Ông Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm thay cho cấp dưới

Hoàng Đan-Nguyễn Luyen |

Bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, Liêm, Trường, Đức… Giả sử có vấn đề gì không đúng, bị cáo xin nhận thay tất cả - ông Thăng nói trong phiên tòa chiều 20/3.

Chiều 20/3, ngày thứ 2 phiên sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ khi đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần các luật sư xét hỏi.

Clip: Ông Đinh La Thăng nói sẽ nhận hết trách nhiệm cho bị cáo Sơn và Thắng

Mở đầu, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) đã đề nghị HĐXX được hỏi thân chủ của mình.

Theo cáo trạng, lần thứ 3, PVN góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank theo Nghị quyết số ngày 16/5/2011, nâng tổng số vốn góp của Tập đoàn dầu khí tại nhà băng này lên 800 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank.

Ngày 9/5/2011, Hà Văn Thắm ký văn bản gửi PVN với nội dung báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch. Thắm đề nghị PVN tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank, với số vốn tăng thêm 100 tỷ đồng trước ngày 15/5/2011.

Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Tại Điều 55 quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…".

Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định. Lẽ ra Đinh La Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo việc thoái vốn tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 15%.

Tuy nhiên ngày 10/5/2011, Đinh La Thăng lại ký Quyết định số 1329 giao cho Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Đinh La Thăng chiều 20/3 - Ảnh 1.

Luật sư bào chữa hỏi ông Thăng về việc ủy quyền của Chủ tịch HĐQT đối với các thành viên HĐQT được thực hiện trong trường hợp nào; phạm vi ủy quyền, giới hạn ủy quyền được quy định trong quy chế HĐQT ra sao?

Ông Thăng cho hay khi bị cáo đi công tác, dù là nửa ngày cũng ủy quyền cho các thành viên ở HĐQT/HĐTV.

Liên quan đến việc ký Nghị quyết 4266 để góp vốn lần 3 vào Oceanbank số tiền 100 tỷ, ông Thăng cho biết trong thời gian này mình đi công tác dài ngày nên có ủy quyền cho 2 người chứ không phải 1 người. Bị cáo có ủy quyền cho ông Hùng và ông Thắng.

Ông Thăng nêu rõ, bị cáo ủy quyền hoạt động điều hành chứ không ủy quyền biểu quyết thay một nghị quyết của HĐQT nào cụ thể.

Việc mua thêm cổ phần tăng vốn của Oceanbank bị cáo không có chủ trương, bởi chủ trương trước đó có nhưng đến 2011 trong kế hoạch đầu tư vốn không có khoản tiền này, trong báo cáo Bộ Công thương cũng không có phần đầu tư này - bị cáo 58 tuổi trình bày.

Ông Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm thay cho cấp dưới - Ảnh 3.

Ba lần góp vốn của PVN vào Oceanbank. Đồ họa: 7pm.

Trong tháng 3/2011, bản thân bị cáo đã trực tiếp chỉ đạo để phù hợp với sở hữu phần vốn tại các Ngân hàng theo quy định của pháp luật. Phải chuyển nhượng bớt phần vốn tại Ngân hàng Đại Dương cho các đơn vị khác - ông Thăng nói.

Bị cáo đang đối mặt với cáo buộc Cố ý làm trái cho rằng bản thân không biết gì về nghị quyết này, không ký, không tham gia biểu quyết, thống nhất Nghị quyết. Ông Thăng nói khi đi công tác về cũng không biết.

"Bị cáo rất tôn trọng báo cáo của anh Xuân Thắng, tuy nhiên bị cáo không được nghe trực tiếp anh Thắng báo cáo. Bị cáo hoàn toàn không biết nghị quyết đó. Nếu biết, bị cáo đã có chỉ đạo dừng thực hiện. Tuy nhiên, bị cáo nhận trách nhiệm của người đứng đầu và người ủy quyền.

Tại phiên tòa này, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, Liêm, Trường, Đức… giả sử có vấn đề gì không đúng, bị cáo xin nhận thay tất cả", ông Thăng nêu.

Ông Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm thay cho cấp dưới - Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Team video.

Ông Đinh La Thăng khẳng định các cơ quan Nhà nước biết việc góp vốn của PVN vào Oceanbank trong lần 1, lần 2 là đúng pháp luật. Trong lần 3, mặc dù bị cáo không biết Nghị quyết như thế nào nhưng chắc chắn là không phù hợp với quy định pháp luật.

Ông Đinh La Thăng: Oceanbank bị mua 0 đồng không phải lỗi các bị cáo

Tiếp tục phiên xét xử chiều 20/3, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (luật sư thứ 2 bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng), được HĐXX cho phép hỏi thân chủ của mình.

Trả lời câu hỏi của luật sư, Thăng nói việc ký thỏa thuận giữa PVN với Oceanbank để hai bên có căn cứ báo cáo với HĐQT cũng như cơ quan có thẩm quyền. Biên bản thỏa thuận này không có giá trị pháp luật, không có số văn bản.

Ông Thăng khẳng định lại, việc đầu tư vào Oceanbank chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng  Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Thăng, nếu HĐQT không có văn bản đề xuất, không ký vào văn bản đồng thuận của các thành viên HĐTV về việc đầu tư vào Oceanbank, thì không có căn cứ để trình Thủ tướng.

Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cũng cho hay, theo quy định, để xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp thì phải xem xét đơn vị đó làm ăn hiệu quả. Thực tế, Oceanbank có lãi từ năm 2007  đến 2009.  Do quy mô còn nhỏ  nên ngân hàng cần thêm vốn để mở rộng và phát triển.

Bị cáo Thăng cho rằng bản thân nắm rõ về hoạt động của Oceanbank. Ông tự tin rằng đầu tư vào đây sẽ có kết quả, hiệu quả. Thực tế đã chứng minh bằng việc NH sau đó trả cổ tức đều đặn – bị cáo trình bày

Về việc NHNN mua Oceanbank giá 0 đồng vào năm 2015, ông Thăng cho rằng việc này không liên quan gì đến việc Tập đoàn dầu khí góp vốn năm 2008.

Đây là việc xảy ra nhiều năm sau khi PVN đầu tư vào Oceanbank. Không có quan hệ biện chứng nào giữa việc PVN đầu tư vào Oceanbank với việc Oceanbank bị mua 0 đồng. 

Ông Thăng cho rằng cáo buộc của VKS về việc Oceanbank bị mua 0 đồng do các bị cáo gây thất thoát là oan ức cho bản thân mình cũng như các bị cáo khác ngồi tại đây.  

Theo cáo trạng, năm 2008, ông Đinh La Thăng biết rõ tình hình yếu kém của OceanBank nhưng vẫn đồng ý để PVN góp tổng cộng 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ vào ngân hàng này.

Nhà băng này sau đó kinh doanh thua lỗ, mất vốn sở hữu nên PVN bị mất hoàn toàn số tiền góp vốn. Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc là người quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc góp vốn. Ông Thăng với trách nhiệm của người đứng đầu, bảo toàn vốn của tập đoàn phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 800 tỷ đồng mà PVN góp vốn vào Oceanbank bị mất trắng.

Trong số 7 bị cáo hầu tòa, có 3 người đã lĩnh án trong các phiên xử sơ thẩm khác. Cụ thể, ông Đinh La Thăng bị TAND TP Hà Nội tuyên 13 năm tù về tội Cố ý làm trái trong vụ án xảy tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 22/1.

Cũng trong phiên xử này, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên 9 năm tù, Ninh Văn Quỳnh lĩnh 7 năm tù. Riêng Nguyễn Xuân Sơn còn bị tuyên án tử hình trong phiên xử đại án OceanBank hồi tháng 9/2017.

Cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm, người nhận án chung thân trong vụ án OceanBank đang chờ xử phúc thẩm cũng bị triệp tập đến toà sáng nay với tư cách người làm chứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại