Ông Lê Hải Trà: “Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ được bảo vệ tốt hơn”

Minh Anh |

Ông Lê Hải Trà cho biết việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Mới đây, ông Lê Hải Trà, tân Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã trả lời trên Thời báo Tài chính Việt Nam về vấn đề nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE và các giải pháp khắc phục tình trạng này.

Liên quan đến thông tin HoSE đang tham khảo ý kiến về việc nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu trên HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống, ông Trà cho biết, vấn đề nâng lô giao dịch đã được HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HOSE. Các thị trường phát triển hơn chúng ta như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này.

"Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp", ông Trà nói trên TBTCVN.

Cũng theo ông Trà, từ đó sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.

HOSE và cơ quan quản lý cũng đã tính tới việc, nếu áp dụng biện pháp nâng lô giao dịch sẽ cần phải giải quyết vấn đề giao dịch cổ phiếu lô lẻ cho nhà đầu tư.

Hiện tại, hệ thống của HOSE không có bảng giao dịch lô lẻ. Cổ phiếu được CTCK tổ chức mua lại của khách hàng thường theo giá sàn cộng thêm phí. Giao dịch lô lẻ cũng có thể tạo áp lực đối với CTCK khi thị trường trầm lắng, chưa kể thời gian hoàn tất giao dịch kéo dài do phải đảm bảo yếu tố pháp lý, đặc biệt là CTCK nước ngoài.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ, và chúng ta cũng hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay", ông Trà cho biết.

Trước đó, HoSE đã nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu, từ 4/1/2021 giải pháp này cho thấy giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 – 18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000 - 16.000 tỷ đồng.

Dù có thể giúp giảm tải hệ thống nhưng việc nâng lô lên 1.000 cổ phiếu nếu được thực hiện sẽ khiến nhà đầu tư "nhỏ lẻ" khó tham gia đầu tư chứng khoán, nhất là với việc đầu tư vào các cổ phiếu Bluechips với thị giá rất cao.

Lấy ví dụ như để mua cổ phiếu MWG với thị giá khoảng 135.000 đồng/cp, thay vì chỉ cần bỏ ra 13,5 triệu đồng như hiện nay, nhà đầu tư cần tới 135 triệu đồng mới có thể mua cổ phiếu này.

Thậm chí với cổ phiếu RAL với thị giá trên 200.000 đồng, nhà đầu tư cần tới hơn 200 triệu đồng mới có thể mua được. Đây thực sự là bài toán "khó" với không ít nhà đầu tư trên thị trường và làm giảm khả năng tiếp cận đầu tư.

Cách đây ít ngày, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã lấy ý kiến các Công ty chứng khoán (CTCK) thành viên về việc thực hiện chuyển một số mã chứng khoán trên HOSE sang giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HOSE (biên độ, kết cấu phiên, bước giá,…).

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, việc "mượn" hệ thống của HNX được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hệ thống HOSE liên tục tắc nghẽn thời gian gần đây mà vẫn giúp nhiều nhà đầu tư "nhỏ lẻ" có thể tiếp cận thị trường.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, TGĐ Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng trong khi chờ hệ thống KRX vận hành thì việc chuyển một số công ty niêm yết từ HOSE sang giao dịch HNX lúc này là việc làm hợp lý, cần thiết và có thể ít tốn kém nhất trong các phương án có thể triển khai.

Việc này sẽ không chỉ giúp nhanh chóng giảm tải cho hệ thống HoSE mà quan trọng hơn còn là đảm bảo giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam được thông suốt, đáp ứng nhu cầu giao dịch chính đáng của nhà đầu tư, bảo đảm được uy tín của thị trường chứng khoán trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì và củng cố được kênh huy động vốn ngày càng hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại