Omicron xuất hiện trong cổ họng trước mũi, có cần thay đổi cách xét nghiệm?

Hải Vân |

Nhiều nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện trong cổ họng trước khi xuất hiện ở mũi. Điều này đang làm dấy lên tranh luận cần phải thay đổi cách thức lấy mẫu xét nghiệm mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo CNBC, cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci và quyền ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Tiến sĩ Janet Woodcock, cho rằng lấy mẫu bệnh phẩm từ họng có thể phát hiện người nhiễm Omicron hiệu quả hơn so với phương pháp lấy dịch từ mũi, đặc biệt là trong các xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

“Trên thực tế, đã có những nghiên cứu cho thấy độ nhạy và khả năng phát hiện virus bằng cách lấy dịch họng cao hơn so với mũi, nhất là với Omicron. Tôi nghĩ rằng điều này cần được chứng thực và xác minh”, ông Fauci nói.

Theo các phát hiện mới đây, Omicron - biến thể có khả năng “né” miễn dịch cao so với các chủng trước đó - tồn tại tập trung ở đường hô hấp trên. Điều này cho thấy lấy mẫu nước bọt có thể là cách tốt nhất để phát hiện sớm người mắc nhiễm biến thể này.

Một nhóm nhà khoa học ở Mỹ đã phát hiện ra rằng 3 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng COVID-19 và 2 ngày sau đó, các mẫu nước bọt chứa lượng virus nhiều gấp 3 lần mẫu lấy bệnh phẩm lấy từ trong mũi. Họ cũng thấy rằng việc lấy mẫu nước bọt để làm xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) có hiệu quả cao gấp 12 lần mẫu lấy bằng cách mà nhiều nước đang làm. Hiện nghiên cứu vẫn đang chờ phê duyệt và chưa được công bố trên tạp chí khoa học.

Một số chuyên gia cũng đã đưa ra giả thuyết rằng Omicron có thể nhân bản trong các tế bào miệng và cổ họng tốt hơn so với các biến thể khác. Tại Nam Phi, nơi đầu tiên phát hiện biến thể Omicron, nghiên cứu cho thấy lấy dịch từ mũi có thể phát hiện được biến thể Delta tốt hơn mẫu nước bọt, nhưng lấy mẫu nước bọt lại giúp phát hiện sớm ca mắc Omicron hơn lấy mẫu từ mũi.

Tuy nhiên, những bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà có bán tại Mỹ, chỉ được cấp phép để lấy dịch ở mũi và không được dùng để lấy mẫu ở họng hay nước bọt.

Với những lý do này, đã có nhiều áp lực với FDA về việc nên thay đổi cách thức lấy mẫu xét nghiệm, đổi từ lấy dịch ở mũi sang lấy mẫu từ họng. Song các chuyên gia y tế tranh luận có những trường hợp cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 khi lấy dịch ở mũi, nhưng mẫu nước bọt lại cho kết quả dương tính, có thể gây hỗn loạn.

Omicron xuất hiện trong cổ họng trước mũi, có cần thay đổi cách xét nghiệm? - Ảnh 1.

Xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, Tiến sĩ Jonathan Li, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Phụ nữ và Brigham ở Boston (Anh), lưu ý rằng nếu không phải chuyên gia y tế, việc tự lấy mẫu ở họng tại nhà để làm xét nghiệm sẽ khá khó khăn đối với người dân.

Melissa Miller, Chủ tịch Ủy ban vi sinh lâm sàng và sức khỏe cộng đồng của Hiệp hội Vi sinh vật học Mỹ, cho biết một nguy cơ khác có thể xảy ra từ việc lấy mẫu bệnh phẩm trong họng tại nhà đó là cặn thức ăn trong miệng có thể tạo kết quả dương tính giả, gây hoang mạng.

“Mũi và cổ họng có nồng độ pH khác nhau. Chúng tôi đã thấy mọi người uống coca, cà phê và thực hiện xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả dương tính. Chúng tôi không biết chính xác lý do tại sao điều này xảy ra, nhưng giả thuyết có thể do axit có trong những loại đồ uống này”, cô nói.

Giáo sư Don Milton tại Đại học Y tế Công cộng Maryland, nói rằng các phòng thí nghiệm riêng của ông đã cho thấy Omicron có thể được phát hiện hiệu quả hơn thông qua nước bọt. Ông Milton cho biết nếu được chứng thực, việc phân phối nhanh chóng các bộ xét nghiệm ở họng có thể giúp giảm nguy cơ âm tính giả và vô tình làm lây lan virus.

Tại Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia đã khuyến nghị người dân nên lấy mẫu ở cả mũi và họng khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên, loại thường được sử dụng tại nhà. Cơ quan này cũng khuyến cáo không nên chỉ lấy mẫu xét nghiệm từ họng. Vào đầu tuần này, Bộ Y tế Israel cũng khuyến cáo mọi người nên lấy mẫu cả mũi và cổ họng khi thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà.

Trong khi đó, người phát ngôn của FDA, Jim McKinney, cho biết: “Chúng tôi biết rằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên có hiệu quả thấp hơn xét nghiệm PCR. Trong trường hợp nếu nghi ngờ mắc COVID-19, mọi người nên xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR để xác nhận kết quả một cách chính xác nhất. Nếu có kết quả dương tính với xét nghiệm nhanh kháng nguyên, mọi người cũng nên tự cách ly, theo dõi và yêu cầu hỗ trợ từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để nhận được hướng dẫn tiếp theo”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại