Ông Kim Jong-un lái xe Lexus, vậy người dân Triều Tiên chuộng hàng nhập khẩu hay nội địa?

An An |

Triều Tiên vẫn có hàng nhập khẩu, hay chỉ có cán bộ lãnh đạo mới mua được hàng nhập khẩu vẫn luôn là chủ đề được dư luận quan tâm.

Mới đây, hình ảnh do Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên đăng tải - nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân lái chiếc SUV màu đen đi thị sát tuyến đầu phòng chống lũ lụt ở tỉnh Hwanghae Bắc - đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, chiếc xe của ông Kim được cho giống với mẫu Lexus LX570, từng xuất hiện trong hội nghị liên Triều tại Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018 và lễ hoàn thành khu nghỉ dưỡng văn hóa suối nước nóng Yangdeok vào tháng 12 năm ngoái.

Theo tờ Sina (Trung Quốc), người dân Triều Tiên có thể mua được hàng nhập khẩu, hay chỉ có cán bộ lãnh đạo mới mua được hàng nhập khẩu vẫn luôn là chủ đề được dư luận quan tâm.

Trên thực tế, nhiều mẫu xe phổ biến như Volvo và Mercedes đã xuất hiện trên đường phố Bình Nhưỡng từ vài thập kỷ trước. Với việc đời sống người dân Triều Tiên ngày càng cải thiện, một số lượng lớn hàng hóa nước ngoài, bao gồm cả ô tô nhập khẩu, liên tục được đưa vào và dần dần hiện diện trong nhà của nhiều người Triều Tiên.

Đồng thời, Triều Tiên cũng tiếp thu mạnh mẽ tinh hoa của các sản phẩm nước ngoài và không ngừng nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Ngoài một số sản phẩm công nghệ cao, sức cạnh tranh của hàng hóa "Made in North Korea" không hề thua kém các sản phẩm ngoại nhập.

Thăng trầm công nghệ chế tạo ô tô

Triều Tiên cùng với Nhật Bản từng được mệnh danh là "bộ đôi công nghiệp Đông Bắc Á", bắt đầu từ những năm 1950 thế kỷ 20, nước này đã đề ra chính sách phát triển độc lập về chế tạo ô tô nội địa.

Vào tháng 10/1950, Xí nghiệp liên hợp ô tô Sungri - một trong những doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn của Triều Tiên được thành lập. Năm 1958, doanh nghiệp này lắp ráp chiếc xe tải 2,5 tấn đầu tiên Sungri -58, và kể từ đó nó đã trở thành nhà máy sản xuất xe lớn nhất cả nước, chuyên sản xuất xe tải lớn 40 tấn. Các cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung và Kim Jong-il đã đến đây thị sát lần lượt 19 lần và 9 lần lúc còn sinh thời.

Kể từ những năm 1960, ngoài GAZ, Volga và Lada của Liên Xô, Triều Tiên còn nhập khẩu nhiều thương hiệu ô tô khác nhau từ Thụy Điển, Đức, Nhật Bản v.v... như Volvo và Mercedes-Benz dòng cũ. Cho đến nay, đi trên đường phố Bình Nhưỡng, người ta vẫn có thể bắt gặp những chiếc "xe cổ" của các thời kỳ khác nhau. Một số người đam mê ô tô từng đến Triều Tiên đã phải thốt lên rằng, nước này là một "bảo tàng ô tô" di động.

Điều đáng chú ý là, phần lớn các cơ sở và nhà máy công nghiệp sản xuất ô tô của Triều Tiên được xây dựng với sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Vào cuối những năm 1970, một số bất cập dưới sự chi phối của nền kinh tế kế hoạch dần xuất hiện. Do những vấn đề kinh tế riêng, thiết bị sản xuất ô tô của Triều Tiên không thể thay thế và tân trang kịp thời nên dẫn đến tình trạng lão hóa ngày càng nghiêm trọng.

Sina cho biết, với những thay đổi mạnh mẽ ở Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô, sự trợ giúp từ bên ngoài bị cắt đứt nên hệ thống công nghiệp sản xuất ô tô Triều Tiên dần dần suy yếu.

Ông Kim Jong-un lái xe Lexus, vậy người dân Triều Tiên chuộng hàng nhập khẩu hay nội địa? - Ảnh 1.

