Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 ở bang Ohio - Mỹ. Ảnh: Reuters
Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mắc mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần. Dựa theo tốc độ lây lan hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.
Theo dữ liệu thu thập trong vài tuần vừa qua, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu Hans Kluge cho biết biến thể Omicron được xác nhận là có khả năng lây nhiễm cao hơn và có những đột biến giúp bám dính vào tế bào người dễ dàng hơn.
Omicron có thể gây tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm chủng. Quan chức WHO nhấn mạnh các loại vắc-xin đã được cấp phép sử dụng đều có hiệu quả bảo vệ tốt trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong, kể cả khi nhiễm biến thể Omicron.
Pháp đã chứng kiến tỉ lệ ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục 24 giờ qua với 368.149 ca, vượt qua kỷ lục trước đó là 332.252 hôm 5-1.
Tại Mỹ, ông Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đồng thời là cố vấn y tế Nhà Trắng, nhận định việc loại bỏ Covid-19 là phi thực tế và biến thể Omicron với mức độ lây lan cao sẽ lây nhiễm cho tất cả mọi người. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh Mỹ mỗi ngày đang ghi nhận gần một triệu ca mắc Covid-19 mới, với khoảng 150.000 người nhập viện và hơn 1.200 người chết.
Ông Fauci cho hay lý do xuất phát từ đặc tính dễ lây lan, xu hướng đột biến thành các biến chủng mới và rất nhiều người chưa tiêm chủng. Những người tiêm nhắc lại sẽ duy trì được hiệu quả bảo vệ trước biến chứng nghiêm trọng nhưng hiệu quả chống lây nhiễm nhờ vắc-xin cũng đang giảm.
Ông đánh giá khi tỉ lệ nhiễm biến thể Omicron giảm, Mỹ sẽ có hy vọng bước vào một giai đoạn mới "đủ mức độ bảo vệ trong cộng đồng". Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại các bệnh viện Mỹ đã vượt qua mức cao nhất của mùa đông năm ngoái vào cuối tuần rồi và ghi nhận kỷ lục khác trong ngày với gần 1,5 triệu ca mắc mới hôm 10-1.