Ông Dương Trung Quốc: 'Nói từ chức là từ chối nhiệm vụ do Đảng phân công, chỉ là biện hộ'

Hoàng Đan |

"Cách giải thích cho rằng, từ chức là từ chối nhiệm vụ do Đảng phân công chỉ là cách nói, cách suy nghĩ hay biện hộ, ngụy biện của số ít người thôi", ông Dương Trung Quốc nêu.

Rút lui trong danh dự

Là một trong hai người nêu vấn đề về "văn hóa từ chức" trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ông nhắc đến điều này là muốn tạo ra một nhận thức xã hội về hành vi, văn hóa từ chức.

Theo ông, ở nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, thời điểm khi Quốc hội chuẩn bị lần đầu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, ông đánh giá đây chính là dấu hiệu để nhắc nhở, cảnh báo những cán bộ, lãnh đạo được lựa chọn, nếu không làm tốt sẽ thấy ngay được hậu quả.

"Giờ đây, Đảng đã có Nghị quyết Trung Ương 4 đề cao vai trò của các lãnh đạo, Thủ tướng nêu cao thông điệp hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, đó là điều kiện rất thích hợp để một lần nữa đề cập đến vấn đề văn hoá từ chức.

Bởi bên cạnh việc ta nghiêm khắc đấu tranh loại trừ những người có sai phạm, thì cũng nên tạo ra hành lang cho những người giữ được sự liêm chính và người ta cảm nhận được sự cần thiết phải rút lui được từ chức trong danh dự", ông Quốc nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhìn nhận, thời điểm này ông đặt ra vấn đề văn hoá từ chức không phải mới, nhưng chúng ta phải tìm ra nguyên nhân nào khiến cho văn hoá này không đi vào đời sống, trong khi tất cả định hướng của Đảng, của Chính phủ đều hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền có hiệu quả, hiệu lực, có năng lực, có sự liêm chính.

"Tôi nghĩ nguyên nhân chính ở đây là hành lang pháp lý, khi chúng ta tạo ra được điều này thì người ta cũng có thể rút lui, thực hiện văn hóa từ chức trong danh dự, trong sự chia sẻ của xã hội", ông nêu.

Về ý kiến cho rằng, lâu nay chức tước gắn liền với quyền lực cùng bổng lộc, nếu người nào từ chức đồng nghĩa với việc họ sẽ không có cả hai điều này và đây liệu có phải lý do khiến một người rất khó từ chức, ông Quốc cho hay: Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân.

Bởi theo ông, rất nhiều người nói về việc đưa vào thì có thể dễ dàng nhưng không mấy ai chịu chủ động rút lui.

Nếu tạo ra được một môi trường xã hội lành mạnh theo nghĩa thẳng thắn phê phán những việc làm sai trái, đồng thời ủng hộ những tấm gương, những người sống liêm chính thì sẽ tạo ra tiền lệ cho văn hóa từ chức.

"Hành lang pháp lý về văn hóa từ chức nếu được xây dựng sẽ nhắc nhở mọi người, tạo cho mọi người sự chủ động trong ứng xử, nhất là ứng xử với chức vụ của mình.

Ai cũng biết một trong những lý do khiến người ta gắn bó với chức vụ chính là quyền lợi. Nhưng ta phải nhìn trong tổng thế, dần dần phải tạo ra những cái lợi chính đáng", ông nhận định.

Trước sau cũng sẽ được thực hiện

Ông Quốc cũng nhấn mạnh, các quan điểm cho rằng nếu từ chức chẳng khác nào từ chối nhiệm vụ do Đảng phân công là cách nói nguỵ biện.

Ông tin chắc có những người muốn tự nguyện rút lui trong sự kính trọng của mọi người và khi đó, họ không làm khác hay làm sai trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó.

"Cách giải thích từ chức là từ chối nhiệm vụ do Đảng phân công chỉ là cách nói, cách suy nghĩ hay biện hộ, ngụy biện của số ít người.

Tôi cho rằng, tới đây chúng ta cần phải tạo ra môi trường thì mới xây dựng được một tập quán, một nét văn hoá tốt, nếu nói chung chung như thời gian qua thì mãi mãi cũng chỉ có thế thôi", ông nêu rõ quan điểm.

Mặc dù cho rằng, văn hóa từ chức sẽ không đơn giản vì ngoài yếu tố về mặt tâm lý, đạo đức, còn liên quan đến cả những quy chế, quy định pháp luật, chưa kể chức tước còn đi kèm với bổng lộc, nhưng nhà sử học này vẫn bày tỏ sự tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện được điều này.

"Bởi hiện nay ta đi ngược lại với lịch sử. Trước kia các cụ từ quan rất nhiều.Đôi khi chỉ là vì đạo lý xã hội hoặc một người cảm thấy không tán thành đường lối nào đó họ cũng từ chức một cách hết sức khí khái. Ta bây giờ cũng phải khuyến khích những cái đó", ông nói.

Đại biểu này cũng nhắc lại việc, sau câu hỏi của ông và một đại biểu khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói "văn hóa từ chức là cần thiết", đồng thời ghi nhận và giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu để có một thủ tục, quy trình pháp lý tạo điều kiện cho việc từ chức là một sự khởi động.

"Tôi cho rằng, việc đó cần khởi động. Tôi chỉ là người nhắc lại chuyện đó như một nhu cầu của xã hội. Hơn nữa, ta coi đó là tập quán tốt đẹp thì sao ta không thể phục hồi lại được?

Thủ tướng ghi nhận và đã có quan tâm đến chuyện đó, tôi thấy như thế là hợp lý, còn bước đi thế nào thì phải chờ", ông bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại