Ông Lý Hiển Long nói thẳng 2 điều mà Trung Quốc có mạnh đến đâu cũng "bất lực" trước Mỹ

Hải Võ |

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nêu quan điểm về thế cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc trong bài phân tích của ông, đăng trên Foreign Affairs (Mỹ) ngày 4/6.

Trung Quốc không thể thay thế vai trò an ninh của Mỹ

Trong bài viết tiêu đề Thế kỷ châu Á đang bị đe dọa (The Endangered Asian Century), ông Lý Hiển Long đánh giá, "dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng, Trung Quốc vẫn sẽ không thể thay thế được vai trò an ninh của Mỹ".

Theo ông Lý, vai trò bảo đảm an ninh của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là hết sức quan trọng. Nếu không có Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ buộc phải cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân.

"Cả hai nước đều là những quốc gia ở 'ngưỡng hạt nhân'. [Phát triển vũ khí hạt nhân] là đề tài thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thảo luận giữa họ, đặc biệt khi xét đến Triều Tiên ngày càng tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân," Thủ tướng Singapore viết.

Ông Lý chỉ ra, chướng ngại cản trở Trung Quốc thay thế vai trò an ninh của Mỹ là việc ở nhiều nước Đông Nam Á đều có các cộng đồng người Hoa chiếm số lượng không nhỏ. Cộng đồng này có mối quan hệ tương đối "vi diệu" đối với những sắc tộc khác. Ông nhận định các nước trong khu vực "hết sức mẫn cảm" trước bất kỳ quan điểm nào của Trung Quốc có thể tác động quá mức đến cơ cấu nhân khẩu người Hoa.

"Nếu Washington có ý đồ kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc, hoặc Bắc Kinh theo đuổi thiết lập tại châu Á một phạm vi ảnh hưởng bài xích Mỹ, thì đôi bên sẽ đi đến đối đầu. Hình thái đối đầu này sẽ dai dẳng hàng chục năm và khiến 'Thế kỷ châu Á' trong dự kiến rơi vào khó khăn," ông Lý nhận xét, bổ sung rằng "bất cứ đối đầu nào giữa hai cường quốc này đều khó có khả năng kết thúc theo hình thức chiến tranh lạnh - tức một bên tan rã trong hòa bình".

Khái niệm "Thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương" được lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nêu ra trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi năm 1988. Ông Lý Hiển Long dự báo, trong vòng 10 năm tới, quy mô kinh tế châu Á sẽ vượt qua tổng của các nền kinh tế khác và đây là điều chưa từng có kể từ thế kỷ 19.

Tuy nhiên, ông Lý nhắc lại cảnh báo của Đặng Tiểu Bình: "Thế kỷ châu Á" không phải là điều tất nhiên, và cũng không phải là số mệnh.

Trung Quốc không thể thay thế địa vị kinh tế Mỹ ở châu Á

Trong mối quan hệ tương hỗ về kinh tế, ông Lý cho rằng Mỹ gần như không có khả năng thay thế Trung Quốc để trở thành nhà cung ứng số 1 thế giới, cũng như không thể mất đi thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa Mỹ đứng thứ 3, chỉ sau Canada và Mexico.

"Song Trung Quốc cũng không thể thay thế địa vị kinh tế của Mỹ tại châu Á," ông viết. "Hệ thống tài chính toàn cầu phụ thuộc chủ yếu và cơ cấu tài chính Mỹ, đồng nhân dân tệ trong tương lai gần không nhiều khả năng thay thế đồng USD để trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Dù các nước châu Á khác xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn sang Mỹ, nhưng các công ty đa quốc gia của Mỹ vẫn là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất đối với nhiều nước - bao gồm Singapore."

Các công ty lớn của Trung Quốc đã bắt đầu làn sóng đầu tư ra nước ngoài, nhưng theo ông Lý, họ còn cần rất nhiều năm để sở hữu trình độ tương đương các công ty của Mỹ.

"Những công ty đa quốc gia này làm cho chuỗi sản xuất kết hợp với nhau, kết nối châu Á với kinh tế toàn cầu, và tạo ra nhiều triệu cơ hội việc làm."

Vì những nguyên nhân trên, Thủ tướng Singapore tin rằng các nước châu Á nhìn nhận Mỹ là cường quốc có lợi ích then chốt trong khu vực, trong khi Trung Quốc cũng là người láng giềng "hiện diện thực tế trước cửa nhà". Do đó, các nước châu Á-Thái Bình Dương không mong muốn phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời kỳ vọng hai nước lớn này phát triển quan hệ tốt đẹp.

[Các nước châu Á] không thể trả được cái giá khi xa lánh Trung Quốc, và các nước châu Á khác sẽ nỗ lực hết sức, không để cho bất kỳ tranh chấp đơn lẻ nào chiếm chủ đạo trong tổng thể quan hệ của họ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Ông Lý nêu, nhằm trách kịch bản đối đầu, "Một mối quan hệ hợp tác hình thành trong khuôn khổ các quy tắc đa phương được tất cả các bên đồng ý sẽ thúc đẩy một hệ thống, mà trong đó tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm và cần phải kiềm chế".

"Những lựa chọn chiến lược của Mỹ và Trung Quốc sẽ xác định hướng đi của trật tự thế giới mới nổi lên," Thủ tướng Lý Hiển Long viết. "Cạnh tranh giữa cường quốc là điều tự nhiên, nhưng việc họ có thể hợp tác hay không là một thử thách thực sự về chiến lược quản trị đất nước, và cũng sẽ xác định liệu con người có đạt được tiến bộ trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phổ biến hạt nhân và lây lan các bệnh truyền nhiễm hay không."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại