Ông bố đập 7 hộp sữa trước cửa hàng có thể thoát vòng lao lý nếu...

Tuệ Minh |

Theo luật sư, cần phải xác định lại những hộp sữa mà Cường đập có chất lượng thế nào để xác định trách nhiệm của "ông bố đập hộp sữa".

Cần xác minh sữa thật hay giả

Xoay quanh những vấn đề pháp lý trong vụ việc "ông bố đập hộp sữa bị bắt" trong clip đập phá sữa ở TP.Vinh, Nghệ An, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng VPLS Danh Chính (Đoàn LS Hà Nội).

Theo LS Chu Mạnh Cường, căn cứ quy định của pháp luật, trong trường hợp xác định được giá trị tài sản (7 hộp sữa) mà các đối tượng đập phá thuộc sở hữu hợp pháp của chủ siêu thị và trị giá tài sản đó từ hai triệu đồng trở lên thì việc Cơ quan pháp luật bắt, tạm giữ hình sự đối với các đối tượng là có cơ sở pháp lý.

Ông bố đập 7 hộp sữa trước cửa hàng có thể thoát vòng lao lý nếu... - Ảnh 1.

LS Chu Mạnh Cường (Ảnh: Tuấn Nam)

"Tuy nhiên, việc bắt, tạm giữ các đối tượng chưa đồng nghĩa với việc các đối tượng đã phạm tội "Hủy hoại tài sản" bởi vì trong vụ việc này, để kết luận các đối tượng có phạm tội hay không cần phải xác minh làm rõ nhiều vấn đề liên quan để đảm bảo sự khách quan, toàn diện, công bằng, nghiêm minh của pháp luật, cụ thể:

Theo các thông tin trên báo chí, nguyên nhân sự việc xuất phát từ việc gia đình anh Cường cho rằng các hộp sữa anh mua là "hàng giả, hàng kém chất lượng" làm con anh sau khi sử dụng bị tiêu chảy.

Do đó, cần phải xác minh chính xác các hộp sữa anh Cường đã mua sử dụng, và các hộp sữa anh Cường đã 'hủy hoại' có phải 'hàng thật, hàng đủ tiêu chuẩn' hay không?", ông Cường nói.

Luật sư Cường cũng cho rằng: Việc lô hàng "có đủ hóa đơn, chứng từ, không phải là hàng trôi nổi" trong trường hợp này chưa phải căn cứ đầy đủ để chứng minh đó là "hàng thật, hàng đủ tiêu chuẩn" mà cần phải do Cơ quan giám định có thẩm quyền thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục.

Nếu kết quả giám định là...

Trong trường hợp sau khi giám định, xác định chính xác các hộp sữa anh Cường (một trong hai người Nguyễn Cảnh Cường, SN 1988 và Nguyễn Văn Hùng SN 1967 bị bắt - PV) mua sử dụng và các hộp sữa anh Cường đã "hủy hoại" đúng là "hàng thật, hàng đủ tiêu chuẩn" thì việc bắt, tạm giữ, xử lý hình sự đối với anh Cường là có căn cứ pháp lý.

Trong trường hợp sau khi giám định, xác định chính xác các hộp sữa là hàng giả, hàng không đủ tiêu chuẩn, hàng quá hạn sử dụng ... thì cần phải xem xét lại trách nhiệm của anh Cường.

Theo LS Chu Mạnh Cường, hiện nay, giá trị 7 hộp sữa bị hủy hoại (làm căn cứ xử lý hình sự) được xác định 3.745.000 đồng là căn cứ vào giá trị sữa thật, đủ tiêu chuẩn.

Ngược lại, nếu là sữa giả, không đủ tiêu chuẩn, quá hạn sử dụng thì cần phải xác định lại "giá trị tài sản bị hủy hoại" để xác định trách nhiệm của các đối tượng.

"Vụ án này là một bài học về cách hành xử trong xã hội. Dưới mọi góc độ, cách hành xử của các đối tượng trong vụ việc là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, tự biến mình từ "người có quyền" trở thành "người có tội", cụ thể:

Nếu sau khi sử dụng sữa, phát hiện thấy sữa "có vấn đề", anh Cường có quyền yêu cầu các Cơ quan pháp luật, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc điều tra, xác minh, xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, anh đã không làm như vậy mà lại chọn cách đến đập phá cửa hàng là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của người khác", vị LS này bày tỏ sự đáng tiếc.

Điều 143 Bộ luật Hình sự quy định về tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo đó: "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mưới triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại