Đài RT đưa tin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev hôm 21/8 đã đưa ra nhận định rằng quyết định tấn công vào đất Nga của Kiev có lợi cho Moscow, vì họ không còn có thể bị gây sức ép để thỏa hiệp vì hòa bình.
Theo RT, trong tháng này, quân đội Ukraine đã kiểm soát một số khu vực biên giới ở vùng Kursk của Nga trong một động thái mà giới lãnh đạo Ukraine tuyên bố sẽ củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán hòa bình sau này.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã loại trừ các cuộc đàm phán với Kiev sau cuộc đột kích vùng Kursk, cáo buộc Ukraine nhắm vào thường dân Nga trong hành động đó.
Ông Dmitry Medvedev lập luận rằng, Nga nên có lập trường cứng rắn hơn để đáp trả cuộc đột kích của Ukraine.
"Theo quan điểm của tôi, đã có mối đe dọa - mặc dù chỉ là lý thuyết - về một cái bẫy đàm phán, mà đất nước chúng ta [Nga] có thể rơi vào trong một số trường hợp nhất định. Tức là, các cuộc đàm phán hòa bình sớm không cần thiết, do cộng đồng quốc tế đưa ra và áp đặt lên Kiev", ông Medvedev viết trên mạng xã hội Telegram hôm 21/8.
Theo ông Medvedev, sau khi Ukraine thực hiện cuộc đột kích mà ông cáo buộc là "hành động khủng bố" ở vùng Kursk, "mọi thứ đều vào đúng vị trí của nó".
"Những lời bàn tán vô ích của những người trung gian không được ai ủy quyền về chủ đề một thế giới tươi đẹp đã bị ngăn chặn", cựu Tổng thống Nga viết.
"Bây giờ mọi người đều hiểu mọi điều, ngay cả khi họ không nói ra, rằng sẽ không có cuộc đàm phán nào nữa cho đến khi kẻ thù bị đánh bại hoàn toàn!", ông Medvedev tuyên bố.
Ông Medvedev còn chỉ trích đích danh Vương quốc Anh và cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson - người đã nhiệt liệt hoan nghênh động thái của Kiev. Ông cáo buộc Anh đã gây tổn hại rất nhiều cho Ukraine bằng sự ủng hộ của mình, vì điều này dẫn đến sự tàn phá và mất mát không cần thiết.
Theo RT, trước khi cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk bắt đầu, Moscow đã sẵn sàng ra lệnh ngừng bắn để đổi lấy việc Kiev từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi mọi vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập.
Tờ Politico hôm 19/8 đưa tin, Chính phủ Ukraine muốn có các cuộc đàm phán gián tiếp, trung gian với Nga tương tự như những cuộc đàm phán dẫn đến Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - một thỏa thuận đảm bảo an toàn cho một số tàu buôn đến hoặc đi từ các cảng của Ukraine. Thỏa thuận năm 2022 này về mặt kỹ thuật là hai thỏa thuận riêng biệt mà Nga và Ukraine đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc, chứ không phải với nhau.
Các quan chức Ukraine nói với Politico rằng, họ hy vọng vào cùng một hình thức và mong đợi Nga chấp nhận một kết quả dựa trên "công thức hòa bình" do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra vào năm 2022.
Moscow đã bác bỏ đề xuất của ông Zelensky ngay từ đầu, gọi đó là yêu cầu đầu hàng trên thực tế tách biệt với hiện thực.