Ở thời đại sách self-help: Muốn thành công phải tránh xa kẻ yếu đuối, muốn hạnh phúc phải che đi thất vọng nhưng bệnh trầm cảm thì tăng lên

Khải Đơn |

Tôi đang ngồi trong một cuộc trò chuyện. Ở đó, một người bạn nói bạn không còn muốn bày tỏ nỗi buồn của mình với người xung quanh nữa. Bạn chỉ cảm thấy sự thương hại, phiền lòng, hoặc cảm nhận rõ ràng người đối diện không muốn nghe.

Tôi ghi nhớ điều bạn nói. Và có lần, trong một quyển sách self-help tôi đọc, tác giả thậm chí còn khuyên rằng nếu bạn muốn thành công thì hãy tránh xa những người phiền lòng, tránh xa những kẻ yếu đuối và không nên mất thời giờ vì họ. 

Thay vì vậy hãy tìm đến người thành công mà làm quen.

Trong một quyển self-help khác viết về hạnh phúc, tác giả khuyên người đọc hãy tránh xa những người hay buồn bã – vì ở bên kẻ buồn bã thì không thể nào vui vẻ hay hạnh phúc nổi.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà hạnh phúc và thành công được dùng làm tiên đề cho tất cả mọi hành động. 

Vì hạnh phúc ta xóa bỏ người làm ta phiền. Vì thành công ta dẫm lên người yếu hơn mình. Vì muốn có mọi thứ ta nên vây quanh những người có sẵn thành công và hạnh phúc.

Ở thế giới thành công và hạnh phúc, những người hay buồn bã thường bị vứt vào một xó. Họ ít bày tỏ bản thân hơn, co cụm hơn, buồn bã hơn và không thể thoát khỏi điều đang làm tổn thương họ. 

Còn những người mới rơi vào bất hạnh hay buồn bã cũng tự biết thân phận. Họ giấu đi nỗi buồn của mình. 

Che đi sự thất vọng hay thất bại. Họ cố gắng thể hiện mình không kém gì trong cuộc trưng bày hạnh phúc. Cho đến khi những nỗ lực gìn giữ hình ảnh sụp đổ.

Ở thời đại sách self-help: Muốn thành công phải tránh xa kẻ yếu đuối, muốn hạnh phúc phải che đi thất vọng nhưng bệnh trầm cảm thì tăng lên - Ảnh 1.

Ta buồn bã hơn. Rơi vào trầm cảm. Tự chịu đựng tủi thân một mình. Đỉnh điểm của điều đó, với nhiều người – là rời bỏ sự sống. 

Tôi gọi phần này của đời sống là hạnh phúc què cụt – ta cứ phô bày mình tươi thắm nhưng không thể chịu đựng nổi chính mình có một ngày nhàu nhĩ, buồn khổ, và không chấp nhận lắng nghe điều đó từ chính những người xung quanh mình.

Một lần nọ, tôi đi học báo chí với bốn người bạn đến từ Nam Thái Bình Dương – trên những hòn đảo xa xôi tên Papua New Guinea, Tonga và Kiribati. 

Khi thảo luận về "vùng cấm" bày tỏ sự bất hạnh, đau khổ, một bạn đến từ Tonga đã kể, ở làng của bạn, khi một người bị mất người thân, cả làng sẽ thay nhau ghé qua, trò chuyện, nghe người ấy khóc hay chỉ là dòm chừng họ, và có lễ cầu kinh đều đặn cho người ấy suốt tháng đầu sau ngày mất – mà mọi người trong làng cùng tham dự. 

Đó là cách họ tự giữ gìn lấy tinh thần của nhau – khi sống ở hòn đảo xa xôi đầy thiên tai, không cách gì trốn tránh được những tai họa ập đến từ tự nhiên.

Đó là cách mà "người đất liền" hay "dân thành thị" đã quên mất từ lâu. 

Họ có nhiều cái tên để gọi sự tương tác trong đời sống của nhau: là ngại làm phiền, là khiến người khác khó chịu, là kể chuyện riêng tư quá nhiều chẳng giải quyết được gì, hay tệ hơn, nhân danh "chuyện cá nhân" là dừng lại tất cả. 

Ta ngồi trong một cuộc trò chuyện, chỉ cần nghe thấy ba từ "chuyện cá nhân" ở trên là mọi người ngừng lại: Người kể không muốn ai tham dự vào đời sống của mình nên dùng ba từ đó để gạt đi. 

Người nghe không muốn dây vào chuyện buồn khổ của người khác hay ngại làm phiền cũng dùng chính ba từ đó làm cái cớ để lơ là. 

Kết quả là thực sự ta chẳng hiểu điều gì đang ăn mòn hay hủy hoại người thân quý của mình. Và chính ta cũng không còn đủ can đảm để tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác khi điều không lành hay không yên tâm xảy ra với mình.

Ở thời đại sách self-help: Muốn thành công phải tránh xa kẻ yếu đuối, muốn hạnh phúc phải che đi thất vọng nhưng bệnh trầm cảm thì tăng lên - Ảnh 2.

Cơ chế bên nhau thật xa xỉ giữa những cuộc chuyện trò hiện đại.

Nhưng dần dần, tôi học được rằng mình không hề hạnh phúc hơn khi nhắm mắt lờ đi những điều không lành xảy ra với người xung quanh mình. 

Dù những quyển sách self-help vẫn được dùng như thánh kinh để tẩy chay bất hạnh, thì bất hạnh vẫn không ngừng xảy ra trong đời sống. Với người khác. Với bản thân. 

Với bất kỳ ai. Bằng cách chấp nhận rằng điều không lành xảy đến, giúp đỡ nhau và trò chuyện để đi qua điều bất an đó – nạn nhân có thêm sức mạnh để vững vàng, người lắng nghe thấy an tâm hơn vì mình đã ở bên người mình yêu quý. 

Và tiếp theo, dù điều gì có xảy ra thì cả hai cũng không hề ân hận vì mỗi người đều có hành động.

Một người bạn của tôi bị thất tình. Thời điểm đó, tất cả bạn bè anh đều né gặp anh vì họ nói "mệt mỏi khi nghe chuyện anh thất tình" - vì cô gái đó và anh đã chia tay tới lui sáu lần suốt cả năm qua chưa xong. 

Nghe mãi họ phát chán. Và đàn ông gì yếu đuối quá. Nhưng một người bạn của anh là bác sĩ thì rất kiên nhẫn. Họ đi đạp xe cùng nhau. Bạn bác sĩ hay ghé qua nhà nấu ăn cho hai đứa con của anh, và hỏi bọn trẻ bố thế nào.

Sau gần hai năm, anh thất tình nói, nhờ có hai con và những người bạn như ông bác sĩ mà anh đã không tự tử. Anh lúc đó chỉ còn cảm giác duy nhất là đau khổ tuyệt vọng. Anh không thấy gì hơn ngoài ý nghĩ đen tối đó. 

Nhưng vì có những người ngồi nghe anh khóc huhu như đứa trẻ, có hai đứa con rủ anh đi chơi bóng bàn sau giờ làm mà anh dần nhận ra rằng mình cũng quan trọng với những người khác ngoài người bạn gái cũ. 

Đó là khi anh nghĩ nên bỏ ý định làm điều kia.

Ở thời đại sách self-help: Muốn thành công phải tránh xa kẻ yếu đuối, muốn hạnh phúc phải che đi thất vọng nhưng bệnh trầm cảm thì tăng lên - Ảnh 3.

Tôi đọc vài quyển sách để hiểu rằng thất tình hay mất người thân không đơn giản là chuyện "tất nhiên" trong đời. 

Nó là những trải nghiệm đau đớn và cực kỳ khó khăn – tùy vào sự gắn bó hay thương quý mà những người trong cuộc dành cho nhau. 

Chính vì vậy, tôn trọng và cảm thông với thời gian đau buồn của người khác là cách để cùng họ đi qua thời gian khó khăn – thay vì ngán ngẩm né tránh nỗi buồn của họ, hay bình phẩm rằng đó chỉ là người bất hạnh và thất bại rồi né xa.

Và tôi cũng nhận ra rằng, có những thời điểm chính bản thân mình đau khổ và xấu xí biết bao. Khi ấy, có những người bạn không bỏ rơi. 

Họ kiên nhẫn từng giờ. Họ lắng nghe điều ngớ ngẩn. Họ dẫn tôi như dắt tay người không nhìn thấy đường ra vùng ánh sáng. 

Họ làm tôi hiểu, giúp tôi giải quyết nỗi đau của mình không làm họ bất hạnh hơn. Và vì vậy, họ cứu được tôi một lần trong đời.

Thời đại này cho phép chúng ta quá nhiều lựa chọn kết bạn, tìm người yêu, người tình. Nó cũng cho chúng ta cả quy tắc sống hạnh phúc mãi mãi và chẳng thèm quan tâm đến những người mềm yếu, thất bại hay khổ sở.

Nhưng có một phần khác trong đời sống này, đó là ta có thể sẽ ân hận mãi mãi vì đã bỏ mặc người thân quý trong cơn tuyệt vọng. 

Nó cũng khiến chính ta chẳng còn đủ can đảm thể hiện nỗi đau của mình khi rơi vào hoàn cảnh không như ý.

Khi ấy thì sự yếu đuối sẽ ăn thịt chính mình – vì mình đã không thể trân trọng sự yếu ớt của người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại