó là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam, Công viên phần mềm Quang Trung TP Thủ Đức, Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN, Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, Trung tâm Triển lãm Hội chợ quốc tế.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM còn mắc nợ Trung ương - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi với ông Nguyễn Thiện Nhân

Khu liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc (222 ha), Hệ thống đê bao, bơm và các khu vực chứa nước tự nhiên và nhân tạo để Thủ Đức là Thành phố không ngập nước ở khu vực đô thị… Với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại cộng với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, là thành phố thông minh tạo sự tương tác cao giữa tất cả 16 cấu phần nói trên thì TP Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế.

Trong khoảng 10 năm tới, TP Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của Thành phố, khoảng 7% GDP của Việt Nam và là nền kinh tế lớn thứ 3 chỉ sau TPHCM và Hà Nội. Trong tương lai, TP Thủ Đức là nơi người nước ngoài đến cư trí, sinh sống nhiều nhất tại TPHCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại