Ông Lloy Austin. (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, một số chuyên gia ngạc nhiên khi bài viết không nhắc đến Trung Quốc hay bối cảnh chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong bài viết tựa đề: “Vì sao tôi chọn Lloyd Austin làm bộ trưởng quốc phòng”, ông Biden kể câu chuyện vào tháng 8/2020 khi ông đến Iraq trên cương vị phó tổng thống và dự lễ chuyển giao vị trí tư lệnh lực lượng Mỹ ở Iraq. Hồi đó ông Biden được Tổng thống Barack Obama giao giám sát Chiến dịch Iraq Tự do, với sự cam kết của Washington về việc rút quân và trang thiết bị khỏi Iraq. Dịp đó, ông đã chứng kiến tướng Lloy Austin thay mặt tổng thống đảm trách vai trò chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ưu tiên quốc gia.
Ông Biden nói rằng tướng Austin đã hoàn tất công việc, đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ đưa 150.000 lính Mỹ từ vùng chiến sự về nhà. Ông Biden cho rằng nhiệm vụ đó không chỉ đòi hỏi kỹ năng và chiến lược của một quân nhân dày dạn, mà còn cần kỹ năng ngoại giao, xây dựng quan hệ với các đối tác Iraq và các đối tác ở khu vực.
Ông Biden viết rằng những thế mạnh và kiến thức uyên thâm của ông Austin về Bộ Quốc phòng và chính phủ Mỹ rất phù hợp để đương đầu với những thách thức và khủng hoảng mà Mỹ đang phải đương đầu. Ông là người Mỹ cần vào thời điểm này.
Ông Biden nêu ra một số nhiệm vụ mà bộ trưởng quốc phòng tiếp theo sẽ phải đối mặt, trước hết là ngay lập tức phụ trách công tác hậu cần khổng lồ để phân phối vắc-xin COVID-19. Ông Austin giám sát chiến dịch lậu cần lớn nhất mà lục quân Mỹ thực hiện trong 6 thập kỷ: rút quân khỏi Iraq.
Bộ trưởng quốc phòng tiếp theo cũng cần bảo đảm phúc lợi cho các quân nhân và gia đình họ sau 2 thập kỷ chiến tranh.
Và bộ trưởng quốc phòng mới phải bảo đảm rằng các lực lượng vũ trang của Mỹ phản ánh và thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc ở Mỹ.
Trên tất cả, ông Biden nói rằng ông chọn ông Lloy Austin vì biết cách ông đối phó với áp lực, rằng ông sẽ làm bất kỳ điều gì để bảo vệ người Mỹ, nhất là sau khi ông thiết kế và triển khai chiến dịch tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Những mối đe dọa chúng ta đối mặt ngày nay không giống như 5 hay 10 năm trước. Chúng ta phải chuẩn bị để đương đầu với những thách thức trong tương lai chứ không phải tiếp tục những cuộc chiến tranh của quá khứ. Chúng ta phải xây dựng chính sách để thúc đẩy ngoại giao và làm sống lại các quan hệ đồng minh, khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ và tập hợp thế giới để đối phó với những mối đe dọa toàn cầu đối với an ninh của chúng ta, từ đại dịch đến biến đổi khí hậu, từ phổ biến vũ khí hạt nhân đến khủng hoảng di cư”, ông Biden viết.
Sau khi bài viết của ông Biden được đăng trên The Atlantic, một số nhà nghiên cứu đã bày tỏ ngạc nhiên khi tổng thống đắc cử không nhắc gì đến Trung Quốc hay khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Với tất cả sự tôn trọng dành cho những vấn đề quan trọng được nêu trong lá thư này, việc ông Biden không nêu Trung Quốc hay bối cảnh chiến lược ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để lý giải cho lựa chọn của mình sẽ khiến các đồng minh và đối tác ở khu vực rất lo lắng”, ông Ashley Townshend, giám đốc Về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc ĐH Sydney, hôm nay viết trên Twitter.
“Ôi Chúa ơi, (bài viết) không có một từ nào về Trung Quốc hay Ấn Độ - Thái Bình Dương”, ông Derek Grossman, nhà nghiên cứu về khu vực tại hãng tư vấn Rand Corp. bày tỏ trên Twitter.