Ồ ạt rút BHXH một lần: Hà cớ gì phải “chặn đầu chặn đuôi"

An Chi |

Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, nhà nước cần có chính sách mở khi quy định tuổi nghỉ hưu, giữa những lao động gián tiếp và lao động trực tiếp, chứ không thể cào bằng tuổi nghỉ hưu.

Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.

Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã mở diễn đàn "Ồ ạt rút BHXH một lần" phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, số năm đóng, tỉ lệ hưởng cũng như cách tính lương hưu. Gởi ý kiến đến diễn đàn, nhiều bạn đọc đồng thuận với cách đặt vấn đề của chúng tôi và mong muốn cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) nên lắng nghe bức xúc của NLĐ, từ đó nghiên cứu, sửa đổi bổ sung phù hợp.

Bạn đọc Nguyễn Khánh Khoa bày tỏ: "Mong rằng Báo Người Lao Động tiếp tục có bài về nội dung này để trình bày nguyện vọng của NLĐ đến cơ quan soạn thảo luật, bởi vì NLĐ ít có kênh riêng để bày tỏ và cũng hy vọng là người làm luật đọc được tờ báo này và nhiều commet của NLĐ". Một bạn đọc tên Liêm góp ý thẳng thắn: "Những chính sách về an sinh xã hội trong đó có chính sách về hưu trí, nếu các nhà làm hoạch định chính sách có tâm luôn hướng tới phương án có lợi để NLĐ phấn đấu đạt được mục tiêu tốt đẹp, chứ không "chặn đầu chặn đuôi" gây bất lợi khiến cho NLĐ cảm thấy đuối rồi nản chí, bỏ cuộc". Ở một góc nhìn rộng hơn, theo bạn đọc Trần Quyên, Nhà nước cần có chính sách mở khi quy định tuổi nghỉ hưu, giữa những lao động gián tiếp và người lao động trực tiếp không thể cào bằng tuồi nghỉ hưu, chỉ nên quy định tuổi nghỉ hưu trong 1 khung thời gian mở như nam trong độ tuổi từ 55 60 tuổi, nữ từ 5055 tuổi là có thể được nghỉ hưu. "Người lao động cảm thấy sức khỏe còn tốt thì có thể làm việc cống hiến đến tuổi tối đa là 55 với nữ 60 tuổi đối với nam, còn sức khỏe không tốt thì đủ tuổi 50 đối với nữ và 55 đối với nam là họ có thể nghỉ hưu, phải do người lao động quyết định. Việc trừ 2% lương hưu khi thiếu tuổi là quá nặng . Có những trường hợp đủ năm đóng BHXH sức khỏe yếu muốn về hưu nhưng tuổi còn thiếu bị trừ 2% mỗi năm là quá ép buộc người lao động. chính điều này khiến nhiều người lao động muốn rút BHXH 1 lần. Luật nên cần sửa đổi"- bạn đọc này kiến nghị.

Ồ ạt rút BHXH một lần: Hà cớ gì phải “chặn đầu chặn đuôi - Ảnh 1.

Bạn đọc Phạm Văn Vinh đơn cử ví dụ: "Tôi năm nay mới có 45 tuổi nhưng đóng BHXH hơn 22 năm, thời điểm đó lương cơ bản có 660.000 đồng nhưng giá vàng chỉ có 500.000 đồng/chỉ. Quay lại vấn đề lương hưu, tại sao lại cứ tính mốc đầu tiên với mốc cuối chia đôi làm bình quân lương cơ bản là rất thấp làm sao đủ sống?". Tương tự, một bạn đọc giấu tên bày góp ý: "Lao động ngoài nhà nước đến 40, 45 tuổi bị cắt giảm cho nghỉ với lý do mất đối tác, mất khách hàng nên dừng sản xuất buộc phải cắt giảm lao động. Vậy số lao động 40, 45 bị cho nghỉ kia sẽ làm việc gì để có thu nhập để đóng BHXH tiếp cho tới 60, 62 tuổi? Ai sẽ bảo đảm công việc, điều kiện làm việc cho họ đến 60, 62 hay họ tự đi tìm việc hoặc thất nghiệp làm nghề tự do mà sống. Trong khi viên chức nhà nước thì có chuyển đi, chuyển lại cũng được bảo đảm việc làm đến 60, 62 tuổi, trừ khi bị bệnh mất sức lao động, vi phạm bị kỷ luật buộc thôi việc. Vậy việc quy định chung độ tuổi nghỉ hưu cho toàn bộ người lao động trong và ngoài nhà nước là 60 đối với nữ, 62 đối với nam có công bằng?".

Theo bạn đọc Anh Khoa, nếu muốn người lao động không rút bảo hiểm một lần tốt nhất để họ tự lựa chọn theo sức khỏe của mỗi người và công việc của mỗi người, chứ không thể cào bằng được. Bạn đọc Phạm Ngọc Huy hài hước: "Muốn ăn trứng vịt phải cho vịt ăn tử tế nó sẽ đẻ mãi cho mà ăn". Theo số đông bạn đọc, việc tính tuổi hưu theo giới tính, nữ 55, nam 60 như trước đây là có cơ sở khoa học, có nghiên cứu về sức khỏe lao động của con người. Chúng ta không nên tùy tiện tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giảm chi, làm như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động. Số tiền đóng nhiều hơn nhưng số năm hưởng là rất ít, nếu không nói một số trường hợp là bằng 0.

Thiết kế lại cách tính đóng - hưởng

Theo bạn đọc Báo Người Lao Động, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thiết kế lại cách tính đóng – hưởng theo hướng đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Bên cạnh đó, cần xem lại việc cắt 2%/năm nếu nghỉ hưu trước tuổi và điều chỉnh lại các tính lương hưu bình quân. Ví dụ quy định đóng 25 năm thì được lương hưu 45%, thì người nào đóng đủ 25 năm mất việc hoặc nghỉ việc có quyền đăng ký lĩnh lương hưu mỗi tháng mức 45% và được lĩnh lương hưu = số năm đóng BHXH. Ai muốn lĩnh lương hưu dài hơn và % cao hơn thì cứ đóng BHXH hơn 25 năm đặc biệt là khi người lao động chưa lĩnh đủ số năm lương hưu mà chết thì người thân của người lao động được nhận hết phần còn lại 1 lần hoặc từng tháng theo nhu cầu. Mức lương cơ bản để tính lương hưu phải là mức lương tối thiểu vùng hiện tại mà người lao động sinh sống. "Cứ trở về như trước là ổn. Nam 60, nữ 55 về hưu. Tỷ lệ 15 năm 45%, cứ mỗi năm đóng thêm được cộng 2% như trước là xong, ngắn gọn dễ hiểu, NLĐ vui vẻ!"- bạn đọc tên Quang nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại