Một ông chủ người Do Thái đã ký kết một giao kèo với người làm thuê, quy định mỗi tuần sẽ phát lương một lần, nhưng người làm thuê sẽ không nhận tiền mặt mà được tùy ý mua các vật dụng tương đương với số tiền lương được trả tại một cửa hàng gần công ty, sau đó người chủ cửa hàng sẽ đến thanh toán sổ sách với ông chủ người Do Thái này để nhận tiền mặt.
Một tuần sau, một người làm thuê hối hả chạy đến gặp ông chủ và nói: "Chủ cửa hàng nói, không đưa tiền mặt thì không được lấy đồ. Vì vậy, tốt hơn là ông hãy trả tiền mặt cho tôi vậy nhé!".
Chẳng ngờ, người chủ cửa hàng tìm đến thanh toán sổ sách cũng nói: "Người làm công của ông đã đến lấy những vật dụng cần thiết, xin ông thanh toán cho tôi!".
Ông chủ người Do Thái nghe xong câu chuyện bối rối không hiểu, lập tức tiến hành điều tra. Nhưng hai bên đều khăng khăng rằng mình nói thật, khiến ông không thể chứng minh được ai đã gian dối trong việc này. Kết quả, ông chủ người Do Thái đành phải trả tiền cho cả người làm công và ông chủ cửa hàng bởi ông đã có lời hứa với cả hai bên.
Từ câu chuyện trên cho thấy, đối với người Do Thái nói chung và doanh nhân Do Thái nói riêng, việc giữ chữ tín là một điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng mạnh đến sự hưng thịnh, tồn vong của một doanh nghiệp.
Điều đầu tiên mà người Do Thái ý thức đến chính là nghĩa vụ tuân thủ giao ước của bản thân. Hầu hết những người Do Thái đều rất xem trọng chữ tín, tuân thủ giao ước, khi làm ăn buôn bán với nhau, thường không cần đến văn bản hợp đồng, chỉ cần một lời hứa là đã đủ sức ràng buộc, bởi họ tin rằng: "Có Chúa nghe thấy".
Các thương nhân trên thế giới khi làm ăn với người Do Thái đều rất có lòng tin đối với vấn đề tuân thủ giao ước của họ.
Họ không cho phép có một tình huống không giữ đúng giao ước nào xuất hiện, dù có phải để cho những tình huống xấu khác xảy ra. Tố chất này của người Do Thái đã có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với giới thương nhân trên toàn thế giới.
* Nội dung lược trích từ cuốn sách "Bí quyết kinh doanh của người Do Thái" - Biên dịch Trí Thức Việt, NXB Văn Hóa Thông tin