Ông Dương Trung Quốc: Cả nhà thường quây quần dịp Tết
Dù ở tuổi 70 nhưng các công việc vẫn cuốn đi quanh năm nên dịp Tết mới là dịp cả gia đình ông Dương Trung Quốc cùng nghỉ ngơi, sum vầy với nhau.
Theo ông Quốc, thường mọi việc lo sắm, chuẩn bị Tết sẽ do vợ, con cái thực hiện và năm nào ông cũng sắm một cành đào phai về để trưng trong dịp Tết.
Bữa cơm tất niên của gia đình cũng sẽ được tổ chức vào dịp trước Tết, khi đó, mọi người trong nhà sẽ quây quần lại cùng nhau, chia sẻ các câu chuyện.
"Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, tôi vẫn giữ được cái nếp là đêm giao thừa, tôi sẽ đến cơ quan và sau khi làm tất cả mọi việc, kể cả cúng giao thừa cho cơ quan thì tôi thường về chúc Tết mẹ già năm nay đã ngoài 90 tuổi ở phố Hàng Đường.
Dù chỉ gặp mẹ thoáng qua, nhưng điều đó rất ý nghĩa của một năm mới và tôi luôn dành lời chúc, mong bà luôn khỏe mạnh, sống lâu bên con cháu.
Ông Dương Trung Quốc.
Sau khi chúc Tết mẹ, tôi mới về với gia đình trên phố Lê Văn Hưu và thường tôi sẽ là người xông đất, bởi tôi là tuổi Đinh Hợi nên khá lành. Gia đình tôi cũng không có kiêng gì hay chọn người về những chuyện xông đất này.
Sáng mùng 1 thì cả nhà quây quần với nhau, chụp chung kiểu ảnh và đi chúc Tết bên nội, bên ngoại. Sau đó, con cái muốn đi đâu thì có thể thoải mái", ông Quốc nói.
Dù giữ nếp truyền thống Tết như vậy nhưng ông Quốc cho hay, ông bà vẫn tạo sự thoải mái, thuận lợi nhất đáp ứng cho yêu cầu của các thành viên và nếu gia đình con cái có đi du lịch vào dịp Tết cũng là điều bình thường.
GS Nguyễn Lân Dũng: Dịp Tết cả nhà sẽ tụ tập, "báo công" với ông bà, tổ tiên
Suốt cả năm bận rộn nên theo GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, những ngày Tết là dịp ông bà cùng được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình và con cháu.
Trong những ngày chuẩn bị đón Tết, ông và cả đại gia đình đều không làm gì quá rườm rà, lãng phí.
Trước Tết, đại gia đình Giáo sư vẫn giữ nét truyền thống của dân tộc là nhớ về tổ tiên nên sẽ đi tảo mộ các cụ bên nội, ngoại.
"Đêm giao thừa, thường thì gia đình con trai sau khi đi đón giao thừa sẽ về xông nhà và chúc Tết ông bà. Điều đó thể hiện cho niềm vui và cầu may mắn và sức khỏe cho cả năm cho mọi người trong gia đình", GS Dũng nói.
Tiếp đó, vào sáng mùng 1 Tết, gia đình Giáo sư sẽ cùng gặp gỡ tại nhà của cố GS Nguyễn Văn Huyên (bố vợ GS Dũng) để chúc Tết nhau và thực hiện nghi thức từng người "báo công" trước bàn thờ bố mẹ, ông bà.
Sau đó, tất cả mọi người từ già đến trẻ ai đã đi làm hoặc về hưu thì tùy theo thu nhập của mình mà mừng tuổi cho tất cả mọi người. Ai đi học hay công tác tại nước ngoài cũng được chia phần như những người khác. Cả gia đình sẽ đi thăm các nhà họ hàng gần đó.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Vào ngày mùng 2, đại gia đình cố GS Nguyễn Lân tập trung về bên nội ở khu tập thể Kim Liên, để cùng ăn chung với nhau một bữa cơm đầu Xuân rồi cùng sang sân trường tiểu học gần đó để chụp ảnh chung.
Theo GS Dũng, ngày mùng 2 là ngày truyền thống của đại gia đình lớn dòng họ Nguyễn Lân, một dịp để con cháu đứng trước bàn thời tổ tiên, báo cáo về những gì đã làm được trong một năm qua.
Sau khi công việc này hoàn tất đến phần lì xì cho con trẻ theo truyền thống chỉ là tiền lẻ, không có mệnh giá lớn, với ý nghĩa chúc tiền bạc sẽ sinh sôi và đem lại may mắn cho cả nhà.
Từ mùng 3, gia đình GS Dũng thường tổ chức du xuân ở những nơi khác nhau.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết thêm, thường dịp Tết, ông hay được bà con tặng cho cành hoa đào để trưng và gia đình mua thêm một số loại hoa để bày trong phòng.
Một điều không thể thiếu được trong gia đình Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chính là bánh chưng và năm nào gia đình cũng đặt loại ngon nhất, dù chỉ cần vài chiếc thôi.
PGS.TS Bùi Hiền: Tết tôi cũng chỉ ở một mình
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Ngoại ngữ (Hà Nội), người đề xuất bảng chữ cái tiếng Việt cải tiến cho biết, do vợ sang ở với con trai ở Ba Lan và những người con khác đều ở khá xa nên mấy chục năm nay ông sống, đón Tết gần như một mình trong căn hộ tập thể.
Trước dịp Tết, các con ông thường về dọn dẹp nhà cửa, mua cành đào và tổ chức ăn uống vui vẻ với ông, bố, sau đó, lại trở về nhà riêng của mình.
PGS Bùi Hiền.
"Dịp Tết, anh chị em bạn bè rồi họ hàng, con cháu, hàng xóm cũng có đến chơi, chúc Tết, ăn uống nhưng cũng chỉ chốc nhát rồi ai lại về nhà đó.
Tôi cũng đi chúc Tết một số người thân gần khu tập thể mình ở nhưng phần lớn thời gian Tết tôi vẫn dành cho nghiên cứu, làm việc ở nhà như ngày thường", PGS Hiền nói.
Vị PGS này cũng chia sẻ, dù đón Tết một mình nhưng ông vẫn chuẩn bị đầy đủ các thứ đồ, nhất là món bánh chưng không thể thiếu được trong nhà.
"Mấy ngày trước, trong Tết, tôi không ăn cơm mà chỉ ăn toàn bánh chưng thôi", PGS Hiền cho hay.
Ông Dương Trung Quốc gửi lời chúc Tết dịp năm mới 2018