Liên quan tới việc thu hồi văn bản gửi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chiều 6/6, trả lời báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã nhận sai sót trong việc dùng câu từ trong văn bản.
"Tôi coi đây là bài học đáng tiếc, không đáng có trong sự nghiệp công tác của tôi. Tôi xin nhận khuyết điểm và trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái về công văn như vậy.
Chúng tôi sẽ có kiểm điểm và giải trình về việc này. Tôi không hiểu nhầm ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng, những chỉ đạo của Phó thủ tướng là đúng song khi thể hiện bằng văn bản thì chúng tôi có sai sót", ông Tuấn nói.
Bên hành lang Quốc hội vào sáng 7/6, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, ông có theo dõi khá kỹ các thông tin liên quan đến Sơn Trà cũng như văn bản sai sót phải thu hồi vừa qua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Qua vụ việc này, cá nhân tôi thấy rằng dường như chúng ta không có một tư duy dự trữ, dự phòng. Đấy là tư duy nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ nào cũng khai thác nó để tăng thêm nguồn lực cho địa phương mình, lấy thành tích cho địa phương mình. Ở các nước bao giờ cũng có không gian dự trù.
Nếu vẫn còn tư duy nhiệm kỳ thì sẽ không còn cái gì trong tương lai nữa. Đặc biệt là với du lịch. Anh phải biết khai thác vào thời điểm nào.
Câu chuyện của Sơn Trà thì không riêng gì với Sơn Trà. Đó là câu chuyện của ngành du lịch, của nhiều ngành khác nữa.", ông Quốc nói.
Vị đại biểu Quốc hội này nhìn nhận, chuyện sau khi thu hồi văn bản lại giải thích lý do là "dùng sai câu từ" đã bộc lộ sự "thiếu bản lĩnh của chính khách".
"Nếu anh sai thì nhận sai rồi sửa chứ có gì đâu. Còn ở đây, khi lãnh đạo Bộ, Tổng Cục trưởng Du lịch đã xin lỗi thì cũng nên chấp nhận nhưng quan trọng phải xem sửa lỗi như thế nào", ông Quốc nêu.
Ông Dương Trung Quốc chia sẻ thêm, các quan lại trong lịch sử đều phải chịu sự chi phối của một hệ thống gần như là đạo lý xã hội.
"Nhờ đạo lý mà người ta biết xấu hổ để tránh khi ứng xử. Có công thì được hưởng, có tội thì phải chịu, xuống chức.
Ví dụ như Nguyễn Công Trứ có lúc ông ấy làm gần như chức Thượng thư nhưng sau đó lại xuống trở thành người đi hiệu lệnh, như đi đày.
Bây giờ chúng ta gọi luân chuyển thì xưa tiến hành luân chuyển hơn chúng ta bây giờ nhiều. Trong điều kiện giao thông khó khăn thế mà một ông quê ở Hà Tĩnh như Nguyễn Công Trứ lại lên tận Cao Bằng, xuống tận An Giang, Thái Bình, Ninh Bình để làm đủ mọi thứ.
Điều đó làm cho con người có động lực. Chứ bây giờ ai cũng muốn an toàn, ai cũng muốn thoát hiểm. Họ cứ ngại, muốn né tránh. không dám nhận trách nhiệm vì một "phốt" có thể làm thay đổi chức vụ đang đảm nhiệm", ông Quốc chia sẻ.