Xôi trứng kiến là sự kết hợp tuyệt vời giữa mùi thơm đậm đà, quyến rũ của nếp nương với vị ngọt bùi, béo ngậy của trứng kiến.
Đồng bào dân tộc Thái, Tày, Dao… ở Yên Bái rất giỏi chế biến các món ngon làm từ trứng kiến. Đặc biệt, trứng kiến là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch) của bà con nơi đây.
Nhiều vùng miền của nước ta có trứng kiến, và ở đâu nó cũng trở thành đặc sản. Rượu ngâm trứng kiến gai đen giúp bồi bổ cơ thể, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Ở vùng cao, món ăn chế biến từ trứng kiến thường được ướp hạt mắc khén hoặc dổi rừng với các loại rau thơm, gói bằng lá dong rồi nướng trên than hồng để trứng kiến chín đều mà không bị cháy.
Người vùng cao thường gọi trứng kiến là "lộc rừng"
Ngoài trứng kiến nấu canh măng sặt hoặc lá lốt, trộn trứng gà đem rán, làm bánh... thì có 3 món nhất định bạn phải thử khi đến Yên Bái. Đó chính là trứng kiến sống, chả trứng kiến lá lốt và xôi trứng kiến.
Người dân sẽ dùng lá ngõa non (cùng họ với cây sung) và lá lốt rửa sạch, gói cùng trứng kiến, ăn sống kèm muối ớt. Đương nhiên, "đưa cay" cho món này không thể thiếu bát rượu ngô - nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, giản dị và mang đậm bản sắc của người vùng cao.
Món chả trứng kiến lá lốt thơm ngon hấp dẫn lại rất dễ làm: Trứng kiến và thịt băm nêm gia vị vừa ăn, ướp khoảng 15 phút, có thể thêm chút hành hoa và lá lốt thái nhỏ. Dùng lá lốt cuốn hỗn hợp thịt - trứng kiến sao cho miếng chả đều nhau, chiên vàng trong chảo dầu nóng. Khi ăn, chả có vị ngọt của thịt, bùi ngậy của trứng kiến, hương thơm từ lá lốt và gia vị, hạt tiêu tạo nên món ăn đặc trưng, hấp dẫn thực khách.
Rất nhiều món ngon được làm từ trứng kiến
Tuy nhiên, trong rất nhiều món ăn chế biến từ trứng kiến thì xôi trứng kiến là đặc sắc hơn cả.
Đi săn "lộc rừng"
Trước tiên cần khẳng định, không phải lên rừng cứ thấy tổ kiến nào cũng hạ, và loại kiến nào có trứng cũng ăn được. Người miền xuôi thường gọi loài kiến đẻ trứng này là "con ngạt", còn người dân nơi đây gọi trứng kiến là "lộc rừng". Trứng kiến ăn được thường có 2 loại: trứng kiến vàng và trứng kiến đen với hương vị khác nhau.
Trứng kiến vàng và trứng kiến đen có hương vị khác nhau
Từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là mùa thu hoạch trứng kiến. Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên đi rừng, việc "săn" trứng kiến phải chọn ngày nắng to với đầy đủ dụng cụ. Tổ kiến nhìn có màu đen bạc, thớ to, cành cây hơi trĩu, nâng lên thấy nặng tay thì trứng kiến rất mẩy. Không hạ những tổ kiến đen sì, xôm xốp vì lúc này, trứng kiến đã nở thành con.
Lên rừng "săn" trứng kiến quả thật kỳ công. Mỗi "tổ săn" khoảng 2-3 người, được phân chia công việc rõ ràng. Tìm được tổ kiến ưng ý, một người trèo lên chặt cành cây, còn người đứng dưới sẽ dùng một chiếc rổ buộc vào đầu cây sào dài khoảng 3-4m, khéo tay hứng để tổ kiến không bị rớt xuống đất.
Hạ được tổ kiến xuống, "thợ săn" sẽ dùng gậy hoặc cán dao gõ nhẹ để kiến nhanh chóng tản ra ngoài. Tách đôi tổ kiến, bên trong là hạt trứng trắng muốt, căng tròn như hạt gạo tám xoan, có màu trắng đục, tỏa hương thơm dìu dịu.
Điều đặc biệt nhất là người vùng cao không bao giờ lấy hết trứng. Họ để trứng lại cho kiến còn sinh sản tiếp những mùa sau.
Thơm bùi xôi trứng kiến vùng cao
Trứng kiến được sàng sẩy sạch sẽ, loại bỏ tạp chất, lá cây và cả những con kiến già. Công đoạn này đòi hỏi đôi tay phải thật khéo léo, nhẹ nhàng để trứng kiến không bị dập vỡ.
Sau khi làm sạch, để ráo nước, người ta phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào xào chung. Khi thấy dậy lên mùi thơm của hành và mùi béo, bùi của trứng kiến là được.
Gạo nếp nương hạt trắng ngần, tròn mẩy, thơm nức mũi
Không phải gạo nếp nào cũng dùng để đồ xôi trứng kiến mà nhất định phải chọn nếp nương, hạt trắng ngần, tròn mẩy, thơm nức mũi. Gạo ngâm trong nước ấm khoảng 3-4 tiếng, vớt ra để ráo rồi cho vào chõ đồ chung với trứng kiến.
Khi thấy hạt nếp chuyển màu trắng trong, tỏa mùi thơm xen lẫn vị béo bùi của trứng kiến với hành phi thì đó là lúc xôi đã chín. Ở công đoạn này, người ta dùng đũa xới thật nhẹ tay để xôi được chín đều mà trứng kiến không bị vỡ.
Xôi trứng kiến là sự kết hợp tuyệt vời giữa mùi thơm đậm đà, quyến rũ của nếp nương với vị ngọt bùi, béo ngậy của trứng kiến. Để thưởng thức đúng chuẩn món xôi trứng kiến, bạn phải dùng tay nhón miếng xôi nóng hổi rồi thả ngay vào miệng. Vừa nhai vừa cảm nhận tiếng trứng kiến lốp bốp, bạn sẽ hiểu thế nào là "dư vị khó quên" của món đặc sản này.
Xôi trứng kiến đậm đà, thơm bùi và béo ngậy
Người vùng cao Yên Bái thường ăn xôi trứng kiến với cá suối sấy khô nướng than chấm muối ớt trộn chanh. Một lần nữa, hương vị các loại thực phẩm của suối ngàn Tây Bắc lại được cộng hưởng, hòa quyện, thăng hoa, tạo ấn tượng khó phai trong lòng du khách.