Om dưa "cá thần": Câu trả lời thích đáng cho ai cố gieo rắc, đồn thổi thánh thần

Hoàng Đan |

Theo GS Trần Lâm Biền, việc người dân mang hương, hoa, ném tiền xuống kênh rồi khấn vái xì xụp một con cá ở Nghệ An là câu chuyện bi hài, thể hiện sự mê muội, cuồng tín.

Sự hụt hẫng về tôn giáo, tín ngưỡng

Ngày 16/2 (mùng 1 Tết), một người dân xã Hiến Sơn (Đô Lương, Nghệ An) thấy một con cá nổi trên kênh chảy qua làng. Sau đó, một số người mang kích điện ra chích để bắt song không có kết quả.

Con cá cứ quanh quẩn, lúc nổi, lúc lặn và do đồn thổi "cá lạ" hoặc "cá thần" nên đã có hàng trăm người hiếu kỳ kéo tới xem, thậm chí, một số người còn mang cả hương, hoa quả tới bờ kênh khấn vái, ném tiền xuống kênh.

Đến trưa 21/2, một người dân đã dùng chài bắt con cá này và đây chỉ là cá chép bình thường.

Trao đổi với PV, GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc người dân mang hương, hoa, ném tiền xuống kênh rồi khấn vái xì xụp một con cá là câu chuyện bi hài, thể hiện sự mê muội, cuồng tín.

Tuy vậy, theo GS Biền, sự việc này không phải quá khó hiểu và cũng thường diễn ra, bởi khi người ta không hiểu biết về những vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng mà họ vẫn dựa, nương vào thì sẽ cảm thấy hụt hẫng về tinh thần.

"Khi có sự hụt hẫng về tôn giáo, tín ngưỡng, trong lúc chỉ có thể trông cậy vào thần linh để cầu nguyện cái này, cái khác thì thấy các hiện tượng, sự vật lạ lùng được đồn thổi, mang tính tâm linh, thánh thần, họ sẽ tìm đến, với mong muốn may ra gặp được điều gì đó đáp ứng nhu cầu.

Từ đó, bạ cái gì, dù lạ hoắc nhưng cứ liên quan đến thánh thần, linh thiêng như đồn thổi về con cá ở Nghệ An thì họ cũng sẽ đến cầu, cúng", GS Biền chia sẻ.

Om dưa cá thần: Câu trả lời thích đáng cho ai cố gieo rắc, đồn thổi thánh thần - Ảnh 1.

Người dân thắp hương, khấn vái "cá thần". Ảnh: Tuổi trẻ.

Vị GS này cho hay, điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này chính là phải làm sao hiểu được rõ nguồn cội của vấn đề để từ đó mới đưa ra cách ứng xử, giải quyết cho phù hợp.

"Niềm tin mù quáng"

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia nghiên cứu văn hóa chia sẻ, cá nhân ông không biết nói thế nào về sự "bi hài, cuồng tín, niềm tin mù quáng" của một bộ phận người dân khi đến cúng bái một con cá này.

Theo GS Thêm, với người dân Việt Nam có tính cách rất linh hoạt, không tin tưởng tuyệt đối với bất cứ thứ gì nên mới quan niệm "có bệnh vái tứ phương" hoặc thấy gì hay hay thì tin, thờ cúng.

"Cho nên có hiện tượng, người dân đi hết đền nọ, phủ kia, chỗ nào cũng đi cả và luôn quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".

Thứ nữa, cũng phải nói, nhìn vào hiện tượng khấn vái một con cá này có thể thấy, tư duy của người dân chúng ta không sâu sắc, phân tích kém trước một sự việc hiện tượng, không có sự tìm hiểu, không có tính độc lập nên dễ bị chạy, hùa theo đám đông.

Và căn bệnh chạy theo đám đông chính là xuất phát từ tính cộng đồng, mọi người làm thế nào mình làm thế đấy", GS Thêm nêu.

Tuy nhiên, GS Thêm cho biết thêm, không riêng Việt Nam mà ở một số nước, kể cả nước phát triển cũng có những sự cuồng tín nhất định.

"Do đó, theo tôi, điều quan trọng nhất là cần giáo dục, tuyên truyền để mỗi người có thể tự nhận biết, suy nghĩ trước mỗi sự vật, hiện tượng cho dù là lạ lùng.

Một con người mà không tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình mà cứ phải nhờ vào sự chỉ bảo, dẫn dắt của người khác thì sẽ không lớn lên được, cho dù đã già", GS Thêm chỉ ra.

Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Vĩnh Kiên cho hay, việc người dân nghe lời đồn thổi rồi cuồng tín như việc con cá ở Nghệ An không còn là điều hiếm mà trước đây đã xảy ra nhiều.

"Thực tế trước đây có rất nhiều câu chuyện liên quan đến các con rùa, rắn, chim... hay bọc nấm mọc lên giống hình nải chuối ở gốc đa được đồn thổi lên rồi mọi người đổ xô đến xem, thắp hương, khấn vái, cầu cúng, bỏ tiền lẻ...

Đó là những sự cuồng tín, mê tín đến mông muội chứ không phải là văn hóa, tín ngưỡng nào cả", ông Kiên nói.

Ông Kiên nhìn nhận, nguyên nhân của điều này là do chúng ta đang thiếu vắng đi một định hướng, cột trụ về niềm tin trong văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người dân.

Thêm vào đó, một số người có vai trò trong các việc làm về văn hóa, tâm linh cũng đang chạy theo những "lợi ích cho riêng mình" nên đã cố tình tạo ra những điều huyền bí, lạ lùng nhằm làm cho người dân sợ sệt, tin theo.

"Do đó, tôi thấy rất ủng hộ việc người dân, chính quyền địa phương đã đưa con cá chép được coi là "cá thần" ở Nghê An lên om dưa.

Om dưa ở đây không phải chỉ là om dưa con cá, có thêm chút thức ăn ngon mà đó chính là sự giải tỏa, câu trả lời thích đáng cho những ai còn cố tình tin hay gieo rắc vào người khác sự lạ lùng, đồn thổi thánh thần, tâm linh thiếu căn cứ, khoa học.

Tôi mong, món cá om dưa đó sẽ được mời chính những người đồn thổi đầu tiên về con cá đó ăn", ông Kiên đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại