Câu chuyện "cá thần" ở một vùng nông thôn tại Nghệ An cuối cùng đã khép lại. Con cá bị bắt lên, om dưa, thế là xong. Không còn những đồn đoán, không còn những hàng người lũ lượt kéo nhau đến xem một con cá nổi lập lờ, quanh quẩn vì bị thương, bị kích điện gần chết. Không còn cả những ban thờ được lập vội trên bờ mương.
Nếu lạc quan, nhìn câu chuyện này theo hướng tếu táo, vui đùa thì đúng là sẽ có nhiều thứ để cười. Chỉ vì một con cá khá lớn bơi lạc vào kênh mương nội đồng, bị kích điện suýt chết mà khiến bao người xì xụp tế lễ, khấn vái.
Nhưng, nếu chịu khó nghĩ kỹ hơn, chuyện sẽ chẳng vui và chẳng đáng cười. Con cá chết dở đó thấy, một bộ phận người dân nông thôn u mê, sùng tín quá mức và dù họ ở nông thôn, nhiều người cũng chẳng hiểu gì về cá, tôm, cua, ếch...
Đơn giản, những con gì đang bơi, đang sống ngoài tự nhiên mà ăn được thì đều đang bị đánh bắt theo kiểu tận diệt nên những sinh vật này ngày càng hiếm hoi.
Người dân bắt con cá chép
Sở dĩ con cá chép bị gọi là "cá thần" là do một người đàn ông sử dụng kích điện đánh bắt nhiều lần bất thành. Cần phải nói kỹ hơn về loại công cụ đánh bắt này. Đây là một trong những thứ "vũ khí" sát sinh cực kỳ tàn khốc.
Với 1 chiếc kích điện, người ta có thể tàn sát tôm cá từ trong trứng nước. Khi dòng điện quét qua, gần như không có bất kỳ sinh vật nào có thể sống sót.
Đã có một thời loại công cụ này xuất hiện, phát triển rất mạnh ở hầu khắp các địa phương. Và nó chỉ bị cấm khi nguồn thuỷ sản tự nhiên đã bị tận diệt.
Đến nay, ở nhiều vùng vẫn còn những người sử dụng kích điện để đánh bắt cá. (Dịp Tết ông Công, ông Táo vừa qua, ở một số nơi, kích điện vẫn được đem ra để kích, bắt, đón lõng phương tiện đi lại của "người nhà trời").
Người đàn ông đi kích điện bắt tôm cá ở Nghệ An những ngày đầu xuân không chuẩn bị tâm lý để "đối mặt" với con cá lớn tầm 2,3kg. (vì loại cá này trong kênh mương nội đồng hầu như không còn nữa).
Loại kích điện anh ta dùng cũng chỉ được thiết kế để bắt những con cá nhỏ. Khi không kích chết được cá lớn, ngay lập tức người nông dân này nghĩ nó là cá thần và đi phao tin cho cả làng, cả tổng đến xem. Và câu chuyện khôi hài này lập tức trở nên nóng sốt, gây tò mò.
Nó cũng giống như những chuyện về rắn thần, chim thần... ở một số nơi khác.
Khi đã lâu quá, người ta không thấy một con cá lớn, chim lớn, rắn to... sống sót ngoài tự nhiên, vì vậy khi thấy một cá thể nào đó xuất hiện thì việc gán cho động vật chữ "thần" cũng là điều dễ hiểu.
Bên ngoài môi trường tự nhiên hiện nay ngoài việc bị kích điện, bị đánh bắt bằng những loại lưới mắt nhỏ ngay trong mùa sinh sản thì hầu hết các loại thuỷ sản cũng không thể sống nổi với môi trường ô nhiễm. Thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật... được sử dụng vô tội vạ ở đồng ruộng cũng khiến tôm, cua, cá... chết từ trong trứng.
Bạn tôi một du học sinh tại Australia cho biết, khi mới sang đất nước giàu có và trù phú này, anh ngạc nhiên cực độ khi thấy thuỷ sản xuất hiện ở môi trường tự nhiên với số lượng vô cùng lớn.
Người Australia có những điều luật rất khắt khe để bảo vệ thiên nhiên của họ. Vào mùa cá tôm sinh sản, mọi hành vi liên quan đến đánh bắt đều bị cấm tiệt. Thậm chí, đến ngay cả những con cua có rất nhiều ở sông suối thì cũng không ai được bắt cua cái để làm thịt.
Tất nhiên nhiều người sẽ nói, so sánh giữa Việt Nam và Australia thật khập khiễng.
Vậy hãy nhìn sang Thái Lan xem người Thái họ bảo vệ cá dưới sông như thế nào? Nếu ai đã từng đến con sông Chao Phraya - một con sông rất lớn để tận tay cho hàng ngàn vạn con cá tranh nhau ăn thì mới thấy, khi giữ được thiên nhiên, thiên nhiên sẽ trả lại cho con người rất nhiều thứ.
Người Thái đã và đang tận dụng hình ảnh này để quảng bá, thu hút du lịch rất hiệu quả.
Ở Việt Nam hiện có duy nhất một nơi có quần thể cá sống bên ngoài tự nhiên. Đó là suối cá tại Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Nhưng để ngăn nạn đánh bắt, câu trộm người dân cũng phải gắn thêm chữ "thần" cho đàn cá.
Nói không ngoa, để giữ được thiên nhiên chúng ta đang phải nhờ "thần" là chính chứ không phải nhờ công sức và ý thức của mỗi người. Không có chữ "thần" suối cá tại Cẩm Thuỷ sẽ khó mà tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Tuy nhiên chính quyền xã cũng có nhiều lo lắng về việc bảo vệ cho sự sinh tồn của suối cá. Hiện rừng đầu nguồn - nơi bảo vệ nguồn nước cho đàn cá cũng đang là mục tiêu nhòm ngó của lâm tặc. Nếu rừng bị phá thì đến "thần" cũng không giữ nổi.
Trở lại với chuyện ồn ào diễn ra tại Nghệ An. Rõ ràng việc phong thần, cúng lễ con cá điều rất nực cười. Nhưng khi nó bị bắt lên om dưa thì lại rất đáng suy nghĩ. Những tưởng đã được phong thần thì sẽ có số phận sẽ khác nhưng cuối cùng cũng phải vào nồi.
Hãy nhớ, mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi, tôm cá cũng vậy thôi. Cứ tận diệt mọi thứ bằng kích điện, bằng thuốc nổ, bằng lưới mắt nhỏ... sợ rằng vài năm nữa tìm cá thòng đong, cân cấn để phong thần cũng khó.
Video người dân chen nhau đến xem, sờ con cá vừa được bắt lên (Ngọc Tú)