1. Các đội bóng châu Á vừa tạo nên dấu ấn ở World Cup 2018. Hàn Quốc đả bại ĐKVĐ Đức. Iran khiến nhà vua châu Âu là Bồ Đào Nha phải vất vả lắm mới kiếm được một điểm. Dù sớm bị loại sau hai lượt trận, Ả Rập Xê Út cũng kịp đánh bại Ai Cập ở lượt trận cuối để có ba điểm an ủi mang về.
Nhưng đội bóng châu Á để lại ấn tượng nhất phải kể đến Nhật Bản. Không chỉ vượt qua vòng bảng, Nhật Bản còn thể hiện được lối đá khoa học, khiến dàn sao của Bỉ phải trải qua những phút chênh vênh với hai bàn bị dẫn trước. Bên cạnh đó, dấu ấn của đội bóng xứ mặt trời mọc nằm ở tinh thần tự tôn rất... Nhật Bản: tấn công đến phút cuối cùng. Trước khi rời Nga, các cầu thủ dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ và gửi thông điệp "cảm ơn" đến nhà tổ chức.
Nền bóng đá tự tôn và trọng nghĩa khí như thế, liệu có sản sinh ra một đội tuyển... cố tình thua để né tránh đối thủ nào đó ở ASIAD hay không? Và đánh bại một đối thủ như thế, liệu có nên tự hào hay không?
Chiến thắng của Olympic Việt Nam cần được nhìn nhận đúng mực. (Ảnh: Duy Thành)
2. Câu hỏi thứ nhất hơi khó trả lời, bởi sự thật về thất bại của Olympic Nhật Bản trước Olympic Việt Nam là thế nào, chỉ nội bộ đội bóng Đông Á mới biết. Những gì chúng ta được chứng kiến chỉ nằm gọn trong 90 phút diễn ra trên sân. Mà trong 90 phút ấy, không biết Olympic Nhật Bản đá với bao nhiêu phần trăm quyết tâm, song kết quả sau cùng vẫn là thất bại. Olympic Nhật Bản đã thua, và thua toàn diện trước Olympic Việt Nam.
Không phải đội bóng nào dự ASIAD cũng quyết lấy huy chương bằng mọi giá. Olympic Hàn Quốc mang sang đội hình cực mạnh với không ít tuyển thủ quốc gia cùng ngôi sao số một châu Á hiện tại là Son Heung Min. Olympic Uzbekistan cũng đem tới lực lượng chủ chốt vừa bước lên ngôi vô địch U23 châu Á 2018.
Trong khi đó, Olympic Nhật Bản chỉ mang sang đội hình với lực lượng nòng cốt là lứa U21. Mục tiêu của đội bóng Đông Á là rất rõ ràng: rèn quân cho Olympic Tokyo sau đây hai năm, khi họ đóng vai trò chủ nhà.
Đã mang tới đội hình trẻ, tức là có sao đá vậy, không câu nệ thành tích. Olympic Nhật Bản có thể vẫn chưa bung hết "bài vở" ra để đấu với Olympic Việt Nam, song như thế không có nghĩa họ không muốn thắng. Không đội bóng nào muốn ra sân với thế thua. Như thế thì ở nhà cho... khỏe. Tính tự trọng và tự tôn dân tộc cũng được người Nhật dạy cho các cầu thủ ngay từ khi còn trẻ. Một đội tuyển trẻ đến từ Nhật Bản, hiển nhiên sẽ thi đấu với tinh thần và động lực lớn nhất có thể.
Đánh bại đối thủ như thế, Olympic Việt Nam không tự kiêu, nhưng tại sao không được tự hào? Đó là điều HLV Park Hang Seo đã "vặn" ngược lại nhiều chuyên gia, nhà báo cho rằng Olympic Việt Nam không nhất thiết phải chơi hết sức trước Olympic Nhật Bản để đổi lấy những chữ "tự hào", hay kỷ lục suông nào đó.
Thầy Park đã trả lời rất thẳng thắn: "Một số chuyên gia có phê phán Olympic Việt Nam hao tổn quá nhiều thể lực.
Nhưng trận đấu nào cũng phải tốn thể lực thôi. Sau trận Nhật Bản chúng ta có ba ngày để phục hồi thể lực, nên tôi không nghĩ có vấn đề gì phải lo về thể lực cả.
Chúng ta chưa bao giờ thắng Nhật Bản cả. Tôi đã suy nghĩ nhiều rằng liệu chúng ta có nên đá tổng lực để chiến thắng, bởi đó là cơ hội lớn để phá vỡ kỵ giơ hay không. Và kết quả như đã biết rồi, chúng ta đã chiến thắng Nhật Bản. Chúng ta cũng hiểu, 20 cầu thủ đều quan trọng cả. Nếu thay tất cả vào sân để họ được chơi bóng hết, thì nếu thua tan nát ai chịu trách nhiệm? Tôi không muốn người dân Việt Nam thấy hình ảnh đội tuyển tan nát".
Về lý mà nói, chiến thắng của Olympic Việt Nam đã phải trả giá đắt khi Hùng Dũng dính chấn thương nặng, còn Quang Hải cũng phải tập tễnh rời sân. Chấn thương là điều không ai muốn, nhưng đó là điều tất yếu của môn thể thao đối kháng như bóng đá và là sản phẩm của những tình huống cụ thể. Đã đá bóng là chấp nhận đối diện rủi ro, vấn đề là đánh đổi đến đâu. Thầy Park cùng ban huấn luyện chấp nhận đánh đổi, và các cầu thủ, dù thế nào, cũng không hối tiếc vì điều đó.
Bởi chiến thắng trước Olympic Nhật Bản không chỉ là ba điểm hay "phá dớp", mà nó còn thể hiện tinh thần và sự chuyên nghiệp của Olympic Việt Nam. Như Quang Hải đã khẳng định trước trận: không cần biết đối thủ là ai, quan trọng vẫn là ở mình. Olympic Việt Nam có gì đá nấy. Với các cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ, giữ được tinh thần và sự hưng phấn là điều cần thiết.
3. Gần một năm ngồi ghế "lái trưởng", HLV Park Hang Seo không chỉ truyền cho các cầu thủ những kiến thức chuyên môn, mà còn thổi vào học trò sự tự tin và tư duy của đội bóng chiến thắng. "Họ có điểm mạnh của họ, ta có điểm mạnh của ta, tại sao lại phải sợ?". Lời căn dặn sau thất bại của U23 Việt Nam trước CLB Ulsan Hyundai khiến các cầu thủ bừng tỉnh. Kể từ ngày ấy, bóng đá trẻ Việt Nam chỉ thua 2/9 trận ở đấu trường châu lục.
Với Olympic Việt Nam, sự tính toán là cần thiết, song đã ra sân là phải hướng tới ba điểm. Công bằng mà nói, chúng ta cũng chưa đủ mạnh để toan tính đường dài, né đội này, chủ động gặp đội kia. Đây là đấu trường châu Á, chứ không phải giải đấu "ao làng".
Bóng đá Việt Nam mới gây được tiếng vang ở giải U23 châu Á, chứ chưa thể một bước tiến lên "chung mâm" với Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran hay Ả Rập Xê Út. Olympic Việt Nam mới ở ngưỡng "tiệm cận", và thầy trò HLV Park Hang Seo cần tiếp tục thắng, chắt chiu từng trận đấu để khẳng định tên tuổi.
Bước vào vòng 1/8, mọi đối thủ đều có cơ hội ngang nhau, dẫu Quang Hải cùng các đồng đội đã nhận được sự nể trọng từ truyền thông khu vực. Khi ấy, một trận thua vì không đá với 100% khả năng mới đáng để giận. Đừng buông lời trách cứ Olympic Việt Nam vì thi đấu hết mình và thể hiện khát vọng chiến thắng.