Thái Lan là một trong những thị trường ô tô lớn và sôi động nhất khu vực Đông Nam Á. Trong chiến lược tăng xuất khẩu xe, Thái Lan là một điểm đến không thể bỏ qua của nhiều nhà sản xuất xe Trung Quốc. Họ kéo tới đây và lập tức khiến phân khúc ô tô điện của Thái Lan trở nên náo nhiệt hơn, nhưng kèm theo đó là một sự hỗn loạn như đã từng gây ra ở Trung Quốc.
Làm náo loạn thị trường Thái Lan
Tại Triển lãm Xe hơi Quốc tế Băng Cốc vừa diễn ra hồi đầu năm, nhà sản xuất ô tô điện số 1 thế giới - BYD - đã khiến nhiều khách tham quan sự kiện phải chú ý. Hãng xe này đã mang đến phiên bản nâng cấp của mẫu xe gầm cao bán chạy Atto 3 của hãng; mẫu xe này được bán với giá 899.900 bạt (hơn 620 triệu đồng) sau khi áp dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ Thái.
Mức giá của phiên bản mới thậm chí còn rẻ hơn gần 1/5 so với giá của phiên bản đang bán.
Song song với BYD Atto 3 mới, hãng cũng đưa ra các chương trình giảm giá khác cho những mẫu xe sedan và hatchback đang bán tại thị trường này, khiến cho gian trưng bày của BYD tại triển lãm lúc nào cũng chật như nêm.
Cùng với BYD, Changan cũng là một nhà sản xuất xe Trung Quốc mới tới Thái Lan. Trong khi xe BYD chính thức lên kệ tại Thái Lan từ cuối năm 2022, Changan mới tới đây được hơn một năm. Changan hiện đang bán mẫu xe điện có giá rẻ bậc nhất thị trường Thái Lan, là mẫu xe mini Lumin với giá 480.000 bạt, (khoảng 330 triệu đồng). Changan Lumin là mẫu hatchback chạy điện cỡ nhỏ có 3 cửa, ngắn hơn KIA Morning tại Việt Nam khoảng 300mm.
Ngoài Changan, Hozon cũng đang bán mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ Neta V với giá 550.000 bạt, tương đương khoảng 380 triệu đồng. Hozon Neta V là mẫu xe gầm cao chạy điện, ngang cỡ Toyota Raize ở thị trường Việt Nam.
Tại thị trường Trung Quốc, số lượng hãng xe thành lập mỗi năm và số lượng xe mới ra mắt nhiều tới nỗi chính người trong ngành của họ cũng không nắm được hết. Điều này khiến thị trường ô tô Trung Quốc có tính cạnh tranh cực mạnh.
Nhằm đối đầu với các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc, Tesla khi vào thị trường này đã khởi xướng cuộc chiến cắt giá, khiến giá xe điện liên tục đi xuống.
Nay, các hãng xe Trung Quốc khi tới các thị trường khác, họ cũng có thể sẽ áp dụng chiêu cắt giá này để giành thị phần. Tại Thái Lan, hơn 10 hãng xe Trung Quốc đã lần lượt tới đây chỉ trong vài năm, khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường ngày một gắt hơn.
Các hãng xe Trung Quốc tới Thái Lan khi xu hướng xe điện đi lên, kèm với việc bán xe giá rẻ đã khiến doanh số xe điện bùng nổ; trong năm 2023, doanh số xe điện tại Thái Lan đã tăng 8 lần, đạt 76.000 chiếc.
Tăng trưởng xe điện tại Thái Lan chủ yếu diễn ra ở phân khúc xe cỡ vừa trở xuống. Phân khúc này có tổng doanh số cộng gộp chiếm khoảng 20% thị trường, tương ứng khoảng 150.000 chiếc dựa trên doanh số của năm 2023.
Đây sẽ là miếng bánh thị phần mà các hãng xe Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm lấy; đồng thời, các hãng xe Trung Quốc cũng sẽ phải cạnh tranh với các hãng xe Nhật như Isuzu, Toyota khi đây là những tên tuổi rất được ưa chuộng tại Thái.
Chuyên gia Hirotaka Uchida đang làm việc tại công ty tư vấn Arthur D. Little nhận định: "Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang trải qua một biến cố lớn ở thị trường quê nhà do cung vượt cầu và cuộc chiến giá. Thị trường Thái Lan có thể cũng sẽ chứng kiến những điều tương tự".
Ô tô Trung Quốc ồ ạt tới Việt Nam
Việt Nam không nằm ngoài danh sách thị trường mục tiêu mà các hãng xe Trung Quốc muốn đưa xe tới. Hiện tại, thị trường Việt Nam đã đón chào rất nhiều thương hiệu và mẫu xe tới từ Trung Quốc, có thể kể tới như Hồng Kỳ (Hongqi), Haval, MG, Lynk & Co...
Sắp tới, các tập đoàn lớn cũng sẽ tiếp tục đổ bộ tới thị trường Việt Nam, bao gồm BYD, Chery (thông qua 2 thương hiệu Omoda và Jaecoo), và Great Wall Motors. Các thương hiệu Trung Quốc bán xe tại Việt Nam hoặc qua nhà phân phối hoặc tự mở chuỗi cửa hàng chính hãng.
Tương tự nhiều thị trường khác trên thế giới, đa số các mẫu xe Trung Quốc bán tại Việt Nam đang cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc về giá bán và trang bị.
Có thể nêu điển hình như mẫu MG5 phiên bản số sàn. Đây là một mẫu sedan hạng C tương tự KIA K3, Hyundai Elantra, Toyota Corolla Altis hay Mazda3 nhưng bán với giá khởi điểm khoảng 400 triệu đồng, ngang một mẫu xe hạng A.
Một ví dụ tiêu biểu hơn là BAIC Beijing X7 - một mẫu xe từng thu hút được nhiều sự chú ý. Mẫu xe này được đánh giá cao về mặt trang bị, động cơ, tuy cạnh tranh với nhóm xe gầm cao hạng C như Hyundai Tucson hay Mazda CX-5 nhưng mức giá của Beijing X7 chỉ ngang xe thuộc phân khúc hạng B như KIA Seltos hay Hyundai Creta.
MẪU XE | PHÂN KHÚC | GIÁ THAM KHẢO |
---|---|---|
BAIC Beijing X7 | Xe gầm cao hạng C | Từ 608 triệu đồng đến 758 triệu đồng |
KIA Seltos | Xe gầm cao hạng B | Từ 599 triệu đồng đến 739 triệu đồng |
Hyundai Creta | Xe gầm cao hạng B | Từ 599 triệu đồng đến 699 triệu đồng |
Hyundai Tucson | Xe gầm cao hạng C | Từ 769 triệu đồng đến 919 triệu đồng |
Mazda CX-5 | Xe gầm cao hạng C | Từ 749 triệu đồng đến 979 triệu đồng |
Một điều cần nhắc tới là hiện nay, hầu hết xe Trung Quốc bán tại Việt Nam đều nhập khẩu nguyên chiếc hoặc từ Trung Quốc (như BAIC Beijing X7) hoặc từ một nước trong khu vực Đông Nam Á (như MG5); chỉ một số ít được lắp ráp tại Việt Nam (như Wuling MiniEV). Nếu như các hãng có kế hoạch đặt nhà máy sản xuất xe tại Việt Nam thì giá xe hạ thấp nữa là điều có thể dự đoán được.
Trên thực tế, BYD và Chery đã từng có kế hoạch xây nhà máy xe tại Việt Nam. Trong khi nhà máy của BYD đang có kế hoạch lùi lịch, Chery vừa ký kết hợp tác với Geleximco để làm một nhà máy ô tô tại Thái Bình với công suất lên tới 200.000 xe/năm. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động, giá xe bán tại Việt Nam có thể giảm thêm.
Nhìn vào thị trường xe Việt Nam, thực tế đã cho thấy rằng giá bán rẻ chưa chắc đã quy đổi thành doanh số hay thị phần. Việc các hãng xe Trung Quốc bán ra những sản phẩm có giá rất tốt so với thị trường có thể có hai khả năng: Hoặc khiến thị trường nhiễu loạn, hoặc không để lại ảnh hưởng gì.
Thăm dò ý kiến
Đâu là tiêu chí quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua ô tô của bạn?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.