Vụ ông bố đập hộp sữa bị bắt giống vụ "con ruồi nửa tỉ đồng"?

Tuệ Minh |

Theo luật sư Hoè, vụ ông bố đập hộp sữa bị bắt và vụ con ruồi nửa tỉ đồng tương đồng ở chỗ: Người tiêu dùng phát hiện ra sản phẩm có lỗi và sau cùng, họ đều vướng vào vòng lao lý.

Liên quan đến việc hai người Nguyễn Cảnh Cường (SN 1988) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1967) - 2 người đã bị bắt sau khi xuất hiện trong clip đập phá sữa ở TP.Vinh, Nghệ An, chúng tôi đã có buổi trao đổi trực tiếp với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội về một số vấn đề liên quan.

Vụ ông bố đập hộp sữa bị bắt giống vụ con ruồi nửa tỉ đồng? - Ảnh 2.

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội)


PV: Là một luật sư thường xuyên trả lời phỏng vấn, giải đáp những câu hỏi, sự kiện mang tính thời sự ông có quan điểm như thế nào về vụ việc trên?

LS Trương Quốc Hòe: Để xảy ra vụ việc như trên tôi rất lấy làm tiếc. Trước hết, tôi rất thông cảm và sẻ chia đối với gia đình đã lo lắng vì cháu bé bị đau ốm. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ cách hành xử của anh Cường.

Trong trường hợp này anh Cường không nên để tình cảm lấn át ý chí của mình mà phải giữ bình tĩnh và quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân khiến cháu bé bị đau bụng đi ngoài.

Khi xác định được nguyên nhân dẫn tới việc cháu bé bị đau bụng thì mới tìm được cách giải quyết phù hợp.

Trong trường hợp xác định được việc cháu bé bị đau bụng đi ngoài do dùng sữa bột thì anh Cường có thể yêu cầu siêu thị bồi thường cho tổn thất mà gia đình đã bỏ ra để điều trị cho cháu theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Theo tôi đây là cách hành xử phù hợp nhất cho cả hai phía và đặc biệt tránh được sự việc đáng tiếc đã xảy ra đối với anh Cường.

PV: Thưa luật sư, việc Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành bắt giữ đối với Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng để điều tra về hành vi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" có đúng với quy định của pháp luật không?

LS Trương Quốc Hòe: Sau khi xem xong clip và thông tin mà báo chí đưa có thể thấy hai người đàn ông này không mua sữa mà đã có hành vi tự ý lấy 07 hộp sữa trong siêu thị để mang ra đường đập phá với tổng giá trị của 07 hộp sữa là 3.745.000 đồng.

Như vậy, đối với hành vi của hai nguời này đã có đủ dấu hiệu của tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự:

"Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Vì hành vi của anh Cường và Hùng có dấu hiệu phạm tội nên việc Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành bắt giữ là có căn cứ. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục bắt giữ phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

PV: Có ý kiến cho rằng vụ việc này có những nét giống với vụ "con ruồi nửa tỉ đồng" của Tân Hiệp Phát. Dưới góc độ luật sư, ông đánh giá vụ việc này so với vụ "con ruồi nửa tỉ đồng" như thế nào?

LS Trương Quốc Hòe: Vì đến thời điểm hiện tại chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến việc cháu bé bị đau bụng nên không thể khẳng định được cháu bé đau bụng là uống sữa mua của siêu thị.

Tuy nhiên, việc trong hộp sữa có nhiều vật thể lạ màu xanh vón thành cục và trong khi đó cháu bé không dùng sữa mẹ, chưa ăn dặm, chỉ dùng sữa Glico hàng ngày mà bị đi ngoài.

Hơn nữa đại diện hãng sữa và siêu thị cũng hứa hẹn sẽ ghi nhận ý kiến của gia đình và khắc phục hậu quả đã phần nào thể hiện họ cũng thừa nhận một phần lỗi từ bên mình. Do đó việc anh Cường khẳng định nguyên nhân dẫn đến đau bụng đi ngoài của cháu do dùng sữa bột là có căn cứ.

Việc đại diện hãng sữa và siêu thị nhận lỗi là một điều đáng ghi nhận nhưng việc không thực hiện đúng cam kết đã gây sự bức xúc cho anh Cường và gia đình đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hành động đập hộp sữa ở siêu thị của anh Cường.

Vụ việc này có nét tương đồng với vụ "con ruồi nửa tỷ đồng" của Tân Hiệp Phát là do người tiêu dùng phát hiện ra sản phẩm của nhà sản xuất có lỗi và cả hai bên đã thỏa thuận nhưng sau đó chính người tiêu dùng lại vướng vào vòng lao lý.

Vụ ông bố đập hộp sữa bị bắt giống vụ con ruồi nửa tỉ đồng? - Ảnh 3.

Trong vụ con ruồi nửa tỉ đồng, cuối cùng, người tiêu dùng đã vướng vào vào lao lý

Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta hiện nay đang ở mức báo động, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Mặc dù đã có Luật bảo vệ người tiêu dùng nhưng trên thực tế người chịu thiệt luôn là khách hàng bởi những hành động thiếu hiểu biết pháp luật.

Vì vậy, khi xảy ra những vụ việc như vậy người dân nên tham khảo, hỏi ý kiến của luật sư, những người hiểu biết pháp luật và trình báo với các cơ quan nhà nước để vụ việc được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Xin cám ơn ông.!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại