Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.
Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có nhiều bài viết phân tích về tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Bạn đọc tên Liêm đặt câu hỏi: "Người lao động đề xuất nhiều, đóng góp ý kiến nhiều về những bất cập của Luật BHXH cần thay đổi nhưng chưa thấy cơ quan chức năng phản hồi, vì sao?".
Cùng tâm trạng, bạn đọc Mai Anh bày tỏ: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã đồng hành và nêu rõ ý kiến của NLĐ, bất hợp lý thì người dân lên tiếng nhưng tôi không tin cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, điều chỉnh.
Dù có sửa thì 2025 Quốc hội mới thông qua, khi đó hàng vạn người đã rút BHXH và khi đó liệu BHXH còn "thêm sáng kiến trừ % nào" dù lâu nay đã vô cùng bất công, áp đặt: càng đóng nhiều, đóng sớm càng bị trừ % nhiều".
Theo bạn đọc Trần Tiến, quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay là không phù hợp với người lao động một số ngành nghề: Ví dụ giáo viên mầm non, bác sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và một số ngành nghề khác với độ tuổi đó thì rất khó tham gia giảng dạy với giáo viên còn ngành y thì sẽ khó trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bệnh nhân như hồi sức cấp cứu, tiêm truyền dịch do mắt mờ chân run.
Tương tự, bạn đọc Công Thái khẳng định: "Luật BHXH còn nhiều vấn đề và đó là lý do người lao động muốn rút BHXH một lần. Tuổi nghỉ hưu như hiện nay là không phù hợp. Theo tôi không nên khống chế tuổi nghỉ hưu mà hãy để NLĐ tự quyết định. Người lao động đã đóng BHXH thì phải được hưởng phần đóng đó; đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít; người lao động tự quyết tuổi hưu của mình, nhà nước chỉ quyết tuổi tối đa nghỉ hưu".
Bạn đọc Vũ Thành Đồng bày ngán ngẩm: "Giảm xuống 15 năm tiến tới 10 năm để làm gì khi mà điều kiện tuổi nghỉ hưu tăng lên và cách tính trừ % cũng tăng, làm như thế khác nào tạo điều kiện người lao động được rút nhiều lần".
Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Công chức nhà nước được bảo đảm điều kiện công việc đến 60, 62 tuổi, còn công nhân lao động ngoài nhà nước 40 tuổi có khi bị cho nghỉ, với lý do đơn giản đối tác cắt đơn hàng, phải cắt giảm dây chuyền sản xuất. Vậy xin hỏi số CN 40 tuổi trở lên kia sẽ làm gì để đóng BHXH đến 60, 62 tuổi?".
Bạn đọc Nguyễn Khánh Khoa hài hước: "Tôi đang lo lắng là cơ quan soạn thảo có đọc các comment của rất nhiều kỳ không? Không biết họ có lắng nghe ý kiến NLĐ không? Hồi hộp quá".
Một bạn đọc quen thuộc viết: Dưới những bài viết của Người Lao động về BHXH tôi đều góp ý, nhưng không biết góp ý này đi được đến đâu, nhưng mà tôi vẫn quan tâm và góp tiếp. BHXH cần thiết kế lại khung đóng hưởng, một năm đóng hưởng bao nhiêu là hợp lý rồi cứ thế mà đóng vào, đến khi nào đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì được quyền nghỉ đóng và hưởng lương hưu, nếu muốn hưởng cao hơn thì đóng tiếp.
Nếu muốn rút một lần thì cứ rút. Như vậy người lao động có quyền sử dụng tiền mồ hôi công sức của mình bỏ ra, người nào có điều kiện thì nghỉ ngơi sớm, người nào ít điều kiện thì gắn thêm sức để đóng thêm mà có tiền lương đỡ đỡ dưỡng lão.
Không nên quy định độ tuổi nghỉ hưu mà mức kịch trần lương hưu của người lao động. Theo phương châm đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít đúng và trúng nghỉa đen lẫn bóng.
Góp ý sửa Luật BHXH, theo bạn đọc Võ Tuấn Hải, BHXH nên làm ngay những việc căn cơ trước khi sửa luật.
1. Rà soát lại việc sử dụng quỹ BHXH đă đem lại hiệu quả kinh tế tối ưu chưa để tránh tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, gây thất thoát quỹ như thời gian qua.
2. Tinh giảm bộ máy và áp dụng công nghệ thông tin sâu rộng để đơn giản việc thu chi.
3. Quyết liệt trong vấn đề nợ quỹ BHXH.
4 Thiết lập cổng thông tin để NLĐ được phép đóng góp ý kiến xây dựng luật một cách thiết thực nhất.
5. Minh bạch tất cả các khoản thu, chi, đầu tư, nợ BHXH...vv cho NLĐ được tường tận.
6. Bỏ ngay việc hạn chế quyền rút hay bảo lưu của NLĐ vì đây là tiền của họ.
7. Bỏ ngay cách tính hưu phân biệt đối xử giữa các thành phần lao đông.
8. Bỏ ngay quy định tuổi hưởng hưu, mà chỉ nên quy định số năm đóng hưởng theo tiêu chí đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít
Với bạn đọc Lê Văn Hồng Tiến, nên trả lại tuổi nghỉ hưu cho nam 60 và nữ 55 giống như trước đây. Bạn đọc Phạm Đình Cương đề xuất: "Thôi tôi cứ đóng đủ năm là được vì sức khỏe mỗi người mỗi khác, không nên cào bằng tuổi nghỉ hưu".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Lê Ngọc Hà viết: "Không lên quy định tuổi nghỉ hưu, ai đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.Tối thiểu 15 năm cho họ nghỉ hưu hưởng ít tiền cũng được. Họ còn sức khoẻ đóng tiếp hưởng tiếp xã hội mới công bằng.