Ông Kim Jong-un thị sát nhà máy sản xuất xe tải Sungri. Ảnh: KCNA

Một báo cáo về Các ngành công nghiệp của Triều Tiên do Ngân hàng Công nghiệp KDB (Hàn Quốc) công bố năm 2015 chỉ ra, sau những năm 1990, do tình trạng thiếu điện và không đủ nguyên liệu thô như cao su nên tỷ lệ hoạt động của các nhà máy ở Triều Tiên tiếp tục giảm, gây khó khăn cho việc sản xuất phụ tùng ô tô như lốp xe. Bên cạnh đó, chính sách công nghiệp hóa mà Triều Tiên theo đuổi tương đối khép kín và mang tính hướng nội rõ rệt, động lực phát triển trong lĩnh vực gia công tinh vi, chế tạo động cơ và linh kiện khác cũng thiếu trầm trọng, công nghệ rất khó phát triển hơn nữa.

Sự thiếu hụt kép về tuổi tác thiết bị, năng suất và năng lực kỹ thuật đã tạo thành một vòng khép kín luẩn quẩn. Năm 1993, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết trừng phạt đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, Triều Tiên đã sớm tìm ra hướng đi mới.

Ngày 15/4/1998, Tổng công ty ô tô Pyonghwa - doanh nghiệp sản xuất ô tô do chính ông Kim Jong-il đặt tên được thành lập. Doanh nghiệp ban đầu là một liên doanh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm đó. Năm 2012, Hàn Quốc mới chuyển nhượng cổ phần.

Ngày 6/4/2002, công trình nhà máy ô tô Pyonghwa hoàn thiện thi công ở Nampo, gần Bình Nhưỡng, có diện tích 990.000 m2. Hơn 400 công nhân sản xuất 11 loại xe, bao gồm dòng Sedan, SUV và Minibus.

Thông qua hợp tác với nước ngoài, hệ sinh thái sản xuất nội địa của Triều Tiên, chủ yếu sản xuất xe quân sự và xe tải, đã dần trở nên đa dạng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng do chi phí cao và tốn nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và phát triển ô tô, Triều Tiên vẫn chưa có thể sản xuất độc lập hoàn toàn. Trong hầu hết các trường hợp, đều là thông qua hợp tác, nhập khẩu phụ tùng ô tô, bán thành phẩm hoặc các sản phẩm đã hoàn thiện hoàn toàn, sau đó lắp ráp lại, tân trang và dán nhãn. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều du khách nhìn thấy những chiếc xe quen thuộc trên đường phố Triều Tiên với những ký hiệu phía trước và phía sau khác nhau.

Đồng thời, những chiếc xe cũ giá rẻ của nước ngoài cũng dần trở nên phổ biến ở thị trường ngầm của Triều Tiên.

Kể từ năm 2006, Triều Tiên đã lần lượt tiến hành các vụ thử hạt nhân bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên tiếp tục được tăng cường, và những tác động tiêu cực một lần nữa lại giáng xuống ngành công nghiệp ô tô. Theo Hiện trạng ngành công nghiệp ô tô Triều Tiên do Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) công bố, kể từ năm 2012, chi phí nghiên cứu và phát triển của hai nhà máy sản xuất ô tô Pyonghwa và Sungri đã có xu hướng bằng không, cũng không có thêm các nguồn đầu tư khác.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim Jong-un đã nhiều lần kiểm tra các cơ sở sản xuất ô tô, đi sâu vào các xưởng sản xuất và liên tục yêu cầu hiện đại hóa ngành công nghiệp, thúc đẩy trẻ hóa ngành công nghiệp ô tô. Theo số liệu công khai từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, Triều Tiên đã sản xuất 4.000 chiếc trong năm 2013. Kể từ đó, con số này không ngừng tăng lên.

"Bắt đầu từ năm 2014, sức sống trên đường phố Bình Nhưỡng trở nên mạnh mẽ do sự gia tăng của các phương tiện công cộng như taxi, hệ thống đèn tín hiệu và đường phố liên tục được tu sửa, thậm chí hiện tượng tắc đường đã bắt đầu xuất hiện", hãng tin AP đưa tin tại Bình Nhưỡng vào tháng 12/2015.

Tờ Kinh tế Hàn Quốc dẫn lời đại diện Bộ Thống nhất nước này nói rằng, cùng với sự sôi động của thị trường nội địa Triều Tiên, thị trường xe thương mại cần thiết để lưu thông cũng sẽ phát triển và "Triều Tiên cũng sẽ trải qua sự phát triển của thị trường xe ô tô".

Theo truyền thông Hàn Quốc, bắt đầu từ năm 2017, ngoài việc phân phối ô tô cho các cơ quan chính phủ, giới chức Triều Tiên cũng bắt đầu cho phép người dân địa phương được tự đứng tên khi mua ô tô. Trong những năm gần đây, khi mức sống của người dân được cải thiện, nhu cầu về ô tô nhập khẩu của tầng lớp nhà giàu mới nổi cũng tăng lên.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (C4ADS), một tổ chức tư vấn an ninh của Mỹ, chỉ ra trong một báo cáo rằng, từ năm 2015 đến 2017, có tổng cộng 803 ô tô nhập khẩu được vận chuyển vào Triều Tiên và gần 1/3 (256) là ô tô Nhật Bản. Hầu hết là thương hiệu hạng sang Lexus của Toyota, bao gồm mẫu xe Lexus LX570 - được cho là ông Kim Jong-un đã sử dụng.

Điều đáng nói là trong những năm gần đây, ngày càng nhiều ô tô do Trung Quốc sản xuất xuất hiện trên đường phố Triều Tiên. Tờ MKpremium News (Hàn Quốc) chỉ ra trong một báo cáo rằng, xe ô tô hoặc xe tải nhỏ của SAIC Volkswagen đã trở thành một trong những lựa chọn đầu tiên của giới yêu xe Triều Tiên do tính năng hiện đại và giá cả đắt đỏ.

Thúc đẩy hàng hóa Made in North Korea

Sự trỗi dậy và suy yếu của ngành công nghiệp ô tô của Triều Tiên không chỉ phản ánh bối cảnh và đặc điểm của sự phát triển công nghiệp nội địa nói chung, mà còn cho thấy thực tế là rất khó để phá vỡ sự cô lập của Triều Tiên do các lệnh trừng phạt, nhưng cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương hiện đang ngày càng trở nên tích hợp, đồng bộ với thế giới. Chosun Shinbo, tờ báo chính thức của hội người Triều Tiên tại Nhật Bản, từng chỉ ra rằng bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế, chính quyền Triều Tiên vẫn đang nỗ lực để cung cấp cho người dân một cuộc sống vật chất và văn hóa chất lượng hơn.

Ông Kim Jong-un lái xe Lexus, vậy người dân Triều Tiên chuộng hàng nhập khẩu hay nội địa? - Ảnh 2.

Ông Kim Jong Un thị sát nhà máy sản xuất mỹ phẩm Sinuiju. Ảnh: KCNA

Hàng hóa nhập khẩu nội địa của Triều Tiên ngày càng trở nên đa dạng, bao gồm hầu hết các khía cạnh của nhu cầu hàng ngày, điều này làm hài lòng tầng lớp giàu có địa phương hoặc người nước ngoài có sức mua ở Triều Tiên.

Ngày 15/4/2019, trung tâm mua sắm đẳng cấp thế giới Daesong của Triều Tiên đã mở cửa chào đón khách hàng. Cùng ngày, do lượng người đổ về quá đông nên trung tâm này đã phải thực hiện các biện pháp "hạn chế dòng chảy".

Theo China Newsweek (Trung Quốc), trong siêu thị ở tầng 1 có rất nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ, như cà phê hạt, xà phòng từ Trung Quốc, sữa tắm từ Nhật Bản, giá cả cao hơn nhiều so với các thương hiệu trong nước. Khu vực giày dép, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm và sản phẩm điện tử trên tầng 3 trưng bày các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới như Rolex và Omega SA, cũng như các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Chanel, Lancome và SK-II.

Một thương nhân giấu tên nói với Oriental Daily (Malaysia) rằng ngoài các loại thực phẩm nhập khẩu thông thường, các sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cũng được bày bán rất nhiều tại đây. Ngoài ra, các nhà thuốc cũng bán nhiều loại thuốc nhập khẩu của Nhật với rất nhiều chủng loại.

Một báo cáo do Quốc hội Hàn Quốc thu thập năm 2013 cho thấy, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, chi tiêu của Triều Tiên cho hàng xa xỉ đã tăng gấp đôi so với năm 2011. Năm 2012, tổng giá trị hàng hóa xa xỉ nhập khẩu đạt gần 650 triệu USD, trong khi con số bình quân hàng năm dưới thời ông Kim Jong-il chỉ khoảng 300 triệu USD. Mức tăng này chủ yếu tập trung ở nhóm mặt hàng mỹ phẩm, túi xách, đồ da, đồng hồ và ô tô.

Năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên đạt 3,9%, cao nhất kể từ năm 1999. Trong nửa đầu năm 2017, đà tăng trưởng không hề suy giảm, Triều Tiên đã mở rộng đáng kể việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu như socola và bia. Báo cáo của C4ADS công bố năm 2019 cho biết, trong 10 năm qua, mặt hàng mỹ phẩm cao cấp, quần áo, túi xách và các sản phẩm điện tử như điện thoại di động Apple và Samsung đã liên tục chảy vào Triều Tiên qua các kênh khác nhau.

Mặt khác, khi phong trào "tự lực cánh sinh" được thực thi từ tầng lớp cấp cao xuống tầng lớp bình dân ngày càng mở rộng, thì Triều Tiên đã làm phong phú thêm cuộc sống hàng ngày của những người dân bình thường có sức mua tương đối yếu thông qua việc nội địa hóa hàng hóa nước ngoài và nội địa hóa công nghệ nước ngoài. Ông Kim Jong-un đã nhiều lần nhấn mạnh tại địa điểm thị sát rằng cần phải "tiếp tục hướng tới mục tiêu cao hơn" trên cơ sở các kết quả hiện có.

Ví dụ, Triều Tiên trước đây đã tung ra một phiên bản "mì gà cay" nội địa. Bao bì bên ngoài tương tự như phiên bản gốc của Hàn Quốc, nhưng độ dày của sợi mì và cách nấu khác nhau, và giá thành rẻ hơn. Một phóng viên Hàn Quốc cho biết sau khi nếm thử, món "mì gà cay" của Triều Tiên cho cảm giác giống mì xào hơn. So với phiên bản gốc, cảm giác cay nồng hơn. "Cắn một miếng là nổi da gà", anh này nói.

Người dân Triều Tiên cũng cần "kết nối mạng" thông qua mạng LAN nội bộ, nhưng điều này không ảnh hưởng đến việc họ hưởng thụ cuộc sống. Ví dụ: họ có thể sử dụng máy tính bảng và điện thoại di động sản xuất trong nước để chơi game và đọc tiểu thuyết điện tử; mua sắm, thậm chí gọi đồ ăn ngoài thông qua trang mua sắm trực tuyến như Okryu.

Năm 2016, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên có thể đã tung ra thị trường mạng xã hội Starcon có giao diện và chức năng tương tự Facebook.

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm nay, các trường đại học Triều Tiên đã cung cấp các khóa học trực tuyến cho sinh viên. Tờ Rodong Sinmun cho hay, Đại học Kim Il-sung đã tiến hành kiểm tra sinh viên thông qua một hệ thống mạng được thiết lập trong ký túc xá. Trường học cũng cung cấp các khóa học ngoại ngữ ở nhà cho sinh viên.

Vào năm 2014, Triều Tiên đã thực hiện hệ thống quản lý trách nhiệm doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa, chất lượng của các sản phẩm công nghiệp nhẹ đã được cải thiện đáng kể và hàng hóa "Made in North Korea" ngày càng được tin dùng.

Truyền thông Hàn Quốc tiết lộ, nhiều nhà máy thực phẩm tung ra sản phẩm mới vài tháng một lần. Chỉ riêng kẹo cao su cũng đã có hơn chục loại. Chất lượng bánh quy, kẹo cũng ngày càng được cải thiện, hương vị rất ngon và có thể lấy lòng khách hàng ngay lập tức, "hoàn toàn có thể so sánh với hàng nhập khẩu. Ngày càng có nhiều người bắt đầu chuộng hàng nội địa".

Phóng viên Hàn Quốc sau khi nếm thử món mỳ gà cay có vị tiêu đen do Triều Tiên sản xuất, đã thở dài rằng ở Hàn Quốc không có hương vị nào độc đáo và gây nghiện đến vậy. Anh tin rằng "nếu được bày bán ở thị trường Hàn Quốc, nó chắc chắn sẽ bán rất chạy".

"Đừng hài lòng với kết quả ngày hôm nay mà hãy chiến đấu mạnh mẽ để phát triển và sản xuất các loại thực phẩm phù hợp với thể chất của chúng ta", ông Kim Jong-un nói khi thị sát Nhà máy thực phẩm địa phương hồi tháng 1/2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại