Thứ nhất, làm người phải BIẾT ƠN
Con người sống trong cuộc đời này chỉ tồn tại vài chục năm, phải học được cách xây dựng lòng biết ơn vì mọi sự tồn tại xung quanh chúng ta đều không hề đơn giản.
Vì thế, có lòng biết ơn với tất cả mọi người cũng như tất cả mọi thứ, từ chu kỳ nhân quả, vạn sự luân hồi, thiện có thiện báo, ác có ác báo, dù tốt dù xấu đều là một món quà dành cho chúng ta.
Một người đàn ông bản lĩnh, đủ tỉnh táo và thấu hiểu về cuộc sống sẽ nhận ra rằng, không có một thứ gì trên đời có được miễn phí, kể cả tình yêu thương của gia đình, người thân cũng cần có sự trả giá đến từ cả hai phía.
Chính vì thế, đừng nhìn vạn vật xung quanh bằng con mắt thản nhiên, hãy trả lại một cảm xúc chân thành đối với mọi tác động, tình cảm và giá trị mà cuộc sống đem tới.
Khi nghiên cứu và suy xét mỗi một vấn đề xảy ra phải đi tìm nguyên do từ bản thân mình trước tiên. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Đừng ôm trong lòng sự oán giận, phàn nàn với người khác để trốn tránh sai lầm của chính mình. Đừng coi thường chuyện nhỏ xung quanh mà gây ra tai họa lớn.
Người đàn ông sống bản lĩnh là người có khuôn thước, có kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân, khoan dung với người ngoài.
Do đó, học được cách biết ơn chúng ta mới có thể sống vui vẻ, hạnh phúc và đón nhận nhiều năng lượng tích cực từ cuộc đời hơn.
Thứ hai, làm người phải BIẾT TRÂN TRỌNG
Người khác tốt với bạn vì họ thích, bạn tốt với người khác là vì bạn cam tâm tình nguyện. Không phải mọi sự cho đi đều có đền đáp, cũng không phải mọi sự cho đi đều cần đền đáp.
Thế nhưng, khi chúng ta đối xử quá tốt với ai đó, họ lại vô tư coi đó là chuyện đương nhiên.
Chúng ta có thể cho đi mà không đòi hỏi nhận lại, nhưng họ không cảm động, không trả giá, lại càng không hiểu cách để trân trọng thật sự.
Một người đã quen với những nỗ lực của bạn sẽ không quan tâm bạn đã hi sinh những gì. Một người đã quen với sự khoan dung của bạn sẽ không quan tâm bạn đã chịu đựng ra sao.
Lại có nhiều người trong chúng ta luôn giương cao ngọn cờ yêu thương, lòng tốt để làm cái cớ ép buộc người khác, hễ có chút tranh chấp, họ sẽ nói "Lúc trước tôi đối tốt với cậu như thế nào"...
Nếu việc tốt ấy khiến bản thân người thực hiện coi là sự cho đi không cân xứng, khi sự đáp trả của đối phương không thỏa mãn được mong đợi, thất vọng sẽ nảy sinh. "Cảm giác mình là kẻ cho đi" là hung thủ bóp chết các mối quan hệ.
Trên thế giới này, rất nhiều người nhận ra nhưng lại cố tình không hiểu hai tiếng "biết ơn" và "trân trọng", cho nên họ mới có thể vô tư coi sự trả giá của người khác là điều đương nhiên, đem lòng chân thành của đối phương như thứ vô giá trị, tiện tay là có.
Rất nhiều lòng tốt đều dần dần biến thành sự thất vọng, đại biểu cho những vết rạn nứt trong mối quan hệ đôi bên.
Thứ ba, bản lĩnh đủ để BIẾT ĐỒNG CẢM
Sẻ chia và đồng cảm luôn là những gia vị không thể thiếu trong cuộc sống.
Chúng ta dựa vào nhận thức về bản thân, hiểu và kiểm soát tốt về cảm xúc của mình để từ đó học được cách thấu hiểu cảm xúc và tình cảnh của người khác.
Càng hiểu rõ cảm xúc của nhau thì khả năng phát sinh sự đồng cảm và chia sẻ giữa hai bên lại càng cao, triển vọng cải thiện mối quan hệ càng lớn.
Khi nhìn những người xung quanh gặp khó khăn, đa số mọi người chỉ đơn giản làm việc dễ dàng nhất, đó chính là thốt ra: "Cố lên nhé!"
Một số khác thân thiết hơn thì thử tìm cách an ủi những khía cạnh tốt đẹp, đưa ra một số lời khuyên vu vơ, có thể đúng mà có thể sai. Nhưng ít ai thực sự đủ bản lĩnh để biết đồng cảm với đối phương từ trong tư duy đến hoàn cảnh.
Đồng cảm khác với thông cảm, vì một bên là bạn thực sự hiểu xúc cảm của người khác và một bên là việc bạn nhìn thấy được hoàn cảnh của họ.
Nhà văn nổi tiếng Henri J.M. Nouwen có một đoạn viết: "Khi thành thật hỏi bản thân ai là người có ý nghĩa nhất với mình, chúng ta thường thấy, thay vì những người cho ta lời khuyên, giải pháp, người chúng ta nhớ đến luôn là người chia sẻ nỗi đau, người an ủi ta khi có vết thương lòng.
Người bạn có thể im lặng cùng ta trong những khoảnh khắc tuyệt vọng hay bối rối, người có thể ở cạnh ta lúc tang gia đau đớn, người chấp nhận được việc không cần biết, không cần cố giải quyết, không cần hàn gắn và cùng ta đối mặt với sự bất lực của mình, đó là một người bạn thực sự quan tâm đến ta".
Có nhiều lúc, đưa ra lời khuyên, cách giải quyết lại dễ dàng hơn rất nhiều so với việc thấu hiểu cảm xúc của đối phương.
Phần nhiều những cuộc nói chuyện thường tìm kiếm sự sẻ chia, sự quan tâm và thấu hiểu hơn là mong chờ những bài hướng dẫn, dạy bảo từ người xung quanh.
Khả năng đồng cảm tạo ra sự kết nối, từ đó giúp bạn nhận ra được đâu là vấn đề của mình, và có thể sau đó bạn sẽ thấy chính mình cũng được chia sẻ.
Sự kết nối giúp bạn được là một phần của thế giới và tự giúp bản thân, không chỉ trong đời sống cá nhân mà cả trong công việc.