Cách hành xử của doanh nhân Do Thái khi được "hời" 50% giá trị hợp đồng

Pha Lê |

Dù thực tế, lô hàng này được "hời" đến 50% giá trị nhưng vị thương nhân vẫn kiên quyết cự tuyệt không chịu ký nhận, đồng thời còn yêu cầu bồi thường.

Trong quan hệ làm ăn, người Do Thái rất xem trọng hợp đồng. Một nhà xuất khẩu A ký kết với một thương nhân Do Thái B một hợp đồng chuyển giao mười ngàn thùng nấm đóng lon.

Trong họp đồng quy định: "Mỗi thùng chứa 20 lon, mỗi lon nặng 100g". Nhưng đến khi xuất hàng, nhà xuất khẩu A lại xếp lên mười ngàn lon nấm có trọng lượng 150g. Trọng lượng hàng hóa tuy nhiều hơn đến 50%, nhưng thương nhân Do Thái B lại cự tuyệt không chịu ký nhận.

Nhà xuất khẩu A thậm chí đã đồng ý không tính thêm tiền, nhưng thương nhân Do Thái B vẫn không đồng ý, đồng thời còn yêu cầu bồi thường. Không còn cách nào khác, nhà xuất khẩu A đành phải bồi thường cho thương nhân Do Thái B, còn phải xử lý lại số hàng theo đúng hợp đồng.

Qua câu chuyện này, nhất định sẽ có nhiều người cho rằng thương nhân Do Thái B quá cố chấp, được nhận số hàng nhiều hơn gấp rưỡi mà lại không muốn. Câu chuyện này có thể các dân tộc khác khó lòng hiểu được, nhưng trong tâm thức của người Do Thái, lại có cái lý riêng của nó.

Trước tiên, người Do Thái rất xem trọng họp đồng, điều này có liên quan với niềm tin mà họ luôn luôn gìn giữ trong hàng ngàn năm qua. Người Do Thái tuyệt đối không bao giờ hủy bỏ giao ước. Tất cả công việc buôn bán, đều tuyệt đối dựa vào hợp đồng…

Thứ hai, người Do Thái rất giỏi kinh doanh, hiểu rõ quy tắc kinh doanh và thông lệ quốc tế. Họ hiểu rằng, nội dung của hợp đồng là một điều kiện quan trọng và mang tính bắt buộc. Quy cách sản phẩm được quy định trong hợp đồng là 100g mỗi lon, nhưng nhà xuất khẩu A lại giao đến 150g mỗi lon.

Tuy trọng lượng nhiều hơn đến 50g, nhưng bên bàn giao hàng không đúng theo quy định trong hợp đồng, đồng nghĩa với việc vi phạm hợp đồng. Theo thông lệ quốc tế, thương nhân Do Thái B có quyền từ chối nhận hàng và buộc đối tác phải bồi thường.

Thứ ba, trong câu chuyện trên đây, còn có cả vấn đề hiệu quả kinh doanh. Thương nhân Do Thái khi mua bán những sản phẩm có quy cách khác nhau, là đều có mục đích kinh doanh riêng của mình, bao gồm thích ứng với thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng, tình hình cung ứng trên thị trường, sách lượt đối phó với các đối thủ cạnh tranh...

Nếu như số lon nấm nặng 150g mà nhà xuất khẩu A chuyển đến lại không thích ứng với thói quen của người tiêu dùng, dù mỗi lon có tăng thêm 50g và không tăng giá, thương nhân Do Thái B cũng không tiếp nhận, vì đều này sẽ làm hỏng kế hoạch kinh doanh của ông ta, có thể dẫn đến những tổn hại cho phương hướng và mục tiêu kinh doanh, hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Thứ tư, việc phát sinh tình huống trên đây, còn có thể mang đến những phiền phức ngoài ý muốn cho thương nhân Do Thái B. Giả sử đất nước sở tại của thương nhân Do Thái B có chế độ quản lý xuất nhập khẩu tương đối nghiêm khắc, giấy phép nhập khẩu của ông là mỗi lon 100g, nhưng trên thực tế lại là 150g.

Như thế, trọng lượng hàng nhập vào đã vượt quá 50% trọng lượng được ghi trong giấy phép nhập khẩu, rất có thể phải đối mặt với sự chất vấn từ các cơ quan hữu quan của quốc gia đó, thậm chí bị nghi ngờ có ý tránh né thuế nhập khẩu, nhập nhiều báo ít, phải chịu truy cứu trách nhiệm và xử phạt.

Hợp đồng là một điều kiện vô cùng quan trọng trong mua bán. Vi phạm những quy định trên hợp đồng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả đôi bên. Thương nhân Do Thái hiểu rõ điều đó, nên luôn nhấn mạnh đến việc tuân thủ hợp đồng.

* Nội dung trích từ cuốn sách "Bí quyết kinh doanh của người Do Thái"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại