*Đây là lời kể của ông Lý Hoa (68 tuổi, đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc) trên diễn đàn Toutiao:
Nằm viện nhưng con trai không thăm hỏi
Tôi năm nay 68 tuổi, đã nghỉ hưu nhiều năm. Tôi có khoản lương hưu cố định hàng tháng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để đảm bảo cuộc sống của bản thân. Vợ mất sớm, con trai trở thành “nguồn sống” của tôi từ hồi còn trẻ tới hiện tại.
Gần đến ngưỡng tuổi 70 cũng là lúc bản thân thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe. Tôi thường cảm thấy tay chân đau nhức, thỉnh thoảng lại đau đầu. Một hôm, tôi đột ngột ngã bệnh trong lúc đang ở nhà 1 mình, hàng xóm là người phát hiện ra và đưa tôi đi cấp cứu. Sau khi nhập viện được 2 ngày, tôi quyết định gọi cho con trai để cùng lo liệu. Con trai tôi - Tiểu Cương hiện là quản lý ở 1 công ty tư nhân, vì vậy công việc của con khá bận rộn. Thế nhưng tôi không nghĩ rằng khi nghe tin tôi ốm và phải nhập viện, con vẫn không thể sắp xếp thời gian về thăm.
Dù con trai báo bận không thể về ngay được nhưng tôi vẫn chờ đợi con từng ngày. Mỗi ngày, trong bệnh viện chỉ có Tiểu Minh - cháu trai tới thăm và thường mua cơm, cháo phục vụ tôi từng bữa. Tiểu Minh là con của anh trai tôi, sống cùng làng với tôi. Vì vậy, từ nhỏ tới lớn, Tiểu Minh rất thân thiết với cha con tôi, thường xuyên tới hỏi han, chăm sóc khi cần giúp đỡ.
Chờ con trai 1 tuần vẫn chẳng thấy, tôi không khỏi buồn rầu và thất vọng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn làm 1 phép thử để hiểu được tấm lòng của con trai. Tôi gọi lại cho con trai và nói rằng Tiểu Minh đang cần tiền để khởi nghiệp, muốn hỏi vay 60.000 NDT (200 triệu đồng) và tôi định sẽ cho vay.
Nghe xong, con trai tôi giãy nảy: “Tại sao bố lại muốn cho Tiểu Minh vay khoản tiền lớn đến vậy. Con nghĩ bố nên cân nhắc lại và con sẽ về với bố để giải quyết chuyện này”. Nghe lời con trai nói, nỗi buồn của tôi càng dâng lên. Khi nhắc tới chuyện tiền bạc, con trai còn dành nhiều sự quan tâm hơn là nhắc đến sức khỏe của tôi.
3 tiếng sau, Tiểu Cương có mặt tại bệnh viện nơi tôi điều trị. Tuy nhiên, Tiểu Cương trở về không phải để chăm sóc hay thăm hỏi tôi mà chỉ quan tâm tới số tiền tôi định cho Tiểu Minh vay. Tôi không nói gì với con về chuyện mình thử lòng nhưng có vẻ Tiểu Cương cũng đoán được điều đó.
Quyết định đưa tiền tiết kiệm cho cháu trai
Sau nửa tháng nằm viện, tôi trở về nhà và vẫn được cháu trai chăm sóc. Từ ngày tôi ốm bệnh, không phải con trai mà Tiểu Minh là người chăm sóc tôi từng li từng tí. Bản thân đau ốm không làm được gì nhưng Tiểu Minh lúc nào cũng động viên tôi chú ý ăn uống, nghỉ ngơi để mau khỏe lại. Về tới nhà, cháu trai vẫn là người lo chuyện cơm nước cho tôi, dù chẳng được lợi gì cho bản thân.
Tôi thực sự cảm động trước tình cảm mà cháu trai dành cho mình. Đó là điều mà ngay cả con trai tôi cũng không làm được. Bởi vậy, tôi quyết định gọi Tiểu Minh tới, đưa cho cháu khoản tiền 30.000 NDT (100 triệu đồng) mà mình dành dụm được. Ban đầu, Tiểu Minh nhất quyết không nhận số tiền này. Tôi phải nói khéo: “Đây không chỉ là lời cảm ơn của chú mà còn là lời gửi gắm chân thành tới cháu. Chú hy vọng rằng sau này nếu như chú bệnh tật ốm đau, cháu vẫn không màng lợi ích để thăm hỏi chú như lần này”. Nghe xong lời nói chân thành của tôi, Tiểu Minh đành nhận khoản tiền tôi gửi.
Trong cuộc sống, nhiều người sẽ vì tiền bạc mà làm chi phối tình cảm. Thế nhưng sau tất cả, chỉ có tình cảm chân thành của người với người mới có thể tồn tại mãi mãi. Và những người cho đi yêu thương luôn nhận được những món quà vô giá.