Lãnh thổ Philippines vẫn toàn vẹn
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã duyệt quyết định thành lập khu tự trị Hồi giáo "Bangsamoro", tạm dịch là "nhà nước Moro", nơi quân chính phủ giao tranh ác liệt với phiến quân Maute thân IS từ cuối tháng 5.
Ông Duterte phát biểu: "Trên hoàn cảnh và điều kiện thực tế của Philippines, sẽ có một nhà nước Bangsamoro. Tuy nhiên, việc công nhận nhà nước Bangsamoro vẫn đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ và gắn kết của nước Cộng hòa Philippines."
"Ngày hôm nay đánh dấu một trang mới trong lịch sử của chúng ta, là bằng chứng chúng ta đã cùng đoàn kết để đạt được mục đích chung. Đây là thời khắc đáng nhớ, kết thúc hàng thế kỉ hận thù, bất công, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người Philippines."
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chào đón Chủ tịch MILF Murad Ebrahim
Tổng thống Duterte cũng hứa sẽ hỗ trợ các quy trình pháp lí cho khu tự trị mới thành lập, và đánh giá Bộ luật BBL đã phản ánh được khát vọng hòa bình, ổn định và hài hòa của cả chính phủ và người dân Bangsamoro.
Ông Duterte khẳng định cả quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc thông qua Bộ luật BBL bởi vì "Bộ luật sẽ giúp khu vực tự trị phát triển mạnh mẽ, giúp phục hồi và hòa giải những bất công mà người dân Bangsamoro phải gánh chịu trong quá khứ."
Ông cũng chúc khu tự trị có một chính quyền tốt, môi trường ổn định và Bangsamoro sẽ chung sống hòa bình với toàn bộ Philippines.
Kế hoạch truyền thông
Bản thảo Bộ luật BBL được trình lên Tổng thống cùng ngày Ban Chấp hành Chính phủ cùng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Nhà nước Moro (MILF) chính thức kí kế hoạch truyền thông chung với mục đích tuyên truyền nhằm nhận được sự ủng hộ của dân chúng để duyệt qua Bộ luật này.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Ban Chấp hành Irene Santiago hoan nghênh kế hoạch, nói mục tiêu quan trọng nhất là duy trì quan điểm tích cực từ phía dân chúng, qua đó từng bước chuyển giao chính quyền Bangsamoro vào tháng 7/2018.
Bà Santiago cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi ký kế hoạch truyền thông chung này. Những đại biểu Quốc hội là những người trực tiếp bỏ phiếu thuận hoặc phiếu chống cho bộ luật, và họ sẽ phải lắng nghe người dân."
Đại diện tổ chức MILF và bà Irene Santiago kí cam kết truyền thông
Bà Santiago bày tỏ kế hoạch truyền thông này là cách thức thông tin đến người dân, qua đó giúp họ hiểu được rằng nếu muốn vượt qua những thử thách ở Mindanao, chúng ta cần phải có hướng giải quyết toàn diện. Vấn đề của Mindanao không chỉ là vấn đề của một vùng lãnh thổ, mà là của cả một quốc gia, và vì vậy, cả Philippines cần xắn tay vào cuộc.
Giải pháp hiệu quả
Ông Mohagher Iqbal, chủ tịch Ban chấp hành MILF, cho biết lễ kí kết đã đặt nền móng lớn cho những cuộc đàm phán hòa bình.
Theo ông: "Từ khi chúng tôi bắt đầu đàm phán với chính phủ năm hồi tháng 1/1997, đây là lần đầu tiên hai bên kí kết văn bản chính thức về kế hoạch truyền thông. Nếu người dân Bangsamoro được cho cơ hội tự làm chủ, họ nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ. Bộ luật BBL là liều thuốc bổ, và nó sẽ đem tới tình đoàn kết, hữu nghị cho cả quốc gia."
Chính phủ Philippines và tổ chức MILF hi vọng khâu truyền thông sẽ giúp quá trình chuyển giao chính quyền từ chính quyền địa phương lên khu tự trị Bangsamoro diễn ra tốt đẹp.
Ông Duterte hy vọng cam kết về khu tự trị sẽ giúp thuyết phục người Hồi giáo Philippines từ bỏ nhóm IS. Hơn hai tháng qua, hơn 500 người đã thiệt mạng vì những cuộc giao tranh liên quan tới nhóm khủng bố này.
Từ những năm 1970, những người Hồi giáo đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ, đòi lại vùng đảo Mindanao, trong đó có thành phố Marawi.
Tổ chức MILF đã ký một hiệp ước hòa bình với người tiền nhiệm Benetto Aquino của ông Duterte vào năm 2014 nhưng Quốc hội từ chối thông qua luật tự trị - một điều khoản quan trọng của hiệp ước.
Các nhóm nhỏ thuộc phe nổi dậy bắt đầu cam kết trung thành với IS ngay sau đó. Cuộc tấn công Marawi vào ngày 23/5 là động thái lớn của các nhóm này, buộc ông Duterte phải áp đặt thiết quân luật trên đảo Mindanao.
Theo bà Irene Santiago, 12 tháng tiếp theo đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít nguy hiểm cho người dân ở khu tự trị. Nguy hiểm rõ ràng nhất có thể kể đến các nhóm bạo lực cực đoan.
Ông Duterte cũng phải quyết định trong vòng 1 tuần liệu có nên tiếp tục điều động quân tới đảo Mindanao nữa không.
Hiến pháp giới hạn thiết quân luật là 60 ngày, biện pháp này nhằm hạn chế lạm dụng quyền hạn từ chế độ độc tài trước đây của ông Ferdinand Marcos.