Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có những trao đổi với báo chí xung quanh dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6.
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, có việc lobby cho doanh nghiệp sản xuất rượu bia xung quanh dự Luật này, ông Dương Trung Quốc cho hay, việc lobby để móc ngoặc vụ lợi vấn đề gì đó thì không được còn lobby theo hướng tìm hiểu để bảo vệ một việc chính đáng là chuyện bình thường.
Vấn đề quan trọng, theo ông Quốc là lobby để đạt mục đích gì, nếu như lobby để làm rõ sự việc ra sẽ hoàn toàn bình thường.
"Liên quan đến việc góp ý vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, người ta có nói tôi tham gia vào một số sinh hoạt của hiệp hội rượu, bia. Đó là chuyện hết sức bình thường, tôi nói tiếng nói của mình ở đó và phải chịu trách nhiệm về ý kiến đó.
Tôi cho rằng, lobby không có gì là xấu, ở các nước có luật về lobby, chúng ta chưa có nên nhiều người nghĩ đó là cái gì đó xấu.
Việc anh tiếp cận với một đối tượng nào đó, như doanh nghiệp cũng là một bộ phận của kinh tế quốc dân, doanh nghiệp cũng là nhân dân, vấn đề là anh đưa ra ý kiến thế nào cho đúng", ông Quốc nói.
Vị ĐBQH này cho rằng, nếu đặt vấn đề có bảo vệ ngành sản xuất rượu, bia Việt Nam không?, thì cần nhấn mạnh, phải bảo vệ để phát triển lành mạnh, trong tầm kiểm soát, trong luật pháp.
Ông Dương Trung Quốc trong lần phát biểu về dự án Luật này tại Quốc hội. Ảnh: NT
Còn vấn đề sản lượng tiêu thụ là chuyện khác và do thị trường điều chỉnh, doanh nghiệp sản xuất rượu, bia muốn bán nhiều cũng không được nếu thị trường không có nhu cầu.
"Nên nhớ nếu chúng ta không bảo vệ, Việt Nam sẽ là chỗ đứng cho rượu, bia nước ngoài, rượu, bia lậu, các loại rượu chất lượng thấp ngoài tầm kiểm soát", ông Quốc nêu rõ.
Trước ý kiến việc ĐBQH được doanh nghiệp sản xuất rượu, bia mời đi nước ngoài tham quan và khi về có những phát biểu bảo vệ ngành này, ông Quốc nhấn mạnh:
"Tôi chưa bao giờ được doanh nghiệp sản xuất rượu, bia mời đi nước ngoài tham quan để về có những phát biểu bảo vệ ngành.
Tôi chỉ có đi một chuyến khi đang xây dựng thương hiệu bia rượu và đi với một doanh nghiệp nhưng việc đó rất lâu rồi. Còn như đặt vấn đề có chuyện đó phải điều tra xem khi về người đó đã phát biểu thế nào, có nhận lợi ích gì không", ông Quốc nêu thêm.
Vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ thêm, việc có dự Luật trên là cần thiết vì tình hình xã hội có những bức xúc liên quan đến việc uống rượu, bia nhưng ông không đồng tình với cách tiếp cận.
Cụ thể, theo ông nhiều vấn đề trong dự luật đã có luật khác điều chỉnh, như Luật quảng cáo, Luật giao thông đường bộ... vấn đề có làm nghiêm chỉnh không, có chế tài mạnh để xử lý vi phạm không.
"Tôi cho rằng Luật này đi vào nội dung chi tiết sẽ làm giảm đi những chế tài. Tại sao phải tiếp cận ở góc độ độc hại, có người nói phải chăng để có quỹ, giống như quỹ phòng, chống độc hại của thuốc lá.
Tôi thấy rất vô lý khi đưa ra thông điệp uống rượu, bia là độc hại. Uống rượu bia thế nào, loại nào mới độc hại chứ.
Cách đặt vấn đề như vậy dường như để che khuất điều quan trọng nhất, đó là trách nhiệm về năng lực quản lý yếu kém", ông nói thêm.
Vị ĐBQH nhận định, cách tiếp cận đúng nhất phải là luật kiểm soát rượu, bia, kiểm soát từ khâu sản xuất, khâu phân phối tiêu thụ, mỗi người phải tự kiểm soát mình.
Nếu chỉ nhìn ở phần ngọn, tức chỉ thấy những tai họa diễn ra mà không thấy nguồn gốc rằng người ta uống rượu ở đâu, lúc nào, uống loại rượu nào, đó mới là điều đó quan trọng hơn.