Hơn 6 năm trước, Starbucks tiến quân vào Việt Nam bằng việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại ngã sáu Phù Đổng (Q.1, TP.HCM).
Ông Trần Nhật Khải Minh, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn và quản trị ngành hàng F&B (food and beverages), vẫn không quên được khung cảnh ấn tượng khi đó: Hai hàng người xếp hàng ngay ngắn giữa trưa nắng, khi nhiệt độ Sài Gòn lên tới 36°C chỉ để chờ được bước vào cửa hàng Starbucks. Những ai chen lấn xô đẩy đều bị lọt ra, phải xếp hàng trở lại từ đầu.
"Lần đầu tiên trong giới F&B Việt Nam có một sự kiện chấn động, quay quanh trục tam giác Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái và Lê Lai mà chưa từng có doanh nghiệp Việt nào làm được như vậy", ông Minh khẳng định tại sự kiện Kinh Doanh F&B Cơ Hội và Thách Thứ, tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội.
Chỉ có điều ngay sau khi Starbucks vào Việt Nam và gây "sốt", ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, lại đăng đàn với những nhận xét không mấy thiện cảm. Ông bảo: "Cách làm của Starbucks đang dở tệ. Họ không bán cafe mà bán nước có mùi cà phê pha với đường".
Thậm chí nhiều khách hàng khi ấy nhận định, họ thích cách Starbucks thổi hồn cho từng sản phẩm nhưng vẫn không thể nào uống được loại cafe nhạt như nước vối được đựng trong chiếc cốc nhựa. Một số khác còn ví việc cầm trên tay một cốc Starbucks như việc bạn đang xách một chiếc túi hàng hiệu, giá trị quá cao so với thực tế sử dụng.
Vậy nhưng với quan điểm của một người trong ngành F&B, ông Nhật Minh hoàn toàn không đồng ý với những nhận định trên.
"Tôi phản biện ngay lập tức vào ngày hôm sau. Theo tôi, anh Vũ là ‘vua cà phê’ mà anh nói thế thì tôi không đồng ý được. Starbucks không bán cà phê, Starbucks bán văn hóa cà phê, thứ giới trẻ ngày ấy cực kỳ khao khát".
Lý giải cụ thể hơn, ông Minh cho rằng những người kinh doanh F&B nói chung nên "biết ơn" Starbucks, vì nếu không có Starbucks, người Việt Nam sẽ không biết đến những văn hóa tích cực hơn, đó là văn hóa self-service, tự phục vụ.
"Starbucks không bán cà phê, Starbucks bán văn hóa cà phê, thứ giới trẻ ngày ấy cực kỳ khao khát".
Nghĩa là các đơn vị bán cà phê sẽ vẫn kinh doanh "mon men theo kiểu của ông bà, cha mẹ ngày trước": Phục vụ một ông khách uống 1 ly cà phê phin nhưng ngồi tại quán nguyên cả ngày trời, tốn 5 lần 7 lượt châm thêm trà nước.
"Trả lương nhân viên còng lưng để chỉ phục vu một vài khách hàng như thế, doanh nghiệp liệu sống nổi không? Nếu không có Starbucks thì liệu giờ, thị trường F&B của Việt Nam có một mô típ kinh doanh self-service không", vị chuyên gia đặt câu hỏi.
"Starbucks cuối cùng mang giá trị gì cho người kinh doanh? Cung cấp giải pháp dịch vụ tối giản để họ có cơ hôi nâng cao đời sống nhân viên, giảm áp lực chi phí đè năng lên doanh nghiệp.
Sẽ như thế nào nếu chúng ta đào tao nhân viên tốt nhưng không giữ chân được vì chúng ta không nuôi sống được họ hoặc nuôi họ ở mức độ tạm thời mà không có động lực cho họ phát triển nếu cứ chạy theo số đông", ông Minh đặt câu hỏi cho những người kinh doanh F&B ngồi dưới.
Trên thực tế, với mô hình kinh doanh "chậm mà chắc", để khách hàng tự bê đồ uống về chỗ ngồi, giới hạn thời lượng dùng wifi trong vòng 1h đồng hồ, chỉ lựa chọn mặt bằng đẹp thay vì mở rộng ồ ạt,…Starbucks đang chứng tỏ là mô hình kinh doanh chuỗi cà phê đầy tiềm năng trong bối cảnh hàng loạt ông lớn khác "ngã ngựa" tại Việt Nam.
Nếu Highlands Coffee mất tới hơn 10 năm từ khi những đồng lãi đầu tiên xuất hiện thì câu chuyện trên chỉ xảy ra với Starbuck trong vòng 3 năm.
Thậm chí trong năm 2017, doanh thu của Starbucks lên tới 449 tỷ đồng, lớn hơn hẳn 2 chuỗi đình đám khác là Phúc Long và The Coffee House khi mỗi chuỗi chỉ ghi nhận mức doanh thu 340 tỷ đồng.