TIN TỐT LÀNH ngày 7/6: Nước mắt của vị tướng công an và tấm lòng của vị bác sĩ "có cánh"

Hoàng Xuân |

Những người trong trẻo, vô tư làm việc tốt cho cộng đồng luôn có một phần của chất thiên sứ trong trái tim.

Những người làm báo mảng nội chính và thời sự ở TP HCM đều biết Phó giám đốc Công an thành phố, ông Phan Anh Minh. 

Chưa bao giờ ông là người ưa thích phát ngôn hay chủ động gây chú ý với dư luận, nhưng trong công việc, tôi nghe nhiều người trong ngành khâm phục gọi ông là "con cọp" vì sự dũng mãnh và quả quyết trong nghiệp vụ, còn với đồng nghiệp, họ nói ông là người chí tình chí nghĩa.

Tôi nhớ, rất nhiều năm trước, trong nhiệm kỳ đại biểu quốc hội đầu tiên của mình, ông luôn phát biểu thẳng và thật, không bao giờ từ chối phỏng vấn của báo chí về những điều ông quan tâm và có chính kiến, kể cả khi tôi giữ ông lại sau một buổi họp mệt mỏi và căng thẳng.

Song ngoài công việc, ông Minh rất lặng.

Cho nên giọt nước mắt và biểu cảm đau xót không kiềm chế nổi của vị tướng này trong buổi họp báo công bố chuyên án triệt phá đường dây cung cấp ma túy lớn đã làm rất nhiều nhà báo ngạc nhiên và xúc động. (đọc tin chính)

Xin gửi lời cảm ơn từ trọn trái tim đến các chiến sĩ công an vì những hy sinh rất lớn của các anh. Có những hy sinh đã không thể bù đắp. Có những chiến công mãi mãi không được dư luận biết đến.

Dẫu rằng đó là nhiệm vụ mà các anh nhận từ xã hội, nhưng sự biết ơn sẽ luôn được trao gởi từ những người thật sự hiểu thế nào là một điều tốt lành. Cũng như điều tốt lành giản dị này. (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH ngày 7/6: Nước mắt của vị tướng công an và tấm lòng của vị bác sĩ có cánh - Ảnh 1.

Vị bác sĩ xin băng vệ sinh cho bệnh nhân nữ nghèo khó

Cái tên bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển không còn lạ gì với nhiều cư dân mạng ở TP HCM, khi cách đây vài năm, ông mang ý tưởng "Ly cà phê trên tường" từ một quán cà phê ở Venice về Sài Gòn, cùng bác sĩ Võ Xuân Sơn biến nó thành Dĩa cơm trên tường-một quỹ tặng các bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hầu hết ở tỉnh xa, vốn đã quá gieo neo khi xa nhà lên Sài Gòn chữa bệnh.

Dần dần, các chương trình đêm nhạc Blouse trắng (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng... cùng cộng đồng ca hát để quyên góp cho quỹ) phát triển và trở thành một điểm thư giãn tinh thần cuối tuần của những người quan tâm tại Sài Gòn.

Rồi ông đi xin băng vệ sinh cho bệnh nhân nữ nghèo và tự chở lên trao cho họ.

Và với chuyên môn của mình, ông cặm cụi biên soạn những tài liệu chi tiết và dễ hiểu để hướng dẫn cho cộng đồng về nhận biết các loại ma túy và tác hại của nó, cẩn thận dặn rõ cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con em mình. (đọc tin chính)

Ông cẩn thận gửi email cho từng người có nhu cầu, và quầy quậy từ chối khi tôi hỏi xin tài khoản để gởi nhuận bút.

Tôi gọi đùa bác sĩ Hiển là "bác sĩ có cánh", từ một câu trêu chọc trên facebook của ông sau vụ đi xin băng vệ sinh.

Nhưng với tôi, câu đùa ấy chứa một hàm ngôn nữa: Những người trong trẻo, vô tư làm việc tốt cho cộng đồng luôn có một phần của chất thiên sứ trong trái tim.

Đội sơ cấp cứu tình nguyện huyện Phụng Hiệp

Thiên sứ là những người luôn nghĩ rằng mình có trách nhiệm giúp đỡ người khác, như những người trẻ tuổi này. (đọc tin chính)

Sau gần 3 năm hoạt động, đội tình nguyện sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã giúp đưa hàng chục nạn nhân đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Lúc thành lập, đội chỉ có 6 thành viên, nay đã có 12 người.

Các thành viên là người đang làm công tác Đoàn, Hội chữ thập đỏ, công an, quân sự… tại xã, đặc biệt có 2 thành viên công tác tại trạm y tế xã, khi xảy ra tai nạn sẽ trực tiếp sơ cấp cứu.

Tôi biết nhiều câu chuyện như thế này lắm.

Như chuyện nhóm các chiến sĩ công an phường Tam Phú quận Thủ Đức vẫn đều đặn nấu cháo miễn phí cho các bệnh nhân nghèo trong bệnh viện quận Thủ Đức.

Chuyện hai vợ chồng già mười mấy năm nay lập lớp học tình thương cho cả trăm trẻ nghèo mỗi năm, chuyện ông Đoàn Hữu Nở, 57 tuổi, Giám đốc Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao huyện Cát Hải (TP.Hải Phòng) từ 16 năm nay cứ đến tháng 6 là mở lớp dạy bơi miễn phí cho mọi người, chủ yếu là trẻ nhỏ. (đọc tin chính)

Chuyện "ông già khùng" thay vì lấy đúng giá thì lại chỉ lấy có 15.000 đ cho mỗi người bệnh nghèo thuê trọ ở nhà mình, trong một căn phòng có máy lạnh, có wifi, truyền hình cáp, bếp và vật dụng nấu ăn phơi giặt... (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH ngày 7/6: Nước mắt của vị tướng công an và tấm lòng của vị bác sĩ có cánh - Ảnh 2.

Ảnh: Minh Nhân.

Chiếc ô vạn người cảm động

Là chiếc ô che cho người mẹ chở con bằng xe đạp đi chậm giữa ngày Hà Nội nắng nóng như chảo rang. (đọc tin chính)

Không chỉ là một chút bóng mát cho hai mẹ con cô ấy trong thời khắc này, nó còn là bóng mát cho những ý định khơi dậy lại chút lòng tin vào tình người, vào sự tốt đẹp vốn hay ẩn khuất trong đời.

Nó làm mùa hè mát lại.

Mùa hè này cũng sẽ thật mát và sôi động với quyết định hợp lòng học sinh của Bộ giáo dục-đào tạo. (đọc tin chính)

Nói như một em học sinh trường THCS Chu Văn An (TP HCM) trong buổi gặp với Sở giáo dục đào tạo TP HCM: "Học sinh có quá nhiều thứ để học mà không có nhiều thời gian vui chơi.

Do vậy cần giảm tải chương trình để chúng em được sống, được tự mình trải nghiệm tuổi thơ mà không phải suốt ngày 'chúi đầu' vào việc học" đã khiến cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Đây thật sự là những tin tốt lành cho cả xã hội.

Chuyện của Thiện Nhân

Và cuối cùng tôi muốn mời các bạn đọc một câu chuyện sẽ giống như làn nước mát rượi chảy nhẹ vào tâm hồn bạn. (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH ngày 7/6: Nước mắt của vị tướng công an và tấm lòng của vị bác sĩ có cánh - Ảnh 3.

Chuyện về cậu bé cách đây từng khiến xã hội chấn động vì tai nạn thương tâm của mình: bị bỏ rơi trong rừng, bị thú dữ ăn mất một chân và bộ phận sinh dục.

"Anh Minh lớn phóng cái xe đạp lớn. Anh Minh bé đạp cái xe đạp bé. Thiện Nhân ra sức nhấn bàn đạp cái xe đạp tí hon trong công viên. Được một chốc thấy cả ba anh em ngồi khóc nức khóc nở.

Không phải ba thằng bị ai bắt nạt, mà vì anh Thiên Minh gặp một anh bẩn thỉu mặc cái áo sơ mi cũn cỡn trong công viên, đang ăn chịu của bác bán tào phớ.

Mấy anh em chuyện trò tâm sự là: Bố mẹ anh bỏ nhau, không ai nuôi anh, anh béo như vậy là vì ngày bé anh chỉ ăn toàn gạo nếp; đã bốn tháng nay anh sống trong công viên và xin đồ ăn thừa, ăn chịu; tối anh ngủ luôn ngoài trời, đêm mùa đông Hà Nội rét cắt da thịt anh vẫn chỉ có mỗi cái áo cộc, nằm co quắp tại góc hiên của Nhà Cười.

Hôm nào được cho chút tiền là anh để dành để thuê chỗ ngủ có chăn ấm trong đêm khi giá rét, thuê tại Bách Khoa với giá 20 ngàn một đêm...".

Bạn hãy đọc để biết đoạn kết của câu chuyện, và hãy kể với nhau, hãy kể với chúng tôi những câu chuyện tốt lành hàng ngày, để thấy rằng dù cuộc sống còn gian nan lắm, nhưng chung quanh ta vẫn nhiều người mang gương mặt của một đóa hồng.

Bạn có chọn là một người trong số đó không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại