Cụ ông cô độc vừa qua đời, có người đến xin thừa kế
Cụ ông Cao Pháp Toàn (Giang Tô, Trung Quốc) sống 1 mình nhiều năm, làm những công việc bán thời gian để nuôi sống bản thân. Ông Cao không giỏi ăn nói, chưa ai từng thấy người thân của ông. Ủy ban khu phố biết hoàn cảnh nên sắp xếp cho ông Cao vị trí nhân viên vệ sinh để có nguồn thu nhập ổn định hơn. Năm 2003, nhà của Cao Pháp Toàn thuộc diện được đền bù nên ông chuyển đến một ngôi nhà lớn 120m2.
Ủy ban khu phố còn thường xuyên cắt cử người đến thăm cụ ông 78 tuổi, trợ cấp chi phí sinh hoạt cũng như đưa ông Cao đi khám chữa bệnh. Cao Pháp Toàn được bao bọc và hỗ trợ bởi những người tốt bụng xung quanh suốt 16 năm.
Ảnh minh hoạ
Đến năm 2019, khi ông Cao 94 tuổi, người ở trong khu phố quyết định đưa ông Cao vào viện dưỡng lão để ông luôn có người quan tâm 24/24. Thế nhưng chỉ sau 1 tuần vào viện dưỡng lão, cụ ông qua đời vì tuổi già sức yếu. Tang lễ cũng được Ủy ban dân cư lo chu toàn.
Điều bất ngờ là sau khi ông Cao qua đời, nhân viên của Ủy ban khu phố tìm thấy 110.000 NDT tiền mặt và 180.000 NDT trong sổ tiết kiệm ngân hàng khi phân loại đồ đạc tại nhà ông lão. Căn nhà 120m2 ông Cao sinh sống giờ đã có giá 2 triệu NDT, tổng cộng tài sản của cụ ông cô độc này lên tới gần 2,3 triệu NDT (hơn 7,8 tỷ đồng). Theo di chúc của Cao Pháp Toàn, toàn bộ tài sản sẽ được trao lại cho Ủy ban khu phố để phục vụ mục đích cộng đồng.
Đại diện Uỷ ban khu phố chia sẻ câu chuyện ông Cao
Thế nhưng không lâu sau, một người đàn ông tự xưng là con trai Cao Pháp Toàn đến để đòi thừa kế tài sản của ông Cao khiến người của Ủy ban dân cư bối rối. Thậm chí người này còn đòi xét nghiệm ADN để chứng minh thân phận, kết quả cho thấy đúng là con ruột ông Cao. Thế nhưng vì sao hơn một nửa đời người ông Cao ở khu phố này, chưa ai từng nhìn thấy gia đình ông?
Toà án đưa ra phán quyết chia tài sản
Người đàn ông này tên Ngô Hải Bình, là con của ông Cao với người vợ đã ly dị nhiều năm về trước. Thời điểm ông ly dị, 4 người con đều sống với mẹ, hoàn toàn không có nhiều ký ức về cha mình, đến khi trưởng thành mới biết cha đang sống ở đâu.
Ngô Hải Bình, con ruột ông Cao
Vậy nên Ngô Hải Bình cho rằng việc con trai ruột thừa kế tài sản của cha là hợp pháp. Sau đó cả 3 anh chị em còn lại của Ngô Hải Bình cũng xuất hiện đề nghị kế thừa tài sản. Thậm chí có vài người tự xưng là cháu trai và cháu gái của Cao Pháp Toàn cũng xuất hiện, gây khó dễ tại Uỷ ban khu phố, doạ kiện để lấy lại tài sản.
Không thể ngăn gia đình họ Ngô đến Uỷ ban làm loạn nên người của Uỷ ban đâm đơn kiện một số người ra tòa, yêu cầu xét xử công bằng. Ngô Hải Bình cho rằng hàng xóm cũng như Uỷ ban dân cư lắp đặt camera xâm phạm quyền riêng tư của cụ ông, đồng thời ép buộc cha anh vào viện dưỡng lão khiến ông Cao qua đời chỉ sau 1 tuần nên phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên Uỷ ban khu phố cho rằng việc lắp đặt thiết bị giám sát để quan sát và chăm sóc ông Cao kịp thời. Người đồng nghiệp cũ của ông Cao, Giang Thế Minh cho biết từ khi sức khoẻ yếu, Cao Pháp Toàn đều nhờ cậy đến sự chăm sóc của nhân viên Uỷ ban khu phố. Camera trong nhà cũng là do ông Giang yêu cầu Uỷ ban lắp đặt để đảm bảo an toàn cho người bạn già.
Ảnh minh hoạ
Ủy ban khu phố cũng lấy ra các khoản thu chi cho chi phí sinh hoạt và chi phí y tế khác nhau hỗ trợ cho ông Cao trong nhiều năm. Bằng chứng này đủ để chứng minh rằng trong thời gian qua, Cao Pháp Toàn không nhận bất kỳ sự quan tâm nào từ con cái. Ông Cao không nuôi dạy và cũng không đòi các con chăm sóc, họ chỉ có huyết thống nhưng còn xa cách hơn người lạ.
Vậy nên tâm nguyện hiến tặng toàn bộ tài sản mà không để lại cho các con thừa kế của ông Cao được Tòa án Trung Quốc chấp thuận. 4 người con của ông Cao không có quyền thừa kế bất kỳ tài sản thừa kế nào của cha vì không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nên họ trắng tay rời tòa.
Vụ kiện này gây xôn xao dư luận Trung Quốc thời gian gần đây, cư dân mạng đều đồng tình với quyết định của Toà án, nhận định ông Cao sống nhiều năm dựa vào lòng tốt của cộng đồng nên khối tài sản ông để lại có thể giúp đỡ nhiều hơn các hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa như ông. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng những người con ruột nếu không thể chăm sóc cha một ngày thì tốt nhất không nên nghĩ tới tài sản thừa kế.