Nhưng khung cảnh dung dị ông Santes hồi tưởng lại có vẻ không ăn nhập với hình ảnh về một Rodrigo Duterte của thời điểm hiện tại - một Duterte mà truyền thông gọi bằng cái tên "Người trừng phạt" và nổi danh vì những phát ngôn táo bạo, đệm những tiếng chửi thề; một Duterte dọa rút Philippines ra khỏi Liên Hợp Quốc và đòi đem xác tội phạm vứt xuống vịnh Subic cho cá ăn.
Rodrigo Duterte từng trấn an người dân rằng ông không phải là con người độc miệng mà báo chí vẽ lên. Ông giải thích, sở dĩ ông ăn nói bỗ bã như vậy là bởi quá ngán ngẩm với giới truyền thông và thói suy diễn của họ. Ông Duterte cho rằng tầng lớp thống trị đang kiểm soát giới này để bảo vệ lợi ích của mình.
Còn Jocelyn, em gái ông thì nhận định: Trong con người Duterte có hai mặt tính cách, chịu sự ảnh hưởng của cả cha lẫn mẹ.
Đối với con trẻ, cuộc sống sẽ thay đổi khi cha mẹ bước vào chốn công quyền.
Sau khi chuyển nhà tới Davao vào năm 1951, cha của Rodrigo Duterte, ông Vicente Duterte đã bắt đầu sự nghiệp chính trị ở vị trí tỉnh trưởng. Sau đó, ông đắc cử và giữ chức Thống đốc Davao suốt vài nhiệm kỳ.
Ông Vicente vốn nổi tiếng với chương trình hỗ trợ người nghèo. Jocelyn vẫn còn nhớ tới cảnh hàng dài người đứng trước cửa nhà mình từ 8 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều để nhờ giúp đỡ, xin tư vấn. Với con cái, ông ưa trò chuyện, khuyên răn.
Mẹ của ông Duterte, bà Soleng là một giáo viên, sau này thì làm công tác xã hội. Dù cha là chính trị gia nhưng mẹ mới là người hay nói. Với chất giọng sang sảng, bà Soleng thường xuyên quát mắng và phạt con cái quỳ trên hạt đỗ xanh.
Là con cưng của mẹ nhưng Rody cũng không tránh được sự nghiêm khắc của bà.
Tính cách nổi loạn của ông trở nên rõ rệt ở độ tuổi thiếu niên.
Rody thường trở về nhà lúc 3-4 giờ sáng, quá cả giờ giới nghiêm.
Để vào nhà trót lọt, ông thường nhờ tài xế và người giúp việc đẩy xe từ đường cái vào trong để mẹ không nghe thấy tiếng động cơ.
Khi nhận ra con trai sẽ không chịu về nhà sớm, bà Soleng thay đổi chiến thuật, chiến thuật sau này sẽ hình thành nên một thói quen mà Rody suốt đời không thể bỏ.
"Mẹ tôi dựng một cái lán ở bên ngoài và bảo anh Duterte ngủ ở đó. Mẹ tôi nói bà sẽ không mở cửa. Chỗ đó rất nhiều muỗi vì ẩm ướt. Từ đó, anh tôi quen dùng màn", bà Jocelyn kể.
Tới tận bây giờ, dùng màn vẫn là thói quen của ông Duterte. Không có màn, ông không ngủ được. Đi đâu ông cũng mang theo. Thậm chí, vào khách sạn ông cũng mắc màn của mình để ngủ.
Liệu có phải là người đàn ông hay chửi thề trên truyền hình và huýt sáo khi gặp các nữ phóng viên như ta vẫn thấy không?
Những tâm phúc thân cận của ông cũng phải thừa nhận là không thể "đọc" được con người mà Duterte thể hiện trước công chúng. Trong số 10 phát ngôn ông đưa ra, chắc chỉ đúng có một, một quan chức trong Tòa Thị chính nhận xét.
Duterte rất giỏi lảng tránh các câu hỏi mà ông cho là nhạy cảm, che giấu mục đích thực sự của mình bằng những lời bông đùa và tìm cách lái sự chú ý về phía người đặt câu hỏi.
Khi bị hỏi về vấn đề sức khỏe trong một cuộc phỏng vấn, Duterte đã nói: "Nếu tôi có thể chạy suốt 1 tiếng rưỡi trên máy tập, thì anh từ chức nhé. Tôi nói thật đấy. Nào, hãy về nhà tôi." Câu trả lời này không thể coi là thẳng thắn nhưng người ký giả, sau một vài phản ứng yếu ớt, đã không dám gợi lại vấn đề.
Bước ngoặt trong cuộc đời Rody xảy đến vào năm 1968, khi ông 23 tuổi. Năm đó, cha ông qua đời. "Anh tôi bắt đầu làm mọi việc một cách nghiêm túc. Học hành cũng vậy. Cha tôi giống như cột trụ của anh. Đó là lúc tôi thấy anh thực sự thay đổi thái độ", bà Jocelyn chia sẻ.
