Ông Hun Sen gửi tín hiệu về kênh đào Funan sau cuộc gặp ông Tập, thái độ của Trung Quốc thế nào?

Hữu Hiển |

Theo SCMP, sau khi được khởi công một cách long trọng hồi tháng 8 đúng dịp sinh nhật lần thứ 72 của ông Hun Sen, tiến độ thi công của kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD đã bị đặt dấu hỏi.

Tờ South China Morning Pos (SCMP) đưa tin, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Sen kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày hồi tuần trước, hé lộ những tín hiệu mới về dự án hạ tầng then chốt kênh đào Funan Techo.

 - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen (trái) tại Bắc Kinh vào ngày 3/12/2024. Ảnh: SHS

Thông cáo của Trung Quốc không nhắc tới kênh đào Funan

Trong tuyên bố được đăng trên Facebook vào ngày 4/12, Chính phủ Campuchia cho biết ông Hun Sen "bày tỏ lòng biết ơn" đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì đã "ủng hộ dự án Kênh đào Funan Techo" khi họ gặp nhau hôm 3/12.

"Dự án này cho phép Campuchia độc lập trong lĩnh vực vận tải đường thủy và mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể", tuyên bố cho biết, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Theo SCMP, sau khi được khởi công một cách long trọng hồi tháng 8 đúng dịp sinh nhật lần thứ 72 của ông Hun Sen, tiến độ thi công của dự án đường thủy trị giá 1,7 tỷ USD này đã bị đặt dấu hỏi.

Vào tháng 11, hãng tin Reuters (Anh) đưa tin rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đã bày tỏ sự nghi ngờ về dự án và chưa đưa ra cam kết chắc chắn về việc cấp vốn.

Đến ngày 23/11, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã bác bỏ các thông tin trên truyền thông quốc tế rằng không có nguồn vốn cho việc xây dựng kênh đào Funan Techo.

Ông Hun Manet khẳng định không có bất kỳ trở ngại nào cản trở việc thực hiện dự án, và nói rõ rằng nhóm công tác đang triển khai dự án một cách cẩn trọng, tuân theo các hướng dẫn rõ ràng để giảm thiểu tác động đến người dân địa phương.

Dù vậy, theo SCMP, trong thông cáo của Bắc Kinh sau cuộc gặp giữa hai ông Tập Cận Bình và Hun Sen, nội dung về kênh đào Funan Techo không được đề cập.

Tuyên bố của Trung Quốc cho biết "hai bên phải kiên quyết ủng hộ lẫn nhau và củng cố tình hữu nghị sắt đá".

Brian Eyler - giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington – nhận định, tính khả thi về kinh tế của dự án Funan có thể giải thích cho sự do dự của Bắc Kinh.

"Cho đến nay, chưa có khoản tiền đáng kể nào từ một tổ chức Trung Quốc hoặc bất kỳ bên cho vay nào khác được cấp để xây dựng kênh đào", ông cho biết.

"Các nhà đầu tư không đăng ký tài trợ cho kênh đào do tính khả thi về kinh tế thấp và danh sách dài các chi phí chưa biết có liên quan đến việc bảo trì [dự án] trong thời gian dài và những tác động đến môi trường", Eyler nói thêm.

 - Ảnh 2.

Toàn cảnh lễ khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo tại tỉnh Kandal (Campuchia) vào ngày 5/8/2024. Ảnh: AFP

Tỷ lệ sở hữu dự án của doanh nghiệp Trung Quốc thay đổi

Theo SCMP, ban đầu, dự án được cho là được xây dựng theo mô hình hợp tác xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Vào tháng 10/2023, Campuchia đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) để lựa chọn đơn vị này làm chủ thầu xây dựng kênh đào Funan Techo. Sau khi thỏa thuận được thông qua, các nhận định ban đầu được đưa ra là CRBC sẽ tài trợ toàn bộ việc xây dựng (tức nắm 100% cổ phần) và đổi lại được quyền sử dụng, khai thác kênh đào trong khoảng 50 năm.

Tuy nhiên, đến tháng 6 năm nay, Chính phủ Campuchia cho biết kênh đào Funan Techo không còn là dự án hoàn toàn do nước ngoài sở hữu nữa, vì các doanh nghiệp Campuchia hiện nắm giữ 51% cổ phần, và tiền đầu tư cho dự án này đến từ các doanh nghiệp nhà nước Campuchia, các doanh nghiệp tư nhân địa phương và CRBC.

Theo chuyên gia Eyler đến từ Trung tâm Stimson, CRBC hiện đang sở hữu và vận hành một tuyến đường cao tốc chạy song song với kênh đào, và tuyến đường cao tốc đó chưa tạo ra mức doanh thu như mong đợi.

"Tại sao CRBC lại xây dựng một dự án kém hiệu quả khác để cạnh tranh với dự án kém hiệu quả hiện tại của mình?", Eyler đặt câu hỏi.

"Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng khi đầu tư vào các dự án ít khả thi về kinh tế, do tình hình kinh tế vĩ mô" của Trung Quốc, ông nói thêm.

"Tôi nghĩ rằng khó có khả năng một nhà đầu tư lớn khác sẽ tham gia và cứu kênh đào Funan Techo, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn sẽ phải tiếp tục theo dõi", Eyler nhận định.

Nhà nghiên cứu Sokvy Rim tại Trung tâm Nghiên cứu Khu vực Campuchia có trụ sở tại Phnom Penh cho biết Chính phủ Campuchia vẫn có đủ tiền để tiếp tục dự án, ngay cả khi không có tiền của Trung Quốc.

“Do tầm quan trọng về mặt chính trị của kênh đào, Chính phủ Campuchia sẽ sử dụng mọi thứ có thể để dự án tiến triển”, Rim nói.

Trong khi đó, Chính phủ Campuchia vẫn chưa cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án kênh đào Funan Techo cho Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) - tổ chức liên chính phủ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 4 thành viên Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong việc sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững trên lưu vực sông Mekong.

“Ban thư ký MRC đã nhận được thông báo, thông tin cơ bản và các tính năng của dự án”, MRC trao đổi với SMCP qua email. “Chúng tôi hy vọng rằng các thông tin chi tiết hơn, bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo có liên quan khác, sẽ được cung cấp như một phần của quan hệ hợp tác đang diễn ra, và phù hợp với các quy định của chúng tôi.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại