Reuters dẫn bình luận của giới phân tích nhận định, đây là một tín hiệu cho thấy Nga sẵn sàng dùng giải trừ hạt nhân làm con bài mặc cả trong các tranh chấp với Mỹ về Ukraina và Syria.
Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ đã không "đảm bảo thực thi nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng lượng thặng dư plutonium đã được tinh chế đến cấp có thể làm vũ khí" - theo VOA.
Thỏa thuận ban đầu được ký vào năm 2000 và được gia hạn năm 2010 kêu gọi cả hai cường quốc hạt nhân tiêu hủy chất plutonium cấp độ vũ khí trong các chương trình quốc phòng của mình.
Dựa trên thỏa thuận năm 2010, được ký bởi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton, mỗi bên sẽ hủy bỏ 34 tấn plutonium bằng cách đốt trong lò phản ứng hạt nhân. Bà Clinton cho biết số lượng plutonium đủ để làm gần 17.000 vũ khí hạt nhân.
Nga và Mỹ xem thỏa thuận này là một dấu hiệu của sự tăng cường hợp tác giữa hai nước trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mátxcơva và Washington đã xuống đến mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm vào năm 2014 và có liên quan đến cuộc chiến ở miền đông Ukraina.
Washington đã dẫn đầu việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây lên Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Sputnik dẫn thông tin từ Hạ viện Nga cho biết, Nga có thể khôi phục hiệu lực thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước NATO, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Magnitsky.
Ngoài ra, Nga yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà nước này hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì Nga buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả, và đòi hỏi Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển cho Duma Quốc gia phê chuẩn dự luật đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutonium ký với Mỹ. Theo nội dung dự luật, quyết định gia hạn hiệu lực và các biên bản liên quan sẽ do Tổng thống Liên bang Nga thực hiện.