Ông Vicente mất vì đau tim ngay giữa phiên tòa xét xử một vụ kiện chống lại ông, trong lúc sự nghiệp gặp nhiều thăng trầm. Nói chung, ông Vicente đã qua đời với một trái tim nặng nề, đầy thương tổn.
Theo Patmei Ruivivar, cựu Chánh văn phòng của ông Duterte, sinh mệnh chính trị của người cha đã khiến Duterte có xu hướng áp dụng những thủ đoạn lãnh đạo xảo quyệt kiểu Machiavelli (hay nói theo cách phương Đông là kiểu Tào Tháo). Giống như bất cứ chính trị gia nào đi theo đường lối Machiavelli, ông Duterte nắm được tất cả những mánh khóe quyền lực và biết làm thế nào để tận dụng tình thế sao cho có lợi. Thậm chí, ông còn "thử" những người xung quanh.
"Ông ấy thường kiểm tra một cách ngẫu nhiên. Họ còn không biết mình đang bị thử. Ông ấy muốn xem mọi người phản ứng và xử lí mọi chuyện trong những tình huống nhất định như thế nào", Ruivivar, người phụ tá thân cận của Duterte suốt 7 năm cho hay.
Duterte có thể tung ra một tin đồn để kiểm tra lòng trung thành hoặc tìm cách dụ dỗ cấp dưới với những đề xuất béo bở để xem điểm yếu của họ là gì.
Kết thúc buồn cho sự nghiệp chính trị và cái chết đột ngột của người cha vẫn còn ám ảnh Duterte cho tới ngày nay. Đó chính là điều đã thúc đẩy ông để tâm tới những người dưới trướng mình.
Duterte sợ sự phản bội hơn tất thảy mọi thứ trên đời và sẽ làm tất cả trong quyền hạn của mình để giữ được lòng tin của mọi người nơi ông.
Chỉ có một số ít người mà Duterte chịu lắng nghe. Nhóm này giúp ông giải quyết các vấn đề đối ngoại, kinh tế và cơ sở hạ tầng. Khi trao đổi cùng nhóm này, ông sẽ thoải mái nói ra những gì mình nghĩ. Còn quyết định cuối cùng thì ông sẽ tự đưa ra sau khi dành thời gian suy ngẫm một mình.
Ruivivar mô tả ông Duterte là một người "có khả năng tự nhận thức". Ông biết điểm yếu của mình và không ngại đề nghị những người thông minh hơn giúp đỡ. Từ khi chưa nhậm chức, Duterte đã thừa nhận kinh tế không phải thế mạnh của mình, đồng thời hứa hẹn sẽ mời "những bộ óc kinh tế của cả nước" và trao toàn bộ trọng trách này cho họ.
Có thể nói Duterte gặp may bởi ông nhậm chức vào thời điểm kinh tế Philippines đang khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn Trung Quốc, hơn hẳn các nước khác trong khu vực.
Có lẽ vì thế nên chiến dịch vận động tranh cử của Duterte không đề cập tới những vấn đề "trừu tượng" như đầu tư nước ngoài mà tập trung vào những điều dễ hiểu với dân chúng hơn. Đó là tội phạm, giao thông và tham nhũng. Mối quan tâm có chọn lọc ấy phần nào lý giải những chính sách đối nội và đối ngoại mà ông Duterte đã áp dụng kể từ khi nhậm chức.
Dưới thời Rodrigo Duterte, mọi thứ đều có xu hướng vượt ra ngoài tầm kiểm soát, mà nổi bật nhất là chiến dịch chống buôn bán ma túy gây tranh cãi, sự kiện đã dẫn tới cái chết của gần 3.000 nghi phạm.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự lo ngại, ông Duterte phản ứng đầy khiếm nhã. Sau đó, ông còn muốn lính Mỹ rút khỏi thành phố miền Nam Mindanao, tuyên bố không tiếp tục tuần tra chung với Washington trên biển Đông. "Chừng nào còn ở bên người Mỹ", ông Duterte nói, "Chúng tôi sẽ không bao giờ có được hòa bình".
Thực ra phản ứng này không thật bất ngờ nếu nhìn lại quá khứ giữa hai nước. Nên nhớ, trước khi là đồng minh thân thiết lâu năm, Philippines đã là thuộc địa của Mỹ suốt gần nửa đầu thế kỷ 20. Vết thương ấy chưa lành.
Đầu những năm 1990, lính Mỹ rời khỏi các căn cứ đã đồn trú nhiều năm tại Philippines nhưng đó không phải là mong muốn của họ mà bởi Philippines muốn họ đi. Giới lãnh đạo của Manila cho rằng những căn cứ ấy là dấu vết không mấy dễ chịu của thời thuộc địa.
Sau này, khi phải đối mặt với sự gây hấn của Trung Quốc, Manila mới chào đón quân Mỹ trở lại, trong khuôn khổ thỏa thuận Hợp tác Quân sự Tăng cường kéo dài 10 năm. Theo thỏa thuận, lính Mỹ không được thiết lập căn cứ cố định ở Philippines nhưng được phép hiện diện trên cơ chế luân phiên.
Với Trung Quốc, Duterte lại chủ trương "làm bạn". Từ cách đây một năm, thời điểm ông vẫn chưa có ý định ra tranh cử, Duterte đã tỏ rõ quan điểm về chính sách đối ngoại của mình:
"Chúng ta nên làm bạn với Trung Quốc. Chúng ta sẽ áp dụng một chính sách trung lập. Chúng ta không tham gia vào thỏa thuận thương mại mới với vành đai Thái Bình Dương. Vì thế, chúng ta nên đối tốt với châu Á. Chúng ta đang bị tách biệt và Trung Quốc có thể giúp chúng ta".
"Tôi đã nói với ngài Đại sứ (Trung Quốc) rằng: Chúng tôi không thể dỡ bỏ những gì các ông xây tại đó nhưng tôi sẽ rất biết ơn nếu ông ngừng cản trở ngư dân Philippines, bởi chúng tôi đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình".
Có vẻ Duterte rất tự tin vào khả năng của bản thân và ông nghĩ mình có thể thuyết phục được Bắc Kinh. "Tôi sẽ bảo Trung Quốc chấm dứt ngay việc xây dựng", ông Duterte nói, "Hãy giữ phép lịch sự và chúng ta sẽ đối thoại. Chúng ta không thể gây chiến. Chúng ta không trả giá nổi đâu".
Trong khi đó, với Mỹ, Duterte lại muốn theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập: "Tôi sẽ mở ra một lộ trình mới và không phụ thuộc vào Mỹ". Sau khi nhậm chức, ông Duterte đã phá vỡ trình tự ngoại giao thông thường khi chọn gặp gỡ đại sứ Trung Quốc, Nhật Bản trước, rồi mới đến đại sứ Mỹ.
Nhìn bề ngoài, có vẻ Duterte đã sẵn sàng đánh đổi đồng minh Mỹ để lấy mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc nhưng Tổng thống Philippines khẳng định, ông không có ý định làm tổn hại quan hệ với đồng minh Mỹ.
Thực ra, Duterte đã suy tính rất nhiều về cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, một ngư trường giàu có ở biển Đông. Ông từng nói:
Phát ngôn này cho thấy một điều: Rõ ràng với Duterte, hạ tầng và giao thông là những vấn đề quan trọng và là những nhân tố chủ chốt khiến bộ mặt của Philippines thay đổi. Thứ mà ông thiếu chính là tiền.
Tổng thống Philippines cũng thừa nhận đã có những nhà tài trợ Trung Quốc giấu tên chi tiền cho một số chiến dịch quảng bá chính trị của ông.
Ông Benito Lim thuộc Đại học Ateneo de Manila nhận định: "Hiện tại, có rất nhiều điều có lợi chúng tôi có thể làm với Trung Quốc, chẳng hạn như mối quan hệ thương mại và kinh tế".
Theo ông Lim, Nhật Bản và Mỹ vẫn là các đối tác thương mại hàng đầu của Manila, nên hai nước này không cần lo ngại về thái độ của ông Duterte đối với Bắc Kinh.
"Vấn đề này liên quan tới kinh tế. Và đây nên là tình huống các bên cùng có lợi".
Mới đây, cảnh sát trưởng Philippines tuyên bố chiến dịch mà Tổng thống Duterte phát động đã giảm tình trạng buôn bán ma túy xuống 90%. Ông Duterte hoàn toàn có thể coi đây là chiến thắng bước đầu và kêu gọi thêm sự ủng hộ cho một Philippines hiện đại, phát triển, sạch bóng tội phạm như ông mơ ước. .
Những người lạc quan cho rằng nếu ông tiếp tục thực thi những cam kết của mình, cải thiện hạ tầng và thúc đẩy phát triển ở khu vực nông thôn thì có thể khi mãn nhiệm, Duterte sẽ có một Philippines tốt đẹp hơn để trao cho người kế nhiệm.
Tuy nhiên, nhiều người lại nhìn vào hiện tại và thấy rằng: Duterte đang gây chiến với người Mỹ, đánh mất "bạn bè" và xa lánh nhiều quốc gia khác. Có vẻ như Bắc Kinh đang khai thác điểm yếu của Duterte để tăng cường quân sự quanh Scarborough nhưng bóng dáng của tuyến đường sắt mà ông mong mỏi vẫn chưa xuất hiện.
Sau khi ông Duterte vấp phải sự cố ngoại giao khiến Tổng thống Obama hủy cuộc gặp bên lề ASEAN, các nhà đầu tư đã bắt đầu lảng tránh trước một nhà lãnh đạo thất thường, còn tăng trưởng thì thụt lùi. Người ta lo ngại rằng, kết cục, chính Tổng thống Duterte sẽ tự tay làm suy yếu đất nước của mình.