Với người dân tại Peru và Belize, họ đã quá quen thuộc với loài dơi được mệnh danh ma cà rồng: dơi quỷ.
Có cái tên đáng sợ như vậy là bởi loài dơi này chỉ có thể sống bằng máu của các loài vật khác, giống như quỷ hút máu trong thần thoại. Tuy nhiên, chúng không quá đáng sợ với con người, bởi đối tượng chủ yếu của chúng là gia súc thôi.
Dù vậy thì cuối tháng 9, một nghiên cứu tại ĐH Montana (Mỹ) đã chỉ ra bằng chứng cho thấy loài dơi này thực sự rất nguy hiểm y như cái tên của nó vậy. Đó là bởi chúng mang mầm bệnh vi khuẩn Bartonella chết người.
Bạn nên biết, vi khuẩn Bartonella có thể gây ra viêm nội tâm mạc, làm nhiễm trùng màng lót tim, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của động vật và con người.
Theo các nhà khoa học, dơi quỷ là loài sinh vật có khả năng mang mầm bệnh rất cao. Thêm vào đó, vi khuẩn Bartonella có tính chất kỵ khí, tức là chúng có thể truyền bệnh từ động vật sang người.
Mầm bệnh Bartonella
Thông thường, các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu việc lây truyền vi khuẩn Bartonella cho con người, nhưng bởi thế mà bỏ quên một vấn đề quan trọng khác. Đó là làm thế nào Bartonella có thể lây lan trong quần thể loài dơi và các loài sinh vật khác được?
Vì lẽ đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, xem xét nguy cơ bị nhiễm bệnh của loài dơi ma cà rồng.
Trong vòng hai năm, các nhà khoa học đã thu thập và phân tích những mẫu máu, nước bọt và phân của chúng. Để kết quả nghiên cứu thêm chính xác, nhóm tác giả cũng tiến hành nghiên cứu mối quan hệ về độ tuổi, giới tính, kích thước cẳng tay cũng như khả năng sinh sản của chúng.
Kết quả nghiên cứu thật bất ngờ! Đa phần dơi đực lại có nguy cơ nhiễm mầm bệnh cao hơn, khi gần 67% các mẫu thử nghiệm dương tính với vi khuẩn Bartonella.
ở peru có một loài dơi -ma cà rồng-, và chúng đang chứa một mối hiểm họa đáng sợ
Không dừng lại ở đây, các nhà khoa học còn nỗ lực phân tích trình tự bộ gene của những con bị nhiễm bệnh, để xem xét các thức lây lan mầm bệnh của chúng.
Cũng giống như con người và các loài động vật khác, dơi quỷ bị nhiễm Bartonella qua các vết đốt của bọ chét hoặc rận. Tuy vậy, các nhà khoa học còn nhận thấy chúng có thể lây truyền bệnh trong cộng đồng dơi qua nước bọt, hoặc qua không khí bị nhiễm khuẩn.
Tiến sĩ Daniel Becker, tác giả nghiên cứu, chia sẻ: "Do gần gũi với con người và nhiều loài sinh vật khác nên tỷ lệ tấn công, lây bệnh của loài dơi ma cà rồng cực kỳ cao. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa chúng với môi trường xung quanh, để có thêm nhiều thông tin về động cơ, cũng như cách thức loài dơi lây lan mầm bệnh cho các loài sinh vật khác."
Tham khảo: Earth