Sáng ngày 8/12, Tổng thống Bashar al-Assad đã rời khỏi đất nước từ thủ đô Damascus, báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ trong cuộc nội chiến Syria sau một loạt các sự kiện bất ngờ trong những tuần gần đây.
Các chiến binh thánh chiến Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) cùng với các lực lượng chống chính phủ khác đã giành quyền kiểm soát Damascus vào ngày 7/12 sau cuộc tiến công nhanh chóng ở một số khu vực của Syria.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/12 thông báo Tổng thống Assad đã đồng ý từ chức sau các cuộc đàm phán với các nhóm vũ trang đối lập Syria và chỉ thị cho các quan chức đảm bảo "chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".
Đài RT (Nga) ngày 9/12 đưa tin, Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân chấp thuận cho ông Assad tị nạn tại Moscow.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu trong cuộc họp báo ngày mùng 9 rằng không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa Tổng thống Putin và ông Assad. "Không có gì để nói về nơi ở của ông Assad", ông nói Peskov thêm.
Đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov cũng xác nhận vào sáng 9/12 rằng ông Assad và gia đình đã ở Moscow, nói rằng điều này phản ánh cam kết của Nga đối với các đồng minh của mình trong thời điểm khó khăn.
Theo tạp chí Eurasia Times (Mỹ), Moscow là đồng minh lâu năm của ông Assad và là một bên chủ chốt trong cuộc can thiệp vào Syria năm 2015 nhằm củng cố chính quyền của ông.
Căn cứ quân sự Nga tại Syria
Eurasia Times nhận định, với sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad, Nga đang phải đối mặt với thách thức quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông. Hai cơ sở quân sự quan trọng của Nga tại Syria gồm căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và căn cứ hải quân ở Tartous hiện đang gặp nguy hiểm.
Theo RT, vào năm 2017, Moscow và Damascus đã nhất trí về việc quân đội Nga đồn trú tại các căn cứ này trong thời hạn 49 năm.
Tartous là trung tâm duy tu tàu thuyền và tiếp tế duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải. Căn cứ này là cơ sở hậu cần quan trọng cho các hoạt động quân sự của Nga tại Châu Phi. Theo các nhà phân tích quân sự phương Tây, việc mất quyền kiểm soát Tartous sẽ gây tổn hại đáng kể đến khả năng triển khai sức mạnh của Nga trên khắp Trung Đông, Địa Trung Hải và Châu Phi.
Đối mặt với tương lai không chắc chắn về sự hiện diện quân sự của mình tại Syria, Nga sẽ phải đưa ra một quyết định quan trọng: hoặc bảo vệ các căn cứ của mình bằng mọi giá, hoặc tìm kiếm sự thay thế. Nếu bị buộc phải rút quân, Moscow dường như đang chuẩn bị các phương án khác để bảo vệ lợi ích của mình.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Điện Kremlin nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 8/12 rằng các nhóm vũ trang lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad đã cam kết tôn trọng các cơ sở quân sự và phái bộ ngoại giao của Nga tại Syria.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết các căn cứ quân sự ở Syria đã được đặt "trong tình trạng báo động cao" nhưng tuyên bố "không có mối đe dọa nghiêm trọng nào vào thời điểm hiện tại".
Ông Dmitry Peskov ngày 9/12 nói vẫn còn quá sớm để xác định tương lai của các căn cứ quân sự của Nga tại Khmeimim và Tartous. Ông nhấn mạnh rằng cuộc thảo luận về các căn cứ này sẽ phụ thuộc vào ban lãnh đạo mới của Syria.
“Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn chuyển đổi và bất ổn cực độ”, ông Peskov nói, lưu ý rằng những diễn biến gần đây ở Syria đã khiến thế giới ngạc nhiên, bao gồm cả Nga.
“Sẽ mất thời gian trước khi chúng ta có thể tham gia các cuộc đối thoại nghiêm túc với những người nắm quyền.”
Tobruk ở Libya có phải là giải pháp thay thế khả thi?
Eurasia Times nhận định, vẫn chưa rõ liệu Nga có từ bỏ các căn cứ quân sự của mình ở Syria hay sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là Moscow sẽ cần một giải pháp thay thế khả thi, hoặc có thể đã có, nếu cần phải rút quân hoàn toàn khỏi Syria.
Cảng Tobruk ở vùng Cyrenaica của Libya đã nổi lên như một lựa chọn đầy tiềm năng để triển khai các hoạt động hải quân của Nga.
Vào đầu năm 2024, các tàu đổ bộ của Nga thường xuyên cập cảng Tobruk, đổ quân và thiết bị quân sự. Trong thời gian này, một phái đoàn Libya đã đến thăm Moscow để thảo luận về hợp tác quân sự và kinh tế.
Vào tháng 8/2024, một phái đoàn quân sự Nga do Thứ trưởng Quốc phòng Yunus-bek Yevkurov dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Libya theo lời mời của tướng Khalifa Haftar. Vị tướng 81 tuổi này đứng đầu chính quyền miền đông Libya vốn không được Liên Hợp Quốc công nhận, và có xu hướng thân Nga.
Theo Eurasia Times, các cuộc đàm phán này, cùng với sự hiện diện của một tàu tuần dương Nga và hai khinh hạm ở Tobruk, cho thấy khả năng ký kết một thỏa thuận cho phép hải quân Nga tiếp cận cảng.
Mặc dù Tobruk không có cơ sở hạ tầng như căn cứ Tartous tại Syria, nhưng nó vẫn có thể là nơi để Hạm đội Địa Trung Hải của Nga duy trì hoạt động, cùng với quyền tiếp cận ngắn hạn tới các cảng ở Algeria, Tunisia và Ai Cập.