Ngày 26-3, Tổng thống Venezuela Nicolas Marudo cho biết một cuộc gặp cấp cao liên chính phủ giữa Venezuela và Nga sẽ được tổ chức vào tháng 4.
“Một cuộc họp làm việc cấp cao về hợp tác liên chính phủ giữa Nga và Venezuela sẽ được tổ chức vào tháng 4. Chúng tôi sẽ ký hơn 20 hồ sơ hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, thương mại và giáo dục”, ông Maduro trả lời phỏng vấn kênh Channel One Russia ngày 26-3.
Ông Maduro cũng cho biết Venezuela đang đợi một đợt hàng cứu trợ nhân đạo nữa từ Nga gửi sang.
Trước đó vào ngày 22-2, Venezuela đã nhận khoảng 7,5 tấn hàng nhân đạo từ Nga, bao gồm thuốc men, thiết bị y tế và hàng tiêu dùng, được gửi theo các chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế Liên Mỹ.
Đầu tháng 3, Venezuela trải qua một đợt mất điện nghiêm trọng nhất trong lịch sử, khi 20 bang ở nước này không có điện. Công ty ung ứng điện quốc gia Corpoelec cho rằng sự cố xảy ra do một hành động phá hoại tại nhà máy thủy điện Guri gây mất điện trên phạm vi gần cả nước.
Chính phủ Venezuela cáo buộc Mỹ đứng đằng sau vụ phá hoại nhà máy điện Guri, tuy nhiên Mỹ đã bác bỏ.
Venezuela trải qua đợt khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kể từ tháng 1, khi lãnh đạo đối lập, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tuyên bố tự xưng là tổng thống lâm thời trong thời gian chờ bầu cử mới, phủ nhận chiến thắng của ông Maduro trong cuộc bầu cử trước đó.
Mỹ và các đồng minh của mình, bao gồm cả Brazil đã ngay lập tức lên tiếng công nhận ông Guaido à tổng thống lâm thời của Venezuela.
Ông Juan Guaido - lãnh đạo đối lập, tổng thống tự xưng của Venezuela gặp người ủng hộ ở El Tigre (Venezuela) ngày 22-3. Ảnh: REUTERS
Mới đây nhất, viết trên Twitter sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Fernando Azevedo tại Nhà Trắng ngày 26-3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói các nước Tây bán cầu đã thống nhất về chuyện giải quyết khủng hoảng Venezuela, và ngày cầm quyền của ông Maduro “sắp hết”.
Đầu tháng 3, ông Bolton có nói Mỹ sẽ áp dụng Học thuyết Monroe – một chính sách ra đời thập niên 1820 nhằm giữ an ninh tất cả các nước Tây bán cầu thông qua tạo ảnh hưởng đến các nước Mỹ La-tinh – vào tình huống ở Venezuela .
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói Mỹ vẫn cân nhắc mọi phương án giải quyết khủng hoảng Venezuela, rằng ông sẽ bàn về khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela với người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro.
Tuy nhiên, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 26-3, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nói Mỹ không có ý định giải quyết khủng hoảng Venezuela bằng biện pháp quân sự.