Chiều thứ sáu, 29/5 (giờ Washington DC), Tổng thống Trump đã có cuộc họp báo về Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump có cuộc họp báo riêng về Trung Quốc và thông báo trước một ngày, cho thấy cuộc họp báo lần này rất khác biệt, có tính toán trước, cả về đối ngoại và đối nội.
Câu chuyện Trung Quốc đã trở thành vấn đề nổi cộm trong lòng nước Mỹ và dư luận đều dự đoán cuộc họp báo sẽ là điềm xấu hơn nữa cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã xuống rất thấp trong thời gian vừa qua. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm sâu trước thông tin về cuộc họp báo này.
Những cảnh báo trong thời gian vừa qua đều cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ càng xấu đi, thậm chí đứng trước một dạng "chiến tranh lạnh 2.0".
Nhưng mọi việc dường như không chỉ một chiều và đơn giản như vậy. Vậy, thấy gì qua cuộc họp báo lần này và tác động của nó đến quan hệ hai nước.
Cuộc họp báo khác biệt
Việc Trump lần đầu tiên họp báo riêng về Trung Quốc đã là khác biệt. Có hai lý do trực tiếp nhất dẫn đến điều khác biệt và cuộc họp báo riêng về Trung Quốc của Trump lần này. Đó là: Một là, đại dịch Covid gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là tại Mỹ, mà Trump cho rằng có nguyên nhân từ Trung Quốc, cùng WHO, giấu diếm và lừa dối thông tin, làm các nước không kịp chuẩn bị;
Tiếp đó và trực tiếp nhất, là việc Lưỡng hội Trung Quốc thông qua việc áp đặt luật an ninh quóc gia lên Hồng Kông, điều mà Mỹ và đồng minh cho là vi phạm hiệp định cơ bản và qui chế tự quản của đặc khu hành chính này.
Trước đó, Trump cũng đã nhiều lần cảnh báo sẽ có những hành động cần thiết đối với các hành động của Trung Quốc đối với dịch Covid và Hồng Kông. Thậm chí, đầu sáng ngày 29/5, Trump còn cho đăng trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân chỉ có một từ: "TRUNG QUỐC!" (viết hoa và chấm than).
Điều này làm dư luận phán đoán, có thể có những biện pháp mạnh hơn. Vì vậy, dư luận chờ và rất quan tâm. Nhưng ngay trước giờ họp, Nhà Trắng đã thông báo lại, tại họp báo, sẽ chỉ có phát biểu của Tổng thống và được chụp hình.
Trên thực tế, chiều 29/5, Trump phát biểu khoảng 10 phút, rồi rời phòng họp và không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Việc này được đánh giá là để tránh phải trả lời những câu hỏi về vụ cảnh sát Mỹ làm thiệt mạng người Mỹ gốc Phi ở Minneapolis làm dấy lên các cuộc biểu tình, bạo động ở nhiều nơi trên nước Mỹ.
Đòn "trả đũa" mới của Tổng thống Trump
Trong phát biểu, Tổng thống Trump đã cáo buộc Trung Quốc xâm hại lợi ích của Mỹ trên một loạt các vấn đề và công bố nhiều biện pháp trả đũa Trung Quốc - Điều mà dư luận cho rằng sẽ đưa quan hệ Mỹ - Trung vào tình thế căng thẳng mới.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump đã khái quát những cáo buộc Trung Quốc từ giấu diếm, đưa tin sai lệch về Covid, theo đó đã gây ra nạn dịch và cái chết của nhiều người, trên thế giới và tại Mỹ, đến các vi phạm thỏa thuận và qui chế tự chủ về Hồng Kông, cùng các hành vi khác về gian lận thương mại, đánh cắp công nghệ, và cả về cản trở an ninh, tự do hàng hải ở các vùng biển Thái Bình dương. Trong đó, đánh giá: Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, hơn bất kỳ nước nào, đã liên tục trục lợi và làm phương tới lợi ích kinh tế và an ninh nước Mỹ. Giờ là lúc Mỹ cần phải giành lại các lợi ích quốc gia của mình mà các Tổng thống Mỹ trước đó đã không làm được.
Việc Mỹ - Trung cạnh tranh, trong đó có cuộc chiến thương mại và công nghệ là điều đã từng được biết và diễn biến ngày càng tăng trong hơn 3 năm cầm quyền của Trump vừa qua. Dư luận cho rằng, hôm 29/5, Trump đã công bố nhiều biện pháp trả đũa áp dụng với Trung Quốc, điều mà dư luận đánh giá là sẽ dẫn đến những biện pháp chưa từng có. Cụ thể:
(i) Về Hồng Kông: Huỷ bỏ các qui chế đặc biệt Mỹ dành cho lãnh thổ này, bao gồm cả về thương mại, công nghệ, hải quan, dẫn độ, đi lại, do các hành động của Trung Quốc vừa qua trên thực tế đã làm mất đi qui chế tự quản của Hồng Kông;
(ii) Về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Mỹ quyết định rút khỏi WHO, do vừa qua tổ chức này đã chịu sức ép của Trung Quốc, đã thông tin sai lệch về dịch Covid gây tổn thất lớn cho thế giới và nước Mỹ, đến nay vẫn chưa chịu tiến hành những cải tổ cần thiết như Mỹ yêu cầu;
(iii) Ngăn chặn du học sinh, học giả Trung Quốc làm gián điệp, đánh cắp bí mật công nghệ gây phương hại tới an ninh quốc gia, theo đó Tổng thống sẽ ban hành sắc lệnh về bảo mật nghiên cứu tại các trường đại học và dừng thị thực nhập cảnh đối với một số dự học sinh Trung Quốc;
(iv) Thị trường tài chính: Giao nhóm công tác của Tổng thống nghiên cứu về các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường tài chính Mỹ, để bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ, ngăn chặn các rủi ro và buộc các công ty Trung Quốc thực hiện đúng luật pháp;
(v) Ngoài ra: Tổng thống Trump cũng đề cập lướt qua về việc Mỹ sẽ có các biện pháp trừng phạt cần thiết đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông liên quan tới các vi phạm về tự do, dân chủ ở đây.
Những ẩn ý trong bài phát biểu
Chắc chắn quan hệ Mỹ - Trung đã và sẽ bước vào trạng thái căng thẳng mới, tác động của dịch Covid và tình hình Hồng Kông chỉ là giọt nước tràn ly. Nhưng bài phát biểu của Trump không chỉ là các cáo buộc, hay các biện pháp trả đũa, mà còn mang nhiều ẩn ý, kể cả ở những điều mà Trump hoặc chỉ nói một nửa hoặc không đề cập đến.
Trước hết, toàn bài phát biểu, tuy là một cáo trạng tổng hợp các cáo buộc về Trung Quốc, nhưng Trump chưa hề nói đến hay thể hiện việc cắt quan hệ với Trung Quốc, không nêu gì về thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cũng không chỉ trích cá nhân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Có thể thấy, tuy căng thẳng, nghi kỵ gia tăng, nhưng cũng vừa giữ cầu quan hệ là thông điệp ẩn ý ở đây.
Điều này càng nên được lưu ý, khi mà trước đó vào giữa tháng 5, Trump từng tuyên bố sẵn sàng "cắt đứt mọi thứ" với Trung Quốc và còn nói, chưa thấy cần thiết phải gặp Tập Cận Bình vào lúc này.
Như vậy, vẫn còn cửa cho các nhân nhượng về kinh tế, thương mại sau này, khi tình hình dịu đi, trong đó bao gồm cả thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Thứ hai, nhìn tổng thể vào bài phát biểu và các quyết định lần này của Trump, có thể thấy một ẩn ý rất lớn là nhắm vào nội bộ nước Mỹ. Trước hết, Trung Quốc đã trở thành vấn đề nổi cộm trong lòng nước Mỹ, chưa hết câu chuyện dịch Covid, nay lại thêm việc Trung Quốc áp đặt, thâu tóm Hồng Kông, buộc Tổng thống Trump không thể không lên tiếng và có biện pháp, nhất là khi nội bộ đang phức tạp và gần đến ngày bầu cử.
Thêm nữa, có những biện pháp như câu chuyện trừng phạt WHO bằng việc chấm dứt tư cách thành viên và các đóng góp của Mỹ, thực tế không phải nhắm vào Trung Quốc, mà là tìm cách đổ lỗi, trang trải cho tình trạng dịch bệnh khó khăn của chính bản thân nước Mỹ.
Thứ ba, tuy nói mạnh và đưa ra nhiều biện pháp trả đũa mới, nhưng tính toán của Trump là thận trọng, không làm đảo ngược chiều quan hệ. Tổng thể các biện pháp của Trump đa phần có thể dự báo trước (Mỹ rút khỏi WHO; Hủy bỏ qui chế đặc biệt cho Hồng Kông; Ngăn chặn du học sinh Trung Quốc làm gián điệp, đánh cắp công nghệ).
Trong khi đó, cái dư luận trông đợi và cho là mạnh nhất, thì Trump cũng mới chỉ nêu ra để nghiên cứu mà chưa hành động ngay và theo hướng nào. Đó là về kiểm soát các công ty Trung Quốc niêm yết trên các thị trường tài chính Mỹ - mới chỉ ở mức giao nhóm công tác của Tổng thống rà soát tình hình và cũng chỉ nhấn mạnh mục tiêu để các công ty Trung Quốc làm đúng luật, không gian lận (chứ không phải nhằm loại họ khỏi các thị trường chứng khoán Mỹ, điều mà chắc chắn sẽ gây bất lợi và thiệt hại cho cả Mỹ - hiện Trung Quốc, dù đã giảm bớt, nhưng vẫn nắm giữ trên 1.200 tỉ USD). Ngoài ra, Trump cũng không nêu thêm biện pháp gì về công nghệ, dù đây là một thế mạnh của Mỹ.
Thứ tư, riêng câu chuyện về Hồng Kông, việc chấm dứt các quy chế đặc biệt của Mỹ đối với đặc khu này được cho là quyết liệt nhất dịp này, chắc chắn sẽ phương hại đến vị thế đặc biệt của Hồng Kông là trung tâm tài chính, thương mại của thế giới. Nhưng việc này cũng vẫn ẩn chứa nhiều hàm ý, cả về kỹ thuật và chiến lược.
Về kỹ thuật, Trump nêu một loạt các biện pháp như nêu ở trên, nhưng triển khai như thế nào và đến đâu, sẽ còn phụ thuộc vào các tính toán, bước đi sắp tới của Mỹ và thái độ của Trung Quốc.
Về chiến lược, dù muốn dù không, Mỹ và các nước cũng vẫn phải chấp nhận đặc khu này là thuộc Trung Quốc, việc chấm dứt các quan hệ đặc biệt, chỉ càng làm đặc khu này gắn với đại lục.
Không chỉ về kinh tế, người dân nơi đây càng khó liên hệ, giao thương với bên ngoài, mà sẽ có phải theo qui định chung của các nước với Trung Quốc. Không chỉ Mỹ, mà các đồng minh như châu Âu hay Nhật nhìn chung cũng theo hướng này. Ngay cả Anh, cũng chỉ nêu thêm việc người Hồng Kông được hưởng thị thực vào Anh dài hạn hơn, mà không thấy đổi bản chất lãnh thổ này đã về tay Trung Quốc. Hổng Kông, với tư cách đặc khu, có lợi cho cả Trung Quốc, cũng như Mỹ và các nước, về kinh tế, tài chính, thương mại.
Chẳng hạn, đồng tiền Hồng Kông gắn và được tự do chuyển đổi với đồng USD và các ngoại tệ mạnh khác. Hay như về thương mại, thực tế đây là nơi Mỹ xuất siêu (Mỹ xuất qua Hồng Kông trên 30 tỷ USD trong khi nhập chưa đến 5 tỷ USD). Câu chuyện sắp tới ở đây là tính toán của Trung Quốc, lựa chọn giữa sát nhập ngay hay giữ Hồng Kông với qui chế đặc biệt tương đối đến đâu, khi mà các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp.
Cuối cùng, việc Trump nêu sẽ có các biện pháp trừng phạt cần thiết các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan đến các vi phạm tự do dân chủ, cũng còn cho thấy một góc khác của câu chuyện này. Trước hết, Trump không đề cập gì đến các dự luật của Quốc hội Mỹ, về Tân Cương hay Hồng Kông thực tế là để tự mình quyết định các bước đi sau này, không bị ràng buộc bởi Quốc hội. Còn nhớ, từ cuối năm ngoái, khi các cuộc biểu tình rộ lên ở Hồng Kông, Trump cũng đã có các quyết định tương tự nhưng đã không thực hiện trên thực tế. Ngoài ra, bài phát biểu của Trump cũng không đề cập đến Đài Loan, cho thấy hai bên cơ bản giữ quan điểm chung như lâu nay, mặc dù trên thực tế Mỹ vừa qua có một số nước đi mới với lãnh thổ này.
Mỹ - Trung bước sang tình thế "căng thẳng mới"
Dịch Covid, nay lại thêm vấn đề Hồng Kông, cộng với nội bộ phức tạp của cả Mỹ và Trung Quốc, đã đẩy cạnh tranh chiến lược hai nước sang tình thế mới, căng thẳng sẽ càng gia tăng, trong khi lòng tin chiến lược xuống thấp.
Lần này, Trump tổ chức họp báo riêng về Trung Quốc, lại công bố và chuẩn bị trước, là khác biệt và điềm xấu cho quan hệ hai nước. Từ đầu nhiệm kỳ, cao nhất cũng chỉ là Phó Tổng thống Mike Pence có phát biểu chính sách riêng Trung Quốc (tại viện Hudson 2018 và Wilson 2019). Còn Trump thường tách ra chơi đòn "cân não", "có cương có nhu", nhất là trong cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc.
Điều này cho thấy có cả vấn đề đối ngoại với Trung Quốc và vấn đề nội bộ của Trump với nước Mỹ, nhất là trước mùa bầu cử sắp đến. Bằng phát biểu và các biện pháp lần này, Trump phần nào đã trang trải được câu chuyện không thể không làm về Trung Quốc là dịch Covid và Hồng Kông. Nhưng với dư luận Mỹ, bảo như vậy đã đủ hay chưa, thì chắc chắn là: Chưa đủ.
Dù muốn hay không và các bước đi sắp tới thế nào, Tổng thống Trump đã không tạo được đột biến hay cú "sốc" như cách chơi vốn có của mình, nhất là với một vấn đề và một cuộc họp báo riêng về Trung Quốc được dư luận chờ đợi như vừa rồi. Đó đã là điều khác và vì sao thị trường chứng khoán Mỹ, sau bài phát biểu, đã lại tăng ngay trở lại.
Như vậy, đây cũng mới là sự khởi đầu - và còn chưa rõ hướng đi tới - của tình thế mới trong quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã bắt đầu từ những hệ quả của đại dịch Covid.
Mỹ - Trung bước vào một tình thế mới được dự báo là "cương nhiều hơn nhu". Nhưng trong cuộc đấu mới này, có thể thấy sẽ không còn dễ như trước và Tổng thống Trump sẽ phải cẩn trọng hơn, khi mà các biện pháp mạnh hơn, dù là về kinh tế, cũng sẽ không chỉ tổn hại với riêng Trung Quốc, mà còn cả Mỹ.
Trump và nước Mỹ đang đứng trước thách thức mới, trong đó có thách thức về liệu Tổng thống Trump có thể làm như cũ và "cầm trịch" trong cuộc đấu Mỹ - Trung như thời trước đại dịch Covid hay không.
Một tình thế mới đã nảy sinh và một Trung Quốc, qua đại dịch và họp lưỡng hội vừa rồi, dường như đã sẵn sàng cho việc "chuyển trạng thái" và chuẩn bị các phương án mới, bao gồm cả việc Mỹ và phương Tây có thể gia tăng kiềm chế, cô lập Trung Quốc. Bước đi của Trung Quốc với Hồng Kông chỉ là một phần của việc này.
Họp báo của Trump, giữa lời nói cáo buộc và các biện pháp hành động còn là một khoảng cách, chỉ mới là khởi đầu và chắc chắn từ nay đến bầu cử Mỹ, quan hệ hai nước hậu đại dịch sẽ còn diễn biến phức tạp.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt