Ông Hun Sen lên tiếng về khả năng kênh Phù Nam Techo tiếp nhận tàu chiến Trung Quốc, hối thúc động thổ

Duy Anh |

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Hun Sen hôm 16/5 có phát biểu đặc biệt về kênh Phù Nam Techo.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Hun Sen

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Hun Sen

Ông Hun Sen hối thúc động thổ kênh Phù Nam Techo

Khmer Times dẫn phát biểu đặc biệt của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Hun Sen hôm 16/5 về kênh đào Phù Nam Techo cho biết, Campuchia duy trì quan hệ bền chặt với Việt Nam, trong khi đó Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nên không có cơ sở để kênh đào này gây ra bất đồng giữa các nước.

Trước những ý kiến cho rằng kênh Phù Nam Techo được Campuchia dùng để di chuyển các tàu chiến Trung Quốc, ông Hun Sen khẳng định con kênh nhỏ này không thể tiếp nhận những tàu như vậy.

Đồng thời, ông cũng hối thúc việc xây dựng kênh đào: "Tôi đề nghị tân Thủ tướng [Hun Manet] và chính phủ Campuchia không nên chờ đợi quá lâu. Nếu có thể động thổ sớm, hãy làm như vậy. Chúng ta cần phải suy nghĩ về nền kinh tế của mình."

Ông Hun Sen phủ nhận dự án kênh đào Phù Nam Techo là một phần trong Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng. 

"Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đài, Con đường của Trung Quốc. Kênh này được khởi xướng 100% bởi Campuchia," ông nói.

hun-sen-1715871575-7768-1715871708.jpg

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Hun Sen

Triển vọng của kênh đào đối với Campuchia

Chủ tịch Thượng viện Campuchia nói kênh đào sẽ cho phép các tàu chở 3.000 tấn hàng hóa trong mùa khô và 5.000 tấn hàng hóa trong mùa mưa, tạo điều kiện cho việc vận chuyển container và giảm thời gian đi lại cũng như chi phí vận tải.

Ông Hun Sen tự tin vào triển vọng kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của Campuchia, thu hút các ngành công nghiệp và cơ sở vật chất khác đến khu vực, tạo ra nhiều cơ hội cho người dân địa phương sau khi hoàn thành.

Ông Hun Sen làm rõ rằng, kênh đào sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng theo phương thức dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), phối hợp với chính phủ Campuchia.

Kênh Phù Nam Techo dự kiến dài 180km chạy từ sông Mekong và đổ ra vịnh Thái Lan. Dự án này đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Kênh đào rộng 100m ở thượng nguồn và 80m ở hạ nguồn, có độ sâu 5,4m. Kênh có hai làn để tàu thuyền tránh nhau an toàn.

Dự án dự kiến sẽ được xây dựng trong 4 năm và đi vào hoạt động từ năm 2028, với chi phí khoảng 1,7 tỉ USD.

Bên cạnh những lợi ích về giao thông và hậu cần mà kênh Phù Nam Techo sẽ mang lại cho Campuchia, một số chuyên gia khu vực và quốc tế bày tỏ băn khoăn về những tác động của dự án này đối với dòng chảy sông Mekong xuống hạ nguồn, nơi Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt các thách thức về môi trường.

Việt Nam mong Campuchia phối hợp chặt chẽ để chia sẻ thông tin về kênh Phù Nam Techo

Phát biểu hôm 5/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình, mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước.

“Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua”, bà Phạm Thu Hằng nói.

Đối với dự án kênh đào Phù Nam Techo , Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại