Một điểm tiêm chủng vaccine tại Nhật Bản. Ảnh: AP
Biến thể Omicron lây lan rất nhanh và thường gây ra tình trạng bệnh nhẹ ở người đã tiêm đủ liều vaccine. Điều này cho phép các nước có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn mỗi khi xuất hiện ổ dịch mới, sẵn sàng để lây nhiễm tăng lên mức cao, một mức độ mà trước đây sẽ được coi là khủng hoảng y tế.
Xuất phát điểm có khác nhau, nhưng giới chức ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương đang đi cùng một con đường trong cuộc chiến chống đại dịch, gợi mở một tầm nhìn về tương lai mà ở đó COVID-19 được công nhận là một thực tế cuộc sống thường nhật, tương tự như cúm mùa. Ở đó, SARS-CoV-2 sẽ không gây đứt gãy kinh tế, giáo dục và cuộc sống như những gì đã từng diễn ra trong thời điểm đầu đại dịch.
Hiện tại, số ca tử vong, nhập viện do mắc COVID-19 ở nhiều nước đứng ở mức cao, xuất hiện tình trạng quá tải bệnh viện ở một số điểm. Nhưng so với tổng số ca nhiễm, tỉ lệ này nhập viện, tử vong vẫn thấp hơn so với các làn sóng trước đây. Vaccine khiến COVID-19 trở nên ít chết chóc hơn, trong khi các biện pháp điều trị mới mang tới hứa hẹn sự phục hồi nhanh chóng ở những người nhiễm bệnh, chuyển bệnh nặng.
Chính điều này biến Omicron thành điểm bước ngoặt khi đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ ba. Giới chức y tế toàn cầu lâu nay vẫn theo đuổi ý tưởng về lạm phẳng đường cong lây nhiễm, đề cao trách nhiệm cá nhân về giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, tiêm chủng.
Omicron được coi là biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nhưng ngay cả những nước áp dụng biện pháp phong tỏa ngặt nghèo, chặt chẽ nhất cũng không thể chặn được virus này. Ở Nam Phi, Anh và một số nước bị Omicron tấn công đầu tiên, số ca nhiễm tăng vọt rất nhanh, nhưng sau đó cũng xuống nhanh, khác hẳn với các biến chủng trước.
Đánh giá này đang buộc giới chức y tế phải tính toán lại việc xác định thế nào là biện pháp và cách thức chống dịch thành công. Hàng triệu người bị nhiễm bệnh thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Chính phủ các nước từ Nam Mỹ cho tới châu Âu, châu Á đều kiểm soát tốt tỉ lệ nhập viện và tử vong.
Số ca nhiễm mới tăng nhanh không còn là điểm gây lo ngại như trước đây, làm suy yếu luận điểm cần tăng cường biện pháp hạn chế khi lây nhiễm tăng. Ngày càng có nhiều quốc gia nhận ra rằng cần coi COVID-19 như một bệnh truyền nhiễm khác, cần tập trung ưu tiên cho điều trị bệnh nhập viện, khi vaccine đã phát huy công dụng, ngăn chặn được xu hướng bệnh diễn tiến nặng.
Ông Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Joe Biden về chống COVID-19, nói rằng số ca nhập viện, tử vong do nhiễm Omicron tăng cao, nhưng có thể nhìn ra một tương lai mà ở đó dịch bệnh nằm trong vòng kiểm soát. “Chúng tôi tin rằng hoàn toàn có thể đi tới điểm đích đó, bởi chúng ta có các công cụ như vaccine, mũi tăng cường, khẩu trang, thuốc kháng virus”, ông Fauci nói.
Trong tháng 1 vừa qua, Australia ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở mức cao kỉ lúc, hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Trước đây, Australia thực thi chính sách đóng cửa biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới, khiến nhiều người dân nước này bị kẹt ở nước ngoài, hoặc phải chấp nhận hai tuần cách ly khi về nước. Nhưng lần này, Australia không làm thế. “Các bạn có hai lựa chọn. Một là chọn cách nỗ lực để vượt qua, cách còn lại là đóng cửa, phong tỏa. Chúng ta đang chọn cách tiến lên”, Thủ tướng Scott Morrison từng phát biểu.
Nhiều nước đang dần từ bỏ những công cụ từng được sử dụng trước đây trong cuộc chiến chống COVID-19 như truy vết, cách ly dài hạn. Tại Mỹ, năm nhóm tổ chức đại diện cho giới y tế công mới đây đã ra tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ điều tra dịch tễ, truy vết các ca nhiễm.
Trường học trước đây thường bị đóng cửa nhiều tháng mỗi khi có dịch bùng phát. Nay quãng thời gian đóng cửa vì dịch nếu có được rút xuống chỉ còn vài ngày. Ngay cả ngành y tế cũng đang dần từ bỏ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. ShiftMed, một nền tảng trực tuyến với hơn 60.000 người dùng cho phép nhân viên y tế Mỹ nhận ca mới tại các cơ sở y tế, cho biết nhiều y tá vẫn làm việc dù xét nghiệm dương tính với COVID-19. Theo kết quả cuộc khảo sát với 600 y tá, 33% nói rằng họ được yêu cầu làm việc mặc dù mắc COVID-19 không có triệu chứng. 37% cho biết họ được yêu cầu làm việc dù đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2.
Tại Vương quốc Anh, nơi số ca vào đầu năm tăng gần gấp ba lần so với mức cao một năm trước đó, chính phủ cho phép các quán rượu, nhà hàng mở cửa và các sự kiện thể thao lớn được tổ chức với khán giả đông đảo. Tại nhiều khu vực ở Anh, cứ 10 người thì có một ca nhiễm vào đầu năm nay, sau đó các ca nhiễm bắt đầu giảm. Mặc dù vậy, Văn phòng Thống kê Quốc gia gần đây ước tính 12% trẻ em trong độ tuổi 2-12 nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, bùng phát lây nhiễm mới không kéo theo tỷ lệ tử vong cao tương ứng như từng ghi nhận ở các đợt bùng phát trước đây. Số bệnh nhân ở giường thở máy sụt giảm trong tháng 1. Anh đã dỡ bỏ tất cả hạn chế liên quan đến COVID-19.
Một trở ngại tiềm tàng ra đối với việc chuyển sang sống chung với COVID-19 là nguy cơ phát triển của một biến chủng khác gây bệnh nặng hơn hoặc né tránh tốt hơn các loại vaccine hiện hữu. Omicron có thể không phải chữ cái Hy Lạp cuối cùng dùng để đặt tên cho các biến thể virus SARS-CoV-2. Các bằng chứng ban đầu chỉ ra rằng một phiên bản phụ của Omicron được gọi là BA. 2 lan truyền thậm chí còn nhanh hơn và đang vượt trội ở các quốc gia như Đan Mạch. BA. 2 đã lan tới khoảng 40 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ.
Cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy BA. 2 gây bệnh nặng hơn hoặc né tránh vaccine tốt hơn so với Omicron. Tại Đan Mạch, nơi các nhà khoa học nói rằng BA. 2 có thể đã là biến chủng thống trị, chính phủ vẫn quyết định thực hiện bước đi giống những nước khác trên khắp châu Âu, đó là nới lỏng các biện pháp kiểm soát, dỡ bỏ hầu hết hạn chế bắt buộc vào ngày 1/2.
Tại Singapore, nơi các ca nhiễm gia tăng và dự kiến chưa có dấu hiệu đi xuống, khoảng 99,7% ca nhiễm trong những tuần gần đây không có triệu chứng hoặc nhẹ. Truyền thông địa phương, dẫn ý kiến từ giới chức y tế, giờ chuyển sang đưa tin về số lượng bệnh nhân nhập viện hoặc cần chăm sóc đặc biệt hơn là nêu bật số ca bệnh hàng ngày. Trên tổng dân số 5,7 triệu người tại Singapore, có 13 người đang được điều trị trong tại các phòng hồi sức tích cực (ICU).
Thực tế này cùng với tỷ lệ tiêm chủng gần 90% đồng nghĩa với việc Singapore không còn sử dụng đội quân truy vết để xác định và loại bỏ tất cả nguồn lây, chuyển sang hình thức phát hiện tự động. Những cư dân từng ủng hộ các hạn chế chặt chẽ, ngay cả khi các đợt bùng phát chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô ngày nay, đang cởi mở trong việc nới lỏng biện pháp chống dịch.