Ngày thứ Hai thảm họa
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Nga về nỗ lực nhằm thiết lập tình trạng ngừng bắn ở Syria. Việc đàm phán song phương thậm chí có thể dẫn đến hai lực lượng quân sự phối hợp tấn công ISIS và các nhóm khủng bố khác, song đã bị chấm dứt.
Quyết định được đưa ra sau loạt không kích mang tính trừng phạt của Nga lên các khu vực bị quân nổi dậy chiếm đóng ở Aleppo, bao gồm nhiều bệnh viện và một xe của đoàn viện trợ nhân đạo bị đánh bom.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc tấn công trên cho thấy Nga luôn muốn vực dậy chế độ của tổng thống Syria Assad thay vì đi tới một giải pháp chính trị - điều đã trở nên rõ ràng với giới quan sát từ lâu.
Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ hỗ trợ và giật dây một "liên minh khủng bố quốc tế" thông qua việc hỗ trợ các nhóm nổi dậy chống Assad.
Cùng ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đình chỉ một hiệp ước với Mỹ về việc loại bỏ plutonium, do cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và đồng cấp người Nga Sergei Lavrov thỏa thuận năm 2010.
Dự thảo đình chỉ hiệp ước do ông Putin gửi lên Quốc hội Nga kêu gọi Washington từ bỏ các lệnh trừng phạt Ukraine, và giảm hoạt động quân sự tại các nước NATO ở Đông Âu.
Chỉ trong một ngày, loạt sự kiện đã đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ tuy căng thẳng nhưng vẫn đôi lúc hiệu quả giữa hai nước, bắt đầu khi Clinton trao cho Lavrov một nút bấm "reset" trong không khí vui vẻ vào 6/3/2009.
Loạt động thái nêu trên cũng xuất hiện giữa cáo buộc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và nhiều ngày sau khi nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu xác nhận rằng tên lửa bắn rơi máy bay MH-17 năm 2014 tại Ukraine là của Nga.
Hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị G20 tại Hàng Châu. Ảnh: Getty
Chính quyền Obama sẽ từ bỏ nỗ lực hàn gắn với Moscow?
Trong ngắn hạn, có thể việc đình chỉ hiệp ước plutonium - một trong số nhiều thỏa thuận sử dụng vũ khí giữa Nga và Mỹ - không bi đát bằng sự sụp đổ của bao nỗ lực ngừng bắn tại Syria. Thế nhưng về lâu dài, nó hàm chứa nhiều hiểm họa.
Ngay cả trong những ngày hoàng kim, các quan chức thuộc chính quyền Obama nói họ chưa bao giờ dự đoán sẽ tồn tại một kỷ nguyên quan hệ hữu nghị với Nga, mà họ chỉ hy vọng đơn giản là tháo gỡ được các luồng ý kiến trái chiều giữa các bên để đạt được sự hợp tác có triển vọng.
Chiến lược này đã đạt được một số thành công, có thể kể đến lệnh trừng phạt Iran, hỗ trợ hậu cần cho chiến tranh ở Afghanistan, hay từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhưng loạt sự kiện hôm thứ Hai cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng thỏa thuận kiểm soát vũ khí - nền tảng của sự hợp tác hậu Chiến tranh Lạnh giữa hai nước - làm đòn bẩy trong các tranh chấp khác. Khó đánh giá liệu còn có cơ hội hợp tác nào trên bàn đám phán trong tương lai hay không.
Mặc dù vậy, đứng trước nguy cơ hai lực lượng Mỹ và Nga đụng độ ở Syria, Washington không thể hoàn toàn vứt bỏ quan hệ với Moscow. Lời tuyên bố hôm thứ Hai có nói kênh đàm phán nhằm "giải tỏa căng thẳng" giữa hai bên vẫn mở.
Cho dù tình hình hiện tại có thể khiến Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới lên Nga, những biện pháp được áp dụng từ sau khủng hoảng Ukraine chưa có nhiều ảnh hưởng đến động thái của Nga ngoài một số tổn hại đến kinh tế nước này.
Ngay cả khi hậu quả của ngày thứ Hai thảm họa này vẫn chưa rõ ràng, có thể thấy sự thay đổi nhanh chóng trong thái độ của chính quyền Obama với Nga.
Obama vẫn luôn vui vẻ lấy Putin làm vũ khí tấn công Donald Trump khi vận động tranh cử, nhưng chính quyền của ông lại e ngại việc công khai đổ lỗi cho Nga vì đã dùng tin tặc tấn công đảng Dân chủ, vì lo sợ Nga sẽ phản ứng bằng cách gia tăng các cuộc tấn công kiểu này.
Các quan chức vẫn giữ vị thế trung lập trước công chúng và thẳng thừng đổ lỗi cho Nga khi phát biểu ẩn danh. Theo New York Times, sự cẩn thận này "đã dẫn đến tình hình gần giống một cuộc nổi dậy trong Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao."
Nếu công chúng Mỹ được chứng kiến nhiều lời buộc tội công khai nhắm đến Kremlin trong thời gian tới, đó có thể là bằng chứng xác nhận rằng chính quyền Mỹ đã bỏ cuộc, không còn nỗ lực hợp tác với Nga trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của nhiệm kỳ.