Tiền bạc tuy không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó là thứ rất quan trọng trong cuộc sống. Tiền còn có thể giúp nhìn thấu lòng người, thử thách tình bạn. Phản ứng của con người khi đối mặt với tiền bạc là chân thực nhất, thái độ với tiền khó mà giấu giếm được.
Người ta thường nói, trong mối quan hệ giữa con người với nhau, tiền bạc như con dao hai lưỡi. Dù một mối quan hệ có sâu sắc bền chặt đến đâu nhưng nếu gặp xích mích về tiền bạc rồi cũng trở nên xa cách.
Bạn muốn trở thành người tốt, giúp đỡ bạn bè khi có thể, song sự thật là việc cho bạn bè, người thân vay tiền có thể khiến bạn tự đưa mình vào rắc rối. Trước khi quyết định cho ai vay tiền, chúng ta phải tuyệt đối cẩn trọng.
1. Cho vay thì dễ, đòi nợ thì không
Trong bộ phim truyền hình "Tôi là Dư Hoan Thủy", nhân vật chính đã cho người bạn tốt của mình vay 130.000 nhân dân tệ. Một thời gian sau, anh muốn mua một chiếc ô tô cho vợ mình nên đã hỏi đòi bạn anh số tiền đó. Kết quả là người bạn nói dối hết lần này đến lần khác và không chịu trả tiền. Sau đó, Duy Hoan Thủy đã bị phản bội bởi một người bạn tốt, cùng lúc đó còn bị vợ bỏ rơi, cuộc đời của anh ta rơi xuống đáy vực.
Trong cuộc sống hằng ngày, tình huống tương tự bộ phim rất nhiều. Nhiều người khi vay mượn sẽ nói như thế này:
"Anh giàu như vậy, cho tôi vay một chút thì sao?"
"Tôi mới mượn chút tiền một thời gian ngắn, sao anh đã thúc giục trả ngay? Sợ tôi ăn cắp hay sao? Anh thật keo kiệt!".
Đối với những người vô ơn, sự giúp đỡ của bạn như là điều hiển nhiên với họ, và việc “đòi nợ” lại trở thành sự keo kiệt.
Quả thực rất khó để bạn mở lời khi muốn lấy lại số tiền đã cho bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình vay. Bạn không muốn đối phương phải lúng túng hay khó xử bởi đó đều là những người quan trọng.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Nếu bạn đã cho bạn bè, người thân vay tiền và không thấy đối phương có tín hiệu trả, hãy dành thời gian cho một cuộc nói chuyện nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề. Bạn có thể nhắc nhở một cách khéo léo về khoản vay hay tâm sự về những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Bạn sẽ không thấy khó xử khi mở lời và người vay thấy thoải mái hơn.
2. Vay, vay nữa, vay mãi!
Thời xưa, có những gia đình giàu có sẵn sàng làm việc thiện, luôn giúp đỡ người nghèo, từ cơm ăn áo mặc, thậm chí cung cấp chỗ ở cho họ. Sau một thời gian dài, mọi người đều gọi họ là “bồ tát sống” cứu khổ, cứu nạn.
Khi đó, bỗng xuất hiện người ăn xin từ phương xa tới. Một gia đình khá giả (hay gọi là phú ông trong làng) đã đưa anh ta về nhà mình, cho anh ấy quần áo sạch sẽ và một ít tiền. Nhưng trong vài năm sau, người đàn ông đó vẫn liên tục quay lại nhà phú ông để xin xỏ.
Khi phú ông thấy anh ta lười biếng, không chịu làm ăn thì không cho anh ta tiền nữa, anh ta liền trách móc: "Ông đúng là đồ đạo đức giả, tự nói mình là người tốt, nhưng lại không cho người nghèo được thêm chút tiền!".
Thấy vậy, phú ông liền đặt ra quy tắc trong gia đình: Không cứu người nghèo!
Quả thực, chúng ta sẽ không bao giờ lấp đầy hố sâu tham vọng của những kẻ nghèo đói mà tham lam, lười biếng. Đối với những người như vậy, dù có giúp đỡ bao nhiêu họ cũng không có lòng biết ơn, thậm chí còn ỷ lại, lười biếng và có thể coi bạn như người xấu.
Trong cuộc sống sẽ có những kẻ luôn tìm đến bạn khi họ cần tiền. Cả năm không liên lạc, bỗng dưng bạn nhận được điện thoại từ người đó. Nhìn số điện thoại hiện lên, bạn biết mục đích của họ là vay tiền. Việc dễ dàng cho người khác vay tiền dễ khiến người đó nảy sinh tâm lý ỷ lại, luôn tìm đến bạn khi thiếu tiền thay vì nghĩ cách cải thiện tình hình tài chính.
Đừng biến mình trở thành một nhà băng, sẵn sàng cung cấp các khoản vay. Hãy học cách từ chối một cách khéo léo để không tự làm khó mình, khiến bản thân luôn phải đau đáu về số tiền đã cho vay.
Khi bạn bè hay người thân tìm đến bạn để vay tiền, họ đang gặp vấn đề trong cuộc sống. Không ai có thể cho người khác vay tiền mãi. Điểm mấu chốt ở đây là hãy trò chuyện và đưa ra cho họ cách để giải quyết tận gốc vấn đề của mình.
3. Khi cho mượn tiền cần phải xem xét tới độ tin cậy của đối phương
Người xưa có câu: “Thử lòng nhau trước đồng tiền”. Tiền rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, cho vay tiền là trao đổi lòng tin, sự tín nhiệm lẫn nhau.
Những người sẵn sàng cho bạn vay tiền chắc chắn là những người trân trọng bạn. Có thể họ không dư giả, nhưng với họ, tình bạn quan trọng hơn tiền bạc, họ không đành lòng làm ngơ khi bạn lâm nguy, họ dành tất cả chân thành để giúp đỡ.
Còn những người vay tiền không trả, xem nhẹ lòng tốt của người khác, không có lòng biết ơn, thiếu liêm khiết thì nên tránh xa càng sớm càng tốt và đặc biệt hạn chế những trao đổi liên quan đến tiền bạc.
Có những người bạn chỉ là mối quan hệ bạn bè xã giao, người đó cần tiền gấp nên mượn bạn một khoản nhỏ, vậy thì cứ cho người ta mượn. Cho dù người đó về sau biến mất không dấu vết, không trả lại bạn tiền thì đành thôi. Tình bạn giữa hai người có thể cũng chỉ đáng giá vài đồng mà thôi.
Còn với những người bạn tốt thực sự, họ mượn bạn một khoản tương đối và người bạn này biết rằng mối quan hệ giữa hai người không thể chỉ đáng giá chừng đó. Họ nhất định sẽ nghĩ mọi cách, bằng mọi giá để trả lại bạn tiền.
Lòng tốt nên dành cho những người xứng đáng; chân thành nên dành cho những người thực sự quan tâm đến bạn!
Theo Abolouwang