Ông Joe Biden (Ảnh: REUTERS/KEVIN LAMARQUE))
"Tôi nghĩ tất cả chuyện này sẽ hết sức khó khăn," ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 3/12 (giờ địa phương), sau khi một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định đồng minh của Mỹ Israel đứng sau vụ ám sát ông Fakhrizadeh.
"Giới hạn cuối cùng là chúng ta không thể cho phép Iran đạt được vũ khí hạt nhân," Tổng thống đắc cử Mỹ nói.
Ông Biden cũng chỉ trích ông Trump về việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - có tên đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - mà chính quyền Barack Obama, với ông Biden giữ chức Phó tổng thống, nỗ lực đạt được vào năm 2015.
"Ông ta rút khỏi [JCPOA] để đạt được điều gì đó cứng rắn hơn, và họ đã làm được gì? Họ (chính quyền Trump) làm gia tăng khả năng [Iran] sở hữu vật liệu hạt nhân. [Iran] tiến gần hơn đến khả năng có được đủ lượng vật liệu cho một vũ khí hạt nhân. Và còn có các vấn đề về tên lửa nữa," ông Biden lập luận.
Cựu Phó tổng thống nhấn mạnh Mỹ cần các đối tác trong quan hệ với Iran, ngụ ý rằng chính quyền của ông sẽ làm việc với Nga và Trung Quốc trong nhiều vấn đề. Ông cho rằng "khó có thể nói" vụ ám sát mới đây sẽ làm phức tạp hóa quan hệ Mỹ-Iran "nhiều như thế nào".
"Nhưng tôi hiểu một điều rằng: Chúng ta không thể hành động đơn độc. Đó là lý do chúng ta phải trở thành thành viên của một nhóm lớn hơn, làm việc với không chỉ Iran mà có cả Nga, cả Trung Quốc và nhiều vấn đề khác."
Biden nhiều lần gửi đi thông điệp rằng ông sẽ đưa Mỹ trở lại JCPOA sau khi lên nắm quyền, đồng nghĩa "chìa cành ô liu" với Tehran về việc giảm nhẹ các biện pháp cấm vận để đổi lấy bảo đảm từ Iran - với sự chứng nhận của Liên hợp quốc - rằng chương trình hạt nhân của nước này không có mục đích quân sự.
Ông Biden nói với tờ New York Times rằng nếu Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận thì Mỹ cũng sẽ tái gia nhập. Tuy nhiên, Tehran nhấn mạnh Washington cần phải trở lại thỏa thuận mà không kèm điều kiện tiền đề nào, trước khi Iran hành động tương tự.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một trong những nhà kiến thiết chính của thỏa thuận năm 2015, được cho là nghiêng về phương án khôi phục thỏa thuận và tái tiếp cận ngoại giao với Mỹ cùng các nước phương Tây.
Ông Moshen Fakhrizadeh, người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Sáng tạo quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Iran, thiệt mạng ngày 27/11 sau khi đoàn xe của ông bị phục kích ở gần thủ đô Tehran. Giới chức Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát và tuyên bố sẽ trả đũa tương xứng.
Cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Obama, ông John Brennan, gọi vụ ám sát là tội ác mang rủi ro làm bùng phát xung đột khu vực. Ông lưu ý rằng Fakhrizadeh không phải là một phần tử khủng bố bị định danh hay thành viên của nhóm khủng bố nào, nhưng ông là một sĩ quan thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - lực lượng bị Mỹ xếp loại là tổ chức khủng bố.
Amos Yadlin, cựu lãnh đạo tình báo quân đội Israel, giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv, Israel, nói rằng "Bất kỳ ai đưa ra quyết định [ám sát] hiểu rằng còn 55 ngày mà trong Nhà Trắng có những người nhìn mối đe dọa Iran theo cách giống như họ (ám chỉ ông Trump)... Ông Biden là một câu chuyện khác."
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 3/12 nhấn mạnh quan điểm của ông rằng kế hoạch của Biden nhằm tái gia nhập JCPOA sẽ là một sai lầm. Ông cho rằng thỏa thuận sẽ trao cho Iran nguồn kinh phí nhằm tạo dựng thế lực ở Syria, Iraq, cũng như nuôi dưỡng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus