Ông Lê Hải Trà: “Áp dụng lô 1.000 với cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng sẽ giúp giảm hơn 20% số lệnh trên thị trường”

Minh Anh |

Về lộ trình xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng mới mà FPT đang tiến hành, ông Trà cho biết đang có một kế hoạch khá tham vọng, tạm gọi là kế hoạch 100 ngày sẽ hoàn thành. Trong khoảng 10 ngày nữa sẽ bắt đầu thử nghiệm phiên bản đầu tiên của hệ thống. Tuy nhiên, đây chỉ là phiên bản thử nghiệm nội bộ để đảm bảo tính trôi chảy của hệ thống.

Trong bản tin Tài chính – Kinh doanh (VTV1), ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đã chia sẻ về tình trạng nghẽn lệnh hiện nay tại HoSE và những giải pháp khắc phục.

Theo ông Lê Hải Trà, việc nâng lô cổ phiếu lên 1.000 với các cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng, trong khi các cổ phiếu có thị giá lớn hơn vẫn áp dụng lô 100 sẽ giúp giảm được hơn 20% số lượng lệnh hiện nay. Việc áp dụng nhiều giải pháp một lúc (nâng lô, chuyển giao dịch HNX…) sẽ giúp giảm tải cho hệ thống.

Đối với các doanh nghiệp mới nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE lúc này, ông Trà cho biết HoSE sẽ giải thích cho doanh nghiệp hiểu rằng họ sẽ tạm thời giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) trong lúc chờ khắc phục hệ thống nghẽn lệnh. Hiện Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và 2 Sở giao dịch đã thống nhất cách làm này để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Về lộ trình xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng mới mà FPT đang tiến hành, ông Trà cho biết đang có một kế hoạch khá tham vọng, tạm gọi là kế hoạch 100 ngày sẽ hoàn thành. Trong khoảng 10 ngày nữa sẽ bắt đầu thử nghiệm phiên bản đầu tiên của hệ thống. Tuy nhiên, đây chỉ là phiên bản thử nghiệm nội bộ để đảm bảo tính trôi chảy của hệ thống.

Trước đó, ông Lê Hải Trà cũng chia sẻ về vấn đề dù hiện tượng nghẽn lệnh đang diễn ra nhưng một số nhà đầu tư vẫn có thể vào lệnh. Theo đó, hệ thống giao dịch hiện đang chia đều khoảng 80% số lệnh cho các CTCK, còn lại 20% cho lệnh dự phòng.

Thuật toán cũng định sẵn rằng, khi hệ thống chạy hết 80% dung lượng được phép (chủ yếu lệnh vào từ các công ty chứng khoán trong top 20 thị trường), nó sẽ chuyển sang cho phép nhận tiếp 20% dung lượng dự phòng.

Phần 20% này không tính theo cách phân bổ lệnh với từng công ty, mà công ty nào nhập trước sẽ vào trước. Khi dung lượng lệnh dự phòng dùng hết, hệ thống sẽ dừng nhận lệnh của các chủ thể chạm ngưỡng tối đa.

Tuy nhiên, do thị trường vẫn có nhiều công ty chứng khoán nhỏ, chưa dùng hết dung lượng được cấp, nên hệ thống vẫn nhấp nháy lệnh chạy vào qua các công ty loại này. Ông Trà cũng nhấn mạnh thuật toán đã được định sẵn này không cho phép HoSE thay đổi hay có thể tác động vào